Bình Định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

Thứ ba - 28/04/2020 16:44
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng tiến hành những cuộc họp quan trọng, phân tích toàn diện tình hình và quyết định mở cuộc quyết chiến chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975-1976, nếu thời cơ phát triển thuận lợi thì nhanh chóng kết thúc cuộc kháng chiến trong năm 1975, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Đông đảo đồng bào tham dự mít tinh mừng giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu
Đông đảo đồng bào tham dự mít tinh mừng giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu
Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Bình Định khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế tiến công cách mạng sôi nổi.
Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chiến dịch giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, quân và dân tỉnh nhà cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng tiến công quân địch. 5 giờ 35 phút ngày 4.3.1975, Tiểu đoàn 19 công binh tỉnh đánh sập Cầu 12, các đơn vị Sư đoàn 3 đồng loạt nổ súng tiến công hàng loạt chốt điểm của địch phía bắc và phía nam đường 19 từ lăng Mai Xuân Thưởng lên đèo Thượng Giang và Truông Ổi đến Tiên Thuận (Bình Giang, Bình Khê) mở màn chiến dịch Xuân 1975 ở Bình Định và trên khắp chiến trường Khu V.
Đêm ngày 5 rạng ngày 6.3.1975, D10 đặc công và Tiểu đoàn 51 cùng lực lượng vũ trang Bình Khê tiêu diệt các chốt dân vệ ở Núi Thơm, Kiên Thạnh, Vĩnh Lộc (Bình Hòa), Mỹ Yên (Bình An).
Từ ngày 4 đến ngày 9.3.1975, Sư đoàn 3 tiêu diệt gần 20 chốt địch từ Cây Rui đến Cầu 16 và Truông Ổi – Tiên Thuận, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 47 của Sư đoàn 22 cộng hòa, liên đoàn bảo an số 927, làm chủ hàng chục cây số đường 19, thực hiện chia cắt chiến lược hiểm hóc giữa Tây Nguyên và đồng bằng Khu V.
Thực hiện chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, các xã, huyện trong tỉnh đồng loạt nổ súng tấn công địch.
- Từ ngày 25 đến 28.3.1975, các lực lượng vũ trang và hàng nghìn quần chúng nhân dân Hoài Nhơn tiến công bao vây tiêu diệt các chốt điểm của địch trong huyện. Đến 10 giờ ngày 28.3.1975 giải phóng quận lỵ Bồng Sơn (Hoài Nhơn).
- 8 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Phù Mỹ.
- 9 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Phù Cát.
- 10 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Bình Khê (nay là Tây Sơn).
- 12 giờ ngày 31.3.1975 ta làm chủ quận lỵ An Nhơn.
- 12 giờ 30 phút ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Tuy Phước.
- 15 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Vân Canh.
- 20 giờ ngày 31.3.1975 đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, đặc công Đ30 và Đ20 đánh chiếm Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch, đánh dấu thời điểm giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định.
Tối 31.3.1975, lực lượng ta vừa ráo riết truy quét tàn quân địch ở thị xã, vừa khẩn trương triển khai lực lượng sẵn sàng tiêu diệt bọn tàn quân của Sư đoàn 22 cộng hòa, thiết đoàn 11, 2 tiểu đoàn pháo binh, một số tiểu đoàn bảo an, khoảng 6.000 tên liều mạng mở đường máu tràn vào Quy Nhơn hòng thoát ra biển.
12 giờ ngày 1.4.1975, ta phá 1 nhịp cầu Sông Ngang, buộc địch phải theo đường Lam Sơn để lọt vào trận địa bày sẵn của ta. Lực lượng của ta khép chặt vòng vây, đánh đằng trước, chặn phía sau, thọc ngang sườn băm nát đội hình địch, tiêu diệt gọn đội hình địch với hơn 300 xe, quân ta dũng mãnh xung phong chiếm xe tăng địch, quay nòng súng nã đạn vào bộ binh, bắn cháy hàng chục xe quân sự, bắn chìm 13 tàu và xuồng đổ bộ.
Sau 28 ngày đêm, từ 4 đến 31.3.1975, dồn dập tiến công, liên tục nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phối hợp với Sư đoàn 3 anh hùng, quân dân Bình Định đã đánh sụp toàn bộ ngụy quyền địch từ xã đến tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân. Chiếm lĩnh hầu như nguyên vẹn các thị trấn, quận lỵ và thị xã, căn cứ quân sự, kho tàng, công trình công cộng, giải phóng 932.161 dân. Hơn 72.000 tên địch bị tiêu diệt và bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ta diệt và làm tan rã Sư đoàn 22, một thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 6 tiểu đoàn pháo binh, 1 trung đoàn không quân. Quân địa phương gồm 20 tiểu đoàn, 25 đại đội bảo an, biệt kích và cảnh sát; 6 đại đội, 420 trung đội dân vệ, hơn 10.000 thanh niên chiến đấu, phòng vệ dân sự bị tiêu diệt và tan rã. Diệt, bức rút, bức hàng 469 chốt, trong đó có 180 chốt do quần chúng tiến công. Thu 20.000 súng các loại, có 47 pháo hạng nặng, 40 máy bay (có 20 máy bay phản lực), 200 xe quân sự (có 16 xe tăng và xe bọc thép).
Chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, ngay sau khi giải phóng toàn tỉnh, Đảng bộ lập tức động viên quân dân địa phương khẩn trương, tích cực đóng góp nhân tài vật lực phục vụ “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hàng trăm thanh niên bổ sung cho Sư đoàn 3 tiến thẳng vào mặt trận phía nam. Cảng Quy Nhơn đón hàng chục tàu chở các đơn vị của Quân đoàn II. Hàng trăm xe quân sự, xe vận tải, xe ca và hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu được huy động kịp thời cung cấp cho Quân đoàn II hành quân thần tốc vào Nam.
Thắng lợi ngày 31.3.1975, giải phóng hoàn toàn quê hương, Đảng bộ, quân, dân Bình Định đã góp phần xuất sắc cùng Đảng bộ, quân, dân các tỉnh phía nam, cùng cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong niềm hân hoan vô bờ bến của người dân Bình Định – quê hương người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ.
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


 

Tác giả bài viết: KT

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập14
  • Hôm nay1,440
  • Tháng hiện tại49,760
  • Tổng lượt truy cập1,892,678
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây