KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2020): Hồ Chí Minh & tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến”

Thứ ba - 19/05/2020 07:32
Những tháng đầu năm 1946 có quá nhiều gian nguy cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, có bao nhiêu biến động của “thù trong giặc ngoài”, khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ phải căng sức ra đối phó, chống đỡ - đó là “vạn biến”. Xét lại vấn đề trên toàn cục bối cảnh ấy sẽ thấy tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Người là một di sản quý báu.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành ở TP Quy Nhơn. Ảnh: V.L
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành ở TP Quy Nhơn. Ảnh: V.L
Khi con người sống có lý tưởng, kiên định với lý tưởng của mình, con người ấy có thể “dĩ bất biến”. Nghĩa là có thể sở đắc sự kiên định, sự bất biến trong tư tưởng, trong quan điểm và cách hành xử, khiến mình luôn “giữ vững lập trường”. Đạt đến ngưỡng như vậy là rất giỏi. Nhưng làm sao để linh hoạt, hành xử uyển chuyển trước vạn trùng gian nan, nguy biến để không chỉ giữ được mà còn nâng cao thêm lý tưởng, thì ấy mới là cao nhân, vĩ nhân. Cái vế sau ấy, chữ nghĩa viết là “ứng vạn biến”. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” có thể tạm hiểu là “lấy cái không thay đổi của mình để ứng phó với vạn điều thay đổi (của thế sự).
Chúng ta muốn hòa bình
Trở lại với bối cảnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Nhìn cách xử lý rất kiên quyết của Bác Hồ với thực dân Pháp ở Đông Dương và cách xử lý mềm mại, nghiêng về thuyết phục chứng minh với nhà cầm quyền Pháp ở chính quốc, cho thấy Bác Hồ đã “ứng vạn biến” với hai đối tượng đều là người Pháp, ở Đông Dương và nước Pháp, có những  khác biệt thế nào.
 
Sự linh hoạt trong các đối sách chính trị thuộc về bản lĩnh Hồ Chí Minh. Ðó là bản lĩnh của một vĩ nhân. Những lúc lùi lúc tiến, những ứng xử khi mềm khi cứng đều hướng tới một “dĩ bất biến” - đó là lòng yêu nước, là khát vọng Ðộc lập Tự do của một dân tộc.
Thực dân Pháp ở Đông Dương thì chỉ muốn chế độ thuộc địa quay trở lại Việt Nam, nhưng ở chính quốc, chính phủ Pháp với nhiều thành phần, trong đó những thành phần thiên tả và cộng sản muốn giải quyết vấn đề Việt Nam bằng một Hiệp ước chấp nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia vào khối Liên hiệp Pháp trong một thời gian nhất định, trước khi trao quyền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.
Bác Hồ biết, nếu giải pháp Liên hiệp thành hiện thực, Việt Nam sẽ tránh được cuộc chiến tranh với Pháp. Và nhất là, tránh được sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Minh do Bác Hồ lãnh đạo đã liên kết với Mỹ trên tinh thần Đồng minh cùng chống phát xít, và đã được tổ chức tình báo Mỹ OSS hợp tác đầy thiện cảm. Những phi công Mỹ tham chiến tại chiến trường Đông Dương mà máy bay bị bắn rơi đã được Việt Minh cứu sống và bảo vệ. Bác Hồ đã làm hết sức mình để Việt Minh thật sự là một lực lượng chống phát xít cùng Đồng Minh, để tạo sự tin cậy và hợp tác. Sự chân thành của Bác Hồ và Việt Minh lúc bấy giờ chính là “dĩ bất biến”. Đó là sự chân thành thật bụng, không thay đổi. Còn “ứng vạn biến” là tranh thủ sự hợp tác tối đa của đối tác, và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mà đối thủ gây cho Việt Nam.
Bác Hồ hiểu ý nghĩa của câu nói “Không gì mềm như nước, và không gì mạnh hơn nước”. Kết hợp giữa “mềm” và “mạnh”, lúc nào cần mềm thì mềm, lúc nào cần cứng rắn thì cứng rắn. Hơn cả một sách lược, đó là chiến lược ứng phó với kẻ thù mạnh hơn mình, trong khi mình đang ở thế bị bao vây, “tứ bề thọ địch”, và trừ lòng yêu nước cùng ý chí độc lập tự do của toàn dân tộc bùng cháy như lửa, thì lúc đó Việt Minh và nước Việt Nam non trẻ còn thiếu thốn rất nhiều thứ.
Hiệp định sơ bộ ký ngày 6.3.1946 khi quân Pháp đang tiến vào Hải Phòng để “giải giáp quân Nhật đầu hàng” - một cái cớ để xâm lược nước ta lần nữa, Bác Hồ chấp nhận như một bước lùi sách lược, nhằm duy trì hòa bình tới mức có thể, tranh thủ thời gian để chúng ta xây dựng và củng cố lực lượng. Và ngay từ bấy giờ, Hồ Chủ tịch đã biết chắc, chiến tranh vệ quốc chống thực dân Pháp xâm lược là không thể tránh khỏi. Trì hoãn cuộc chiến tranh ấy tới chậm ngày nào, là có lợi cho Việt Nam chúng ta ngày đó. Và vào tháng 5.1946, Bác Hồ quyết định phải thân chinh sang Pháp để cứu vãn nền hòa bình đang bị uy hiếp cực kỳ nguy hiểm. Trước khi đi, Bác Hồ đã trao quyền Chủ tịch nước cho nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Đó là niềm tin mà Bác đặt vào Cụ Huỳnh, một nhà yêu nước chánh trực, mạnh mẽ, chân thành. Lời thương mến với Cụ Huỳnh của Bác khi ấy chính là câu “dĩ bất biến ứng vạn biến” như một chìa khóa vạn năng mà Bác trao cho Cụ Huỳnh để ứng phó trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng. Bác đã thực hành nhuần nhuyễn tư tưởng này và khi trao lại cho Cụ Huỳnh, Người đã tinh lược, tóm gọn lại trong 6 từ ấy.
Bản lĩnh của một vĩ nhân
Nếu Bác Hồ từng dõng dạc “ Hồ Chí Minh không bao giờ là kẻ bán nước”, thì trong phút tạm biệt nhau, tôi nghĩ có thể Cụ Huỳnh đã nói câu này “Xin Cụ cứ tin ở tôi”. Đó còn hơn một lời hứa. Đó là một lời thề, của một người yêu nước trước một người yêu nước.
Sự linh hoạt trong các đối sách chính trị thuộc về bản lĩnh Hồ Chí Minh. Đó là bản lĩnh của một vĩ nhân. Những lúc lùi lúc tiến, những ứng xử khi mềm khi cứng đều hướng tới một “dĩ bất biến” - đó là lòng yêu nước, là khát vọng Độc lập Tự do của một dân tộc. Hình dung như con thuyền giữa biển khơi bão bùng sóng cả, người lái thuyền phải xử lý thế nào để con thuyền chẳng những không chìm mà còn phải tiến về phía trước, dù phải chịu bao vật vã. Tôi cứ nghĩ mãi, trong nhiều đêm ở thời điểm vừa cam go và đau lòng ấy, Bác Hồ đã bao lần phải rơi lệ. Và tôi nhớ câu thơ của bạn tôi, cố nhà thơ Trần Vũ Mai “Người yêu nước vốn chịu nhiều thua thiệt/Có được chăng, những tha thiết tim mình”. Vâng, tim Bác Hồ thì thường trực những thiết tha, vì Nước vì Dân. Khi lòng mình trong sáng, tim mình tha thiết, ý chí mình kiên định, thì tự nhiên, trong đầu mình sẽ vụt hiện lên rất nhiều cách xử lý với mọi khó khăn.
Tất cả những dồn nén, chịu đựng ấy để bùng lên ngọn lửa Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19.12.1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”
Đó là giải pháp cuối cùng của một dân tộc thiết tha yêu hòa bình. Và thực tế cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúng, tư tưởng của Người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến Độc lập Tự do Hạnh phúc!

Tác giả bài viết: Theo THANH THẢO (baobinhdinh.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập48
  • Hôm nay2,915
  • Tháng hiện tại96,616
  • Tổng lượt truy cập2,017,958
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây