NHỮNG CÔNG TRÌNH Ý NGHĨA GHI DẤU TÌNH CẢM CỦA NHÂN DÂN BÌNH ĐỊNH VỚI BÁC HỒ

Thứ sáu - 19/05/2023 10:59
Bình Định – mảnh đất được vinh dự và tự hào là nơi ghi dấu về các sự kiện liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ; nơi ghi nhận công lao của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác trong thời gian nhận chức Tri huyện Bình Khê; cũng là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của Bác với thân phụ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), xin điểm qua những công trình ý nghĩa thể hiện tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành
Năm 1908, sau khi thôi học ở Huế, Nguyễn Tất Thành đã đi vào Nam. Trên đường vào Nam, Người đã dừng chân tại Bình Định và lên Bình Khê để thăm cha. Thị tứ Đồng Phó, huyện đường Bình Khê, An Nhơn, Quy Nhơn…là những nơi Bác từng sống trong thời gian ở Bình Định. Địa điểm huyện đường Bình Khê là nơi Nguyễn Tất Thành đã từng sống và làm trợ giáo cho cha. Di tích hiện nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã gửi Nguyễn Tất Thành ở nhà người bạn thân là cụ Phạm Ngọc Thọ để học thêm tiếng Pháp tại trường Pháp - Việt Quy Nhơn. Khu vực nơi Nguyễn Tất Thành từng ở trọ trong thời gian sống tại Quy Nhơn hiện nay là địa điểm khu tập thể 4 tầng đối diện với Bệnh viện Đa khoa thành phố Quy Nhơn.
            Với tinh thần uống nước nhớ nguồn cũng như thể hiện tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/1990), Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng tỉnh Bình Định) đã hoàn thành trưng bày và đưa vào sử dụng phòng trưng bày Nhân dân Bình Định với Bác Hồ. Cho đến nay, đây luôn là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng và thường xuyên được bổ sung tư liệu, hiện vật. Phòng trưng bày Bác Hồ trong Bảo tàng tỉnh Bình Định gồm 4 phần chính: 1/ Thân thế Chủ tịch Hồ Chí Minh; 2/ Sơ lược về cuộc đời hoạt động của Bác; 3/ Bác Hồ với Bình Định và tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác; 4/ Nhân dân Bình Định thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

            Mảng trưng bày đầu tiên tái hiện rất đậm nét thân thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mô hình ngôi nhà quê nội ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và quê ngoại ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên. Bên cạnh đó là chân dung những người thân của Bác như thân phụ Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy), thân mẫu Hoàng Thị Loan,  Nguyễn Thị Thanh- chị gái Bác, Nguyễn Sinh Khiêm- anh trai Bác.
            Mảng trưng bày thứ hai bao gồm hàng trăm tư liệu, hiện vật, hình ảnh nêu bật sơ lược về cuộc đời hoạt động của Bác. Các tài liệu, hình ảnh ở đây dẫn dắt khách tham quan theo từng bước chân trên con đường ra đi tìm đường cứu nước của Người cũng như quá trình Người trở về nước lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nước nhà. Đó là hình ảnh Bến Nhà Rồng cùng với con tàu Latouche- Tresville đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ở trời Âu. Các hình ảnh, tư liệu thời gian Bác hoạt động ở nước ngoài cũng như khi Bác trở về nước lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Tám thành công rồi 9 năm kháng chiến đầy gian khổ để có ngày trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/ 1954. Đó là những hình ảnh, tư liệu Bác và Đảng lãnh đạo cuộc cách mạng XHCN miền Bắc và cách mạng Giải phóng dân tộc ở Miền Nam thời kỳ 1955 - 1969. Những tư liệu giai đoạn này phản ánh rất sinh động chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới. Từ những tư liệu, hình ảnh tái hiện sự đúng đắn, sáng tạo trong nghệ thuật lãnh đạo cách mạng  của Bác cho đến những hình ảnh bình dị nhất trong cuộc sống, sinh hoạt đời thường của người như cảnh Người trồng cây, tập thể dục hằng ngày, cho cá ăn, ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc trong Phủ Chủ tịch mà Bác sống và làm việc. Hay hình ảnh người tiếp xúc, gặp gỡ chân tình với các tầng lớp nhân dân và các tổ chức đoàn thể…đã hun đúc lên hình ảnh thân thiện, gần gũi vị Cha già của dân tộc.
Mảng trưng bày thứ ba tập trung làm rõ nội dung Bác Hồ với Bình Định và tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác. Đây là mảng trưng bày trọng tâm của phòng trưng bày về Bác Hồ. Trong số rất nhiều những hình ảnh tư liệu, hiện vật được trưng bày thì có không ít tư liệu, hiện vật gốc, mang ý nghĩa rất sâu sắc về tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác. Đó là hai tấm bài vị thờ Bác của bà Phạm Thị Đời ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn lập để kín đáo thờ Bác trong điều kiện chiến tranh. Với tấm lòng thành kính của mình đối với vị Cha già dân tộc, khi nghe Bác mất, bà đã nhờ người viết hộ bằng chữ Hán trên 2 tấm bài vị, một tấm ghi “Nguyễn Ái Quốc”, tấm kia ghi “Hồ Chí Minh” để trên bàn thờ, đêm đêm hương khói thờ phụng Bác. Cũng với tấm lòng ấy bà Phạm Thị Biết, một cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng trong vùng địch ở Bình Định, khi được một anh bộ đội tặng cho tấm tranh lụa vẽ hình Bác Hồ đã thầm cất giữ, chắt chiu hàng chục năm liền cho đến ngày giải phóng. Đó là tấm gỗ lim, một trong những tấm gỗ mà đồng bào Vĩnh Thạnh đã khai thác, vận chuyển ra Bắc vào năm 1974 để góp phần xây Lăng Bác Hồ là một trong rất nhiều minh chứng cụ thể về tấm lòng của người Bình Định đối với Bác. Bên cạnh đó là những hình ảnh tư liệu rất xúc động thể hiện tình cảm của người dân Bình Định đối với Bác, như tấm hình chụp bà Nguyễn Thị Thế Ngân (Phước Sơn, huyện Tuy Phước), một người con Bình Định may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ, vinh dự đứng cạnh Bác trong bức ảnh Bác chụp với đoàn đại biểu dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ (tháng 11/1964, tại Hà Nội). Đó là ảnh hai thiếu nhi Tam Quan, huyện Hoài Nhơn thay mặt thiếu nhi Liên khu V dâng tặng Bác Hồ bức tranh thêu “Nam - Bắc một nhà” lúc Bác đến thăm Trường học sinh miền Nam năm 1958. Đó là ảnh đoàn cán bộ Bình Định làm lễ truy điệu Bác tại Đại sứ quán CHDC Đức tháng 9/1969…Ngoài ra, còn có những kỷ vật Bác tặng cho những người con Bình Định tập kết ra Bắc đã được trân trọng và cất giữ cho đến ngày sau giải phóng. Đáng chú ý trong số đó là kỷ vật về Chiếc áo khoác bằng nỉ Bác tặng cho đồng chí Huỳnh Đăng Thơ đang được trưng bày ở Bảo tàng (Đồng chí Huỳnh Đăng Thơ chính là một trong những người sáng lập ra Chi bộ Hồng Lĩnh, tiền thân của Đảng bộ An Nhơn). Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ tập kết ra Bắc, công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch, làm nhiệm vụ giữ con dấu và chữ ký khắc mộc của Hồ Chủ tịch cho đến khi nghỉ hưu. Những năm tháng làm việc ở Văn phòng Phủ Chủ tịch, ông luôn nêu cao tinh thần trung thành, cẩn trọng, tận tụy với nhiệm vụ được giao, được Bác tin cậy và yêu mến. Năm 1955, vào một ngày giá rét của miền Bắc, Bác biết đồng chí Thơ chưa quen với cái rét của miền Bắc nên Bác đã tặng đồng chí một chiếc áo khoác bằng nỉ của Bác. Chiếc áo khoác này Bác từng mặc trong thời gian hoạt động ở Pắc Bó (tháng 2-1951). Chiếc áo này được đồng chí Huỳnh Đăng Thơ trân trọng gìn giữ, sau giải phóng trở về quê hương đồng chí đã giao kỷ vật này lại cho Bảo tàng tỉnh trưng bày và phát huy giá trị hiện vật.     
            Mảng trưng bày thứ tư nêu bật nội dung nhân dân Bình Định thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Bình Định phát triển về mọi mặt, để sớm trở thành một tỉnh giàu mạnh của miền Trung và cả nước. Trên lĩnh vực kinh tế là các công trình lớn như Cầu Nhơn Hội, Cảng Quy Nhơn, Đường Quy Nhơn- Sông Cầu, các nhà máy, xí nghiệp, khu kinh tế Nhơn Hội… Bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại được công nhận là Đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Đó là những hình ảnh thể hiện thành tựu văn hóa- xã hội của tỉnh trong những năm đổi mới. Điều đó đã minh chứng cho việc Đảng bộ và nhân dân Bình Định luôn lấy di chúc của Người là kim chỉ nam cho mọi nỗ lực trên con đường đưa tỉnh nhà thành một tỉnh giàu mạnh của cả nước.
            Có thể nói, Bình Định là một trong số ít những tỉnh có Bảo tàng dành hẳn một phòng lớn trưng bày chuyên đề về Bác. Phòng trưng bày Bác Hồ với nhân dân Bình Định luôn có một vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống trưng bày của Bảo tàng. Từ khi có phòng trưng bày đến nay, đây luôn là một điểm thu hút khách tham quan mỗi khi đến với Bảo tàng. Phòng trưng bày thường xuyên được chỉnh trang, bổ sung, thay thế các tư liệu hiện vật, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, học tập của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
            Cùng với phòng trưng bày Nhân dân Bình Định với Bác Hồ trong Bảo tàng tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn có hai công trình ý nghĩa gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Khu lưu niệm cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đồng Phó - Tây Sơn khánh thành năm 2015 và Cụm tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (còn gọi là Tượng đài Cha con và Tổ quốc) nằm tại vị trí trung tâm của thành phố Quy Nhơn khánh thành năm 2017. Những công trình ý nghĩa này chính là tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ, quân và dân Bình Định thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và mảnh đất Bình Định nói riêng.
NVT
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Viết Tuấn - Bảo tàng Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập28
  • Hôm nay1,824
  • Tháng hiện tại36,186
  • Tổng lượt truy cập1,879,104
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây