Nghiệm thu Đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức lãnh thổ liên vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ theo lưu vực sông nhằm phát triển bền vững nông lâm nghiệp”

Thứ ba - 29/06/2021 09:21
Vừa qua, Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cấp Quốc gia mã số TN18/11 thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 871/QĐ-VHL, ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam) đã tổ chức trực tuyến tại hai điểm cầu: Viện Hàn lâm KH - CN Việt Nam (Hà nội) và Trường Đại học Quy Nhơn nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức lãnh thổ liên vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ theo lưu vực sông nhằm phát triển bền vững nông lâm nghiệp”. Đề tài do Trường Đại học Quy Nhơn chủ trì và TS. Nguyễn Hữu Xuân (P. Trưởng phòng Sau đại học của Trường, Hội viên Hội Địa lý Bình Định) làm chủ nhiệm.
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài
Tham gia buổi báo cáo nghiệm thu có mặt đầy đủ 09 thành viên Hội đồng là các GS, TS, chuyên gia khoa học chuyên ngành, GS. TS Đặng Duy Lợi làm Chủ tịch Hội đồng và Tổ Chuyên gia tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài gồm 03 GS. TSKH do TS. Nguyễn Đình Kỳ làm Tổ trưởng. Tại điểm cầu Trường ĐHQN có mặt PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường và ban giám hiệu, PGS. TS. Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cùng tập thể các thành viên tham gia thực hiện đề tài. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh covid 19 nên các thành viên tham gia đề tài đang công tác ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Đắk Lắk không thể đến tham dự tại điểm cầu Trường ĐHQN.
Tại buối nghiệm thu, thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Hữu Xuân đã trình bày tóm tắt báo cáo khoa học tổng hợp nội dung, kết quả nghiên cứu theo đơn đặt hàng và thuyết minh đề tài đã được phê duyệt. Báo cáo nhấn mạnh: Các kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học về tổ chức lãnh thổ theo lưu vực sông (LVS), xác lập được các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững trên cơ sở tăng cường liên kết vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đề tài còn góp phần hoàn thiện phương pháp luận và quy trình nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH đến phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung nghiên cứu, đề tài đã kết nối, tập hợp được đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, trực tiếp nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học và giảng viên của các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Phú Yên, Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐHSP Huế, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng - Nông Lâm Trung Bộ,…) và các sở ban ngành liên quan (Sở Nông nghiệp - PTNT, Chi cục Thủy lợi - PCTT,…) về tổ chức lãnh thổ liên vùng trong sản xuất nông nông nghiệp theo LVS, về chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp và ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông lâm nghiệp. Mặt khác, đề tài còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao Sau ĐH thông qua các sản phẩm đăng kí tham gia đào tạo các lĩnh vực Địa lí tự nhiên, Quản lí đất đai, Quản lí tài nguyên và môi trường. Đồng thời, đề tài còn cập nhật, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thực trạng KT - XH, xu thế của thiên tai và BĐKH khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, bổ sung cơ sở dữ liệu GIS cho Atlas điện tử Tây Nguyên.
Tất cả các thành viên Hội đồng đã có ý kiến nhận xét và kết luận: Đề tài có tính cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn; đã bám sát đề cương, phát huy được lợi thế của cơ quan chủ trì và năng lực của đội ngũ nghiên cứu; đã kết hợp các phương pháp định lượng hiện đại nên kết quả nghiên cứu của đề tài đảm bảo độ tin cậy, đề xuất được các nhóm giải pháp phù hợp để giải quyết khá trọn vẹn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, đảm bảo về số lượng, chất lượng và chủng loại các sản phẩm đã đăng kí, đặc biệt đề tài đã vượt trội về số lượng bài báo khoa học công bố trong, ngoài nước và số lượng tham gia đào tạo Sau ĐH. Kết quả đề tài thể hiện quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của BCN đề tài và đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là của các hội viên Hội Địa lí Bình Định với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, kịp thời của các đơn vị chức năng trong điều kiện đại dịch Covid-19 hoành hành và sự theo dõi, giám sát, chỉ đạo chặt chẽ có trách nhiệm của cơ quan chủ trì là Trường ĐH Quy Nhơn. Các nhóm giải pháp của đề tài có tính khả thi, giải quyết được những yêu cầu đặt ra đối với vấn đề tổ chức lãnh thổ liên vùng theo LVS, góp phần phát triển nông lâm nghiệp bền vững trong bối cảnh BĐKH hiện nay.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đã góp ý, chỉ ra những hạn chế cần bổ sung, hoàn thiện cả về mặt học thuật và chất lượng sản phẩm của đề tài như cần làm rõ hơn nội hàm của “Liên kết vùng”, sự khác biệt giữa liên kết vùng theo LVS với các liên kết vùng khác; ranh giới của “Vùng nghiên cứu” với ranh giới hành chính các tỉnh thuộc vùng nghiên cứu; về nội hàm các khái niệm mới như “Đa thiên tai”; rà soát kết quả tính toán cân bằng nước; luận giải rõ hơn mô hình liên kết vùng theo chiều ngang cho đối tượng trồng rừng cây gỗ lớn và cây mía đường; vấn đề sinh kế của các đối tượng được hưởng lợi từ đề tài; nên có đánh giá hiệu quả các mô hình đề xuất để nâng cao hơn tính thực tiễn và khả thi.
Kết quả đánh giá nghiệm thu đề tài xếp loại Đạt với 5/9 phiếu đánh giá xuất sắc.
Thay mặt cơ quan chủ trì và tập thể thực hiện đề tài, PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ cùng TS. Nguyễn Hữu Xuân đã phát biểu cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Viện Hàn lâm KH - CN, Bộ KH - CN, Viện Địa lí, các GS. TS, các chuyên gia và nhà khoa học, các đơn vị chức năng đã giúp đỡ, đồng hành trong quá trình thực hiện đề tài, đặc biệt cảm ơn Hội đồng Nghiệm thu đã đánh giá thông qua đề tài với những ý kiến nhận xét xác đáng; ghi nhận toàn bộ ý kiến đóng góp của Hội đồng để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo khoa học theo ý kiến Hội đồng, làm rõ và sâu sắc hơn các giá trị từng sản phẩm đạt được của đề tài.

Tác giả bài viết: LaVa - Hội Địa lí Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập25
  • Hôm nay2,828
  • Tháng hiện tại88,727
  • Tổng lượt truy cập2,151,272
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây