Kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2021): BÌNH ĐỊNH VỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM LỊCH SỬ

Thứ tư - 18/08/2021 16:48
Cách mạng Tháng Tám lịch sử là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của nhân dân Bình Định và của cả dân tộc Việt Nam. Với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bình Định đã có những đóng góp quan trọng cùng với cả nước giành chính quyền về tay nhân dân.
Kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2021): BÌNH ĐỊNH VỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM LỊCH SỬ
Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Từ ngày 13 - 15/8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Tại Bình Định, ngày 18/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh được thành lập. Lúc này, các huyện đã công khai treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức biểu tình liên tổng, liên huyện để biểu dương lực lượng.
Thời cơ cách mạng đã đến, cùng với cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền lần lượt diễn ra ở các địa phương trong tỉnh. Tại Quy Nhơn, tối 21/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa quyết định kế hoạch khởi nghĩa chiếm thị xã tỉnh lỵ. Sáng 23/8/1945, cả Quy Nhơn sục sôi khí thế cách mạng, hàng nghìn công nhân, lao động và các tầng lớp khác cùng ngư dân xóm Tấn, thôn Hải Giang và nông dân Xuân Quang, Phú Vinh, Phú Hòa, Hưng Thạnh,… cờ giong trống thúc rầm rập tiến về sân vận động Quy Nhơn. Tại sân vận động Quy Nhơn, trước hơn 10.000 người, đại biểu của Ủy ban khởi nghĩa đứng lên hiệu triệu quần chúng nhất tề xông lên khởi nghĩa. Sau đó, quần chúng có các đội tự vệ cứu quốc đi đầu chia thành hai đoàn tiến chiếm hai mục tiêu quan trọng là Đốc bộ đường (tức Dinh công sứ cũ) và Tòa đốc lý (tức Tòa sứ cũ) rồi hợp điểm chiếm trại bảo an.
Tại các địa phương Bình Khê (Tây Sơn), Phù Mỹ, Hoài Ân, Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát, quần chúng lần lượt nổi dậy biểu tình thị uy, cướp chính quyền. Công nhân Delignon và các ga Bình Định, Diêu Trì, Mục Thịnh (Vân Canh),… cùng thanh niên, học sinh nhiều làng của Tuy Phước, thanh niên và nhân dân thị trấn Bình Định, công nhân trại Canh Nông và Túc Mễ (An Nhơn),… mang theo vũ khí thô sơ và cờ đỏ sao vàng nô nức kéo về Quy Nhơn.
Hơn một tuần lễ (23 - 31/8/1945), nhân dân Bình Định đã vùng lên giành chính quyền toàn tỉnh thắng lợi. Trước cơn bão táp cách mạng của quần chúng, bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến từ làng, xã đến huyện, tỉnh bị sụp đổ hoàn toàn, âm mưu phá hoại của bọn phản động cũng bị đập tan.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Bình Định là kết quả tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan. Đó là thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, là đường lối, chủ trương và sự chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự cổ vũ mạnh mẽ của cuộc tổng khởi nghĩa cả nước. Nhân dân Bình Định có truyền thống đấu tranh rất kiên cường chống kẻ thù xâm lược và bọn tay sai bán nước. Với sự chuẩn bị tích cực, với tinh thần “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, toàn dân Bình Định đã nhất tề nổi dậy trong thời cơ trực tiếp thuận lợi nhất.
Cánh mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước rất hào hùng của dân tộc Việt Nam. Với thắng lợi vĩ đại này, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc. Kỷ nguyên mới của dân tộc là kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phục hưng đất nước, kỷ nguyên kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mà chủ thể của sự nghiệp vĩ đại này không có ai khác là con người Việt Nam, là cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình khí phách quật cường của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Dân tộc có độc lập thì con người mới tự do, hạnh phúc. Khi đất nước được độc lập thì con người mới được giải phóng, mới có thể cùng nhau xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đảng bộ và nhân dân Bình Định vô cùng tự hào về những đóng góp quan trọng cùng với cả nước giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Bình Định trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lịch sử, là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, hy sinh của các tổ chức đảng cùng các thế hệ chiến sỹ cách mạng và nhân dân Bình Định vì độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi trọng đại này không chỉ là thành quả của chặng đường 15 năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Bình Định mà còn là thành tựu to lớn trong mấy thập kỷ đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước Bình Định, hết lớp này đến lớp khác, kiên cường đứng lên chống đế quốc và tay sai để giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho nhân dân. Với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hơn 750.000 người dân Bình Định không kể tuổi tác, giai cấp, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo... thật sự đổi đời.
 

Tác giả bài viết: Quang Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,181
  • Tháng hiện tại35,543
  • Tổng lượt truy cập1,878,461
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây