Bình Định: Chuyện những người “đỡ đẻ’ cho rùa biển
Thứ hai - 23/08/2021 07:15
Thời gian qua, tại làng chài xã Nhơn Hải, cả địa phương từ chính quyền đến người dân ai ai cũng đều vui mừng phấn khởi vì ở bãi biển thôn Hải Đông xã Nhơn Hải xuất hiện rùa lên bãi đẻ trứng và có rùa con ra đời.
Theo thống kê của địa phương từ đầu năm đến nay, Chính quyền địa phương xã Nhơn Hải đã chỉ đạoTổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải phối hợp với Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải và Lực lượng dân quân của xã Tổ chức di dời bảo vệ 4 ổ trứng rùa với 384 quả trứng đến nơi an toàn( vì các ổ trứng rùa đều nằm sát mép nước nên dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường); Cắm biển báo khu vực bảo vệ rùa biển; Thường xuyên kiểm tra giám sát bảo vệ bãi đẻ rùa biển và bảo vệ ổ trứng rùa; Theo dõi, giám sát và hỗ trợ rùa con chào đời. Kết quả ổ trứng nở thành công với tỉ lệ 54% mặc dù ổ trứng này được di dời muộn sau sinh gần 1 ngày.
Tại xã Nhơn Hải có 3 người đàn ông được người dân quí mến gọi là những “ông bố” của rùa biển đó là anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải và các anh ở Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải. Trong cả 4 lượt rùa lên bãi đẻ trứng là cả 4 lần các anh đều có mặt để hỗ trợ rùa trong lúc rùa đẻ, di dời ổ trứng, đưa rùa mẹ về biển an toàn, hỗ trợ rùa con khi chúng nở.
Anh Tạ Thanh Tuấn cho biết Trạm Kiểm soát biên phòng Nhơn Hải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển, các anh còn tích cực chủ động tham gia với chính quyền địa phương và phối hợp với Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của xã Nhơn Hải kịp thời phát hiện, bảo vệ an toàn cho các cá thể rùa biển lên bờ đẻ trứng và ấp nở. Trước đây vào năm 2018 anh có tham gia 1 lần thả rùa về biển và tham gia “đỡ đẻ “4 lần trong năm nay. Có những hôm canh rùa đẻ xong, các anh di dời ổ trứng luôn là đến khoảng 1h sáng mới xong nhưng các anh không hề cảm thấy mệt. Anh vui nhất khi nhìn ổ trứng mà các anh chăm sóc bảo vệ đã nở. Các chú rùa con nở với tỉ lệ thành công cao là niềm hạnh phúc không của riêng các anh mà của cả cộng đồng dân cư nơi đây.
Theo người dân nơi đây cho hay thời gian trước có nhiều người hay đào ổ trứng rùa để đem về ăn, nhưng từ 2008 đến nay, được sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước như Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và nguồn tài trợ của chính phủ Đức cho chương trình GEF SGP thông qua dự án GSI-ICCA triển khai tại 26 nước, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp cùng Hiệp hội Thủy sản Bình Định, các bên liên quan, chính quyền địa phương và người dân thành lập các tổ chức cộng đồng tại Nhơn Hải để bảo vệ rùa biển và san hô. Đồng thời có sự tích cực tuyên truyền vận động và giải thích của Trạm Kiểm soát Biên phòng Nhơn Hải thì tình trạng người dân đào phá ổ rùa đã không còn nữa.
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, là người trực tiếp thực hiện các kỹ thuật di dời ổ trứng cho biết thêm, ở địa phương anh thường hay thực hiện các công tác cộng đồng với nhiều chức danh khác nhau: Đội trưởng Đội bảo vệ san hô xã, Đội trưởng Đội Thu gom rác,Thành viên Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ du lịch thủy sản xã. Là người tham gia thực hiện công tác giám sát bảo vệ san hô nên hễ người dân phát hiện rùa mắc lưới là gọi điện cho anh để thả về biển. Từ năm 2019 đến nay anh đã thả được 5 con rùa về biển do mắc lưới. Đồng thời từ khi có rùa lên bãi biển thôn Hải Đông để đẻ trứng đến nay đã có 4 ổ trứng được gì dời bảo vệ, một ổ trứng đã nở thành công. Thông qua báo chí, công tác bảo vệ rùa biển ở địa phương được lan tỏa rộng rãi trên mọi miền đất nước đã nhân lên niềm vui và xen lẫn niền tự hào của chính quyền và cộng đồng dân cư xã Nhơn Hải
Tác giả bài viết: Ái Trinh (Hiệp hội Thủy sản Bình Định)