Phê duyệt đề án Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Y tế thông minh giai đoạn 2019-2025
Thứ sáu - 06/12/2019 02:06
Vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025. Đây là xu thế và phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có lĩnh vực y tế. Với mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Đề án có tính cần thiết thể hiện ở mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ số trong y tế và tính tác dộng của công nghệ số đến ngành y tế. Tính sẵn sàng thể hiện việc Bộ Y tế đang xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, đầu tư hạ tầng phòng máy chủ đạt tiêu chuẩn Tier 2 trở lên; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia; hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đưa vào vận hành hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân;...ngành y tế đã tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế Internet of Medical kết nối, trí tuệ nhân tạo trong y tế, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn. Hầu hết các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh như phần mềm quản lý bệnh viện HIS, quản lý xét nghiệm LIS, chẩn đoán hình ảnh PACS, phát triển ứng dụng bệnh án điện tử EMR; ứng dụng điện toán đám mây, ... . Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công trong việc kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đến nay, đã có 99.5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định khám, chữa bệnh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Ngành y tế xây dựng dự án Telemedicine từ các bệnh viện hạt nhân đến các bệnh viện vệ tinh. Kết nối thiết bị điện tử và truyền tải dữ liệu lên hệ thống, kết nối hệ thống HIS-LIS-RIS, PACS-EMR, định dạng người bệnh qua mã vạch, cảm biến, RFID; triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.Triển khai ứng dụng rô-bốt và trí tuệ nhân tạo trong y tế. Ứng dụng rô-bốt phẫu thuật nội soi Da vinci, rô bốt phẫu thuật cột sống Renaissance, rô-bốt phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và rô bốt phẫu thuật thần kinh Rosa; thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện. Bệnh viện đa khoa Phú thọ năm 2018, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh năm 2018 Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành y tế như Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử; Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Bộ Y tế đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0 năm 2015 nhằm tăng cường khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ sử dụng thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ; tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, triển khai thành công và có hiệu quả nhiều dịch vụ công trực tuyến. Các đơn vị trong ngành Y tế, các bệnh viện đều hình thành tổ chức chuyên trách công nghệ thông tin và có cán bộ phụ trách về ứng dụng công nghệ thông tin. Tính tác động của công nghệ số đến y tế thể hiện qua cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan trong Bộ Y tế, hướng đến cách thức quản lý công việc trên nền tảng công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tác động đến trực tiếp đến các đối tượng và các dịch vụ cung cấp của ngành y tế: thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ y tế truyền thống sang các dịch vụ y tế số mà nền tảng là dữ liệu số; Quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế đầu tư vào số hóa dữ liệu và ứng dụng CNTT mạnh mẽ. Đề án nêu rõ việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin y tế; Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam; Xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh thông minh; Xây dựng nền quản trị y tế thông minh; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thông minh trong y tế; tăng cường hợp tác quốc tế; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về y tế thông minh.