Mùa Xuân của Đảng - Những mốc son không thể phai mờ

Thứ hai - 03/02/2020 08:06
Ra đời vào một mùa Xuân, Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua 90 năm xây dựng, trưởng thành mà trong đó có nhiều mùa Xuân trở thành mốc son không thể phai mờ.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nguồn: dangcongsan.vn
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nguồn: dangcongsan.vn
Mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930, ba tổ chức cộng sản xuất hiện trước yêu cầu phải thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của  giai cấp vô sản… một Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Vương), mặc cho bản thân mình đang bị Tòa án Nam triều kết án tử hình vắng mặt, vẫn từ Đông Bắc Thái Lan xuống Bangkok, đi Singapore, sang Hương Cảng, triệu tập Hội nghị hợp nhất.
Trong 5 ngày (từ 3-7/2/1930), khi thì trong căn nhà nhỏ của xóm lao động, khi thì chuyển ra một khán đài sân bóng đá, ngày kết thúc tại căn buồng nghỉ trọ, đại diện các tổ chức cộng sản Việt Nam thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Vương tổ chức bữa cơm mừng xuân, mừng Đảng với niềm tin Đảng sẽ “dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc”.
Mười một năm sau, mùa Xuân năm Tân Tỵ 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lý Thụy) vượt qua cột mốc 108 biên giới Việt-Trung vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, khép trọn hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong tiết Xuân ấm áp ngày trở về Tổ quốc, tức cảnh “Pác Bó hùng vĩ” kết thúc bằng câu thơ “Hai tay xây dựng một sơn hà”. Ông Lý Thụy chuyển vào hang Pác Bó, bắt đầu quá trình tranh thủ thời cơ chiến tranh thế giới lần thứ II hoàn chỉnh chiến lược cách mạng, đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Đúng như dự báo “1945 Việt Nam độc lập”, ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới, thiết lập nền dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á đúng mùa Xuân Bính Tuất 1946 - mùa xuân độc lập đầu tiên sau hơn 80 năm bị đô hộ.
Mùa xuân ấy thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”: Nam Bộ mới 28 ngày độc lập đã phải đứng lên “theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”; phía bắc bị 20 vạn quân Tưởng đem theo “Việt Quốc”, “Việt Cách” nhũng nhiễu hòng bóp chết chế độ Dân chủ Cộng hòa non trẻ; ngân khố quốc gia trống rỗng, “giặc đói”, “giặc dốt” hoành hành... Đảng Cộng sản tuyên bố tự giải tán và rút vào bí mật. Quốc hội-cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (họp ngày 2/3/1946), “trao quyền bính” cho Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp đầu năm mới” (Bính Tuất 1946), Cụ Hồ thay mặt Chính phủ “chúc các bậc kỳ lão, các anh chị em thanh niên và thiếu niên, các trẻ em trai và gái mọi sự tốt lành”. Người cũng “gửi tình nhiệt liệt và lời chào sốt sắng cho các chiến sĩ yêu quý của ta đang gan góc tranh đấu ở các mặt trận để giữ gìn nền tự do độc lập cho nước nhà”.
Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ với ý chí quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, mùa Xuân Tân Mão 1951 Toàn dân hǎng hái một lòng; Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”-lần đầu tiên Đảng tổ chức Đại hội toàn quốc ở trong nước, ngay tại chiến khu Việt Bắc. Nhiều đại biểu còn không biết mặt nhau nhưng đều nhất trí đưa Đảng ra hoạt động công khai.
Báo cáo Chính trị của Hồ Chí Minh tại Đại hội (khai mạc ngày mồng 6 Tết) nêu rõ: “Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam”. Người nhấn mạnh đó là: “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.
Kháng chiến 9 năm kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhưng kẻ thù mới nhảy vào, đất nước bị chia cắt. Phải 6 năm Đảng mới tìm ra con đường cách mạng cho hai miền Bắc-Nam thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, nhen lên ngọn lửa Đồng khởi mở đầu mùa Xuân Canh Tý 1960, làm bùng lên phong trào rộng lớn, chuyển thế chiến lược cho cách mạng miền Nam bước vào kháng chiến cứu nước.
Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (lần đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội). Với cương vị Chủ tịch Đảng, đồng chí Hồ Chí Minh khai mạc Đại hội, đọc Báo cáo Chính trị khái quát nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam và chỉ rõ: “Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà”.
Tiếp tục những mùa xuân “Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, mùa Xuân Mậu Thân 1968 cả nước chuẩn bị thực hiện quyết định táo bạo của Đảng, lấy câu thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch làm mệnh lệnh: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Đó là mùa Xuân Tổng tiến công và nổi dậy long trời, lở đất đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy, giáng đòn bất ngờ lớn vào quân xâm lược, buộc chúng phải thay đổi chiến lược quân sự, xuống thang chiến tranh. mở ra thời kỳ “vừa đánh, vừa đàm” để giành thắng lợi quyết định, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Như lệ thường, mùa Xuân Kỷ Dậu 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng năm mới tới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Cuối thư, Người có thơ mừng Xuân chỉ rõ đường hướng kháng chiến “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Người viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng báo Nhân dân dịp kỷ niệm thành lập Đảng. Người dự Hội nghị Bộ Chính trị, tiếp Đại sứ các nước mới sang nhậm chức, vẫn dành thời gian gặp cán bộ, chiến sĩ, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc… Ngày Mùng 1 Tết Kỷ Dậu, Người đi thăm và chúc Tết nhân dân, cùng đồng bào khai xuân trồng cây trên đồi Vật Lại (Ba Vì). Người dặn “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”… Và mùa Xuân ấy cũng là mùa xuân cuối cùng toàn Đảng toàn quân toàn dân có Bác Hồ.
Vâng lời dạy của Bác “Tiến lên chiến sĩ đồng bào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”, nhân dân ta tiếp tục chiến đấu đến ngày toàn thắng từ mùa Xuân năm Ất Mão 1975.
Cả nước hành quân ra trận với sức mạnh “một ngày bằng 20 năm”. Chỉ 55 ngày Tổng tiến công và nổi dậy, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà, giang sơn liền một dải, cùng hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Mùa xuân ấy cắm tiếp cột mốc vinh quang chói lọi vào lịch sử đất nước, tô đậm truyền thống bất khuất của dân tộc chống ngoại xâm. Mở ra con đường rộng thênh thênh của công cuộc dựng xây đất nước từ đây…
Mùa Xuân Kỷ Mùi 1979, một lần nữa lịch sử thử thách nhân dân ta bằng thiên tai, địch họa, cấm vận, chiến tranh ở biên giới Tây-Nam, biên giới phía bắc, khủng hoảng kinh tế-xã hội…
Trong khó khăn hiểm nghèo “Lụt Bắc lụt Nam. Máu đầm biên giới. Tay chống trời. Tay giữ nước. Căng gân”, Trung ương Đảng kêu gọi “Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai… triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”. Chủ tịch nước công bố Lệnh Tổng động viên. 50 triệu người dân cả nước sẵn sàng và quyết tâm đứng lên chiến đấu vì độc lập tự do.
Thời gian thoi đưa theo đà phát triển của đất nước, của nhân loại, vào năm bản lề thiên niên kỷ thứ III, mùa Xuân Canh Thìn 2000, Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm cơ sở cho quá trình tiếp tục lãnh đạo dân tộc, đất nước bước sang thế kỷ XXI - thế kỷ độc lập, thống nhất, xây dựng cơ đồ Việt Nam.
Đến mùa xuân này-mùa Xuân Canh Tý 2020- năm thứ 90 sau ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội XIII với nhiệm vụ tổng kết lý luận và thực tiễn, nhất là thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới với niềm tin và ý chí quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong đợi.
Như vậy có thể thấy trong những mùa xuân tiêu biểu ấy, Đảng tiên phong, đứng mũi chịu sào, bản lĩnh kiên cường và trọng trách lịch sử, mạng lại nhiều mùa Xuân đích thực cho dân tộc. Và Đảng lúc nào cũng căng tràn sức Xuân!
Nguồn: PGS. TS Hà Minh Hồng
 

Tác giả bài viết: THÀNH PHONG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập85
  • Hôm nay5,599
  • Tháng hiện tại99,300
  • Tổng lượt truy cập2,020,642
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây