Hội thảo trực tuyến công tác dự báo, phòng chống, giảm thiểu các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Thứ sáu - 06/11/2020 14:53
Ngày 6/11/2020, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Mạng lưới Trí thức Trẻ Việt Nam toàn cầu tổ chức Hội thảo trực tuyến về công tác dự báo, phòng chống, giảm thiểu các tác động của thiên tai và biến đối khí hậu ở Việt Nam. Hội thảo với sự trình bày của các diễn giả đến từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc Gia, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Tổng cục phòng chống thiên tai và các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học UC Davis (Mỹ), Indiana Univesity in Bloomington (Mỹ), UC Irvina (Mỹ), Đại học Sydnet (Úc) và các nhà khoa học, giảng viên đang công tác tại các trường Đại học tại Việt Nam quan tâm. Đây là một trong chuỗi sự kiện về chủ đề “Việt Nam 2045” với mục tiêu tập trung đề xuất các sáng kiến, giải pháp góp phần đưa đất nước vươn đến những mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo đó, các diễn giả đã trình bày các báo cáo, nghiên cứu liên quan đến các kỹ thuật cảnh báo mưa và lũ sử dụng vệ tinh viễn thám, radar, các công cụ kết hợp giữa mô hình khí tượng và mô hình thủy văn. Các ứng dụng của bộ công cụ kết hợp khí tượng-thủy văn có thể tính toán mô phỏng động lực khí tượng thủy văn trong các điều kiện thời tiết cực đoan như mưa, lũ, hạn hán đang được phát triển như thế nào tại Mỹ và trên thế giới. Đồng thời, các công trình cũng định hướng về tiềm năng ứng dụng này cho Việt Nam.
Xác suất mưa tại các trạm quan trắc
Các báo cáo điển hình như: “Tính phức tạp của nghiệp vụ dự báo bão tại Việt Nam hiện nay” của nhóm tác giả PGS. TS. Mai Văn Khiêm, TS. Hoàng Phúc Lâm, TS. Dư Đức Tiến (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc Gia). Nghiên cứu nhấn mạnh về những hạn chế cùng mức độ áp ứng của công nghệ dự báo (dự báo số trị, dự báo tổ hợp, đồng hoá số liệu) hiện nay đến việc cảnh báo và dự báo được những thay đổi nhanh các hệ quả do bão đổ bộ gây ra bao gồm phân bố mưa lớn-gió mạnh, các quá trình dự báo lũ, lũ quét và sạt lở đất. Các giải pháp tăng cường thông qua hệ thống quan trắc tự động hiện đại cùng vai trò của năng lực tính toán cũng sẽ được đề cập. “Sơ bộ đánh giá thiệt hại do lũ lụt tại Quảng Bình” của PGS. TS. Đỗ Hoài Nam (Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam). Báo cáo đánh giá thiệt hại tại Quảng Bình và Quảng Trị, hai tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong trận đại hồng thủy và chia sẻ sơ bộ về tình hình thiệt hại ở hai địa phương này và nguyên nhân dẫn đến thảm họa. “Giới hạn của độ chính xác dự báo bão” của PGS.TS. Kiều Quốc Chánh (Đại Học Indiana, Bloomington, Hoa Kỳ). Dự báo quỹ đạo và cường độ bão là một trong những bài toán nghiệp vụ quan trọng có tác động lớn đến xã hội và kinh tế. Mặc dù, dự báo sự dịch chuyển của bão đã có rất nhiều cải thiện trong vòng 30 năm qua, dự báo cường độ bão dường như không được cải thiện đáng kể tương ứng. Trong nghiên cứu này, một số tính chất cơ bản của bão sẽ được trình bày để chỉ ra giới hạn về độ chính xác của dự báo cường độ bão mà các mô hình bão trong tương lai sẽ không thể cải thiện thêm được nữa. “Sử dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc mưa và cảnh báo thiên tai” của PGS.TS. Nguyễn Đình Phú (Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn và Viễn thám –CHRS- Đại học California, Irvine, Hoa Kỳ). Nghiên cứu giới thiệu khái quát về công nghệ quan trắc mưa sử dụng vệ tinh. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm chịu nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, sạt lở đất, và hạn hán. Báo cáo chỉ ra một số hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vệ tinh trong quan trắc mưa, dự báo và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu cho điều kiện của Việt Nam. “Công nghệ dự báo, cảnh báo mưa lũ sớm” của TS. Trịnh Quang Toàn (Đại Học UC Davis, Hoa Kỳ). Nghiên cứu tập trung giới thiệu các công nghệ dự báo và cảnh báo có tính ứng dụng cao trong thực tế nhằm đưa ra được những cảnh báo sớm cho người dân và các bên liên quan, giúp giảm thiểu thiệt hạn sau mỗi đợt thiên tai.