DẤU MỐC 90 NĂM THÀNH LẬP MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Thứ hai - 16/11/2020 07:17
Cách đây tròn 90 năm, sau khi Đảng ta ra đời ( ngày 3/2/1930), ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh-hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam nhằm tập hợp rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp xã hội, đoàn kết mọi người dân yêu nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân. Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam ( 18/11) hằng năm đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. 90 năm qua, Mặt trận Thống nhất Viêt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) luôn đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
DẤU MỐC 90 NĂM THÀNH LẬP MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Qua từng thời kỳ của lịch sử và thích ứng với các giai đoạn đấu tranh của cách mạng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được xây dựng và phát triển với nhiều hình thức tập hợp lực lượng phong phú phù hợp và đáp ứng yêu cầu cách mạng các giai đoạn với những tên gọi khác nhau.
Sau Hội Phản đế Đồng minh, Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1936 đã quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương( gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương). Đây là sự điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Trên thực tế, tổ chức Mặt trận chưa kịp hình thành một cách rõ ràng và chặt chẽ thì chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đảng chuyển sang một giai đoạn mới, không thể duy trì kiểu tổ chức Mặt trận dân chủ.
Các lực lượng cách mạng ở Việt Nam bị chúng đàn áp khốc liệt nên tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị tại Bà Điểm – Hóc Môn chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất. Tại Hội nghị chủ trương lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương tập hợp tất cả cả các lực lượng chống chiến tranh, chống đế quốc. Đây là quyết định kịp thời, phù hợp với điều kiện cách mạng giải phóng dân tộc đã chuyển hẳn sang tình hình mới.
Tổ chức Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh ( gọi tắt là Việt Minh). Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941 tại Pác Bó chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh ( Việt Minh) nhằm tập hợp lực lượng cách mạng rộng lớn hơn tất cả các hình thức Mặt trận Dân tộc Thống nhất trước đó. Ngoài công nông, Mặt trận Việt Minh còn bao gồm tất cả các lực lượng yêu nước khác trong các giai cấp địa chủ, tư sản dân tộc, trí thức.
Mặt trận Việt Minh có tổ chức rộng khắp từ trung ương xuống cơ sở; có chương trình cương lĩnh rõ ràng đáp ứng chung cho nguyện vọng của các giai tầng yêu nước bất kể vùng miền, bất kể đó là công nông hay tiểu tư sản, hay từ các giai cấp bóc lột. Mặt trận Việt Minh đã làm tròn nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng lên đấu tranh giành được độc lập trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1946, giữa lúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã gặp nhiều khó khăn lớn nên đã chủ trương mở rộng mặt trận hơn nữa, vì có một số tổ chức chính trị đối lập, đồng thời một số đảng chính trị ra đời với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương ( Đảng Dân chủ đại diện cho tư sản dân tộc, Đảng Xã hội đại diện cho trí thức). Theo đó, Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ( gọi tắt là Liên Việt) đã được thành lập nhằm mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Việt Minh và Liên Việt đã cùng nhau trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng non trẻ đối phó có hiệu lực với hoàn cảnh đất nước ở vào tình hình “ ngàn cân treo sợi tóc” giặc ngoài, thù trong, chuẩn bị kháng chiến toàn quốc đồng thời đẩy mạnh kiến quốc.
Sau một thời gian phát triển, yêu cầu của cách mạng cần có sự hợp nhất các mặt trận. Ngày 3-3-1951, đã diễn ra Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh- Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, một nhân tố rất quan trọng để góp phần động viên toàn quân, toàn dân giành chiến thắng Điện Biên Phủ đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập ngày 10-9-1955 trong bối cảnh đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Nhiệm vụ cách mạng do Đảng lãnh đạo là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời trên cơ sở chủ trương của Đảng là đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai.
Còn tại miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20 – 12- 1960 nhằm tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam và Liên minh các Lực lượng dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam thành lập ngày 20-4-1968. Mặt trận này là tổ chức đoàn kết từ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, giới công thương, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam.
Sau khi đất nước được thống nhất, Đại hội đại biểu Mặt trận tổ quốc ngày 31-1-1977 vẫn thống nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy trong 90 năm qua dù tên gọi có khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước từng giai đoạn nhưng với một mục đích chung là tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, mọi giai tầng xã hội, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân đấu tranh thống nhất đất nước và xây dưng một Tổ quốc giàu đẹp.
 

Tác giả bài viết: Lê Văn Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập3
  • Hôm nay373
  • Tháng hiện tại54,737
  • Tổng lượt truy cập1,759,327
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây