20 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao)

Thứ năm - 20/01/2022 09:22
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với mục tiêu: phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã - HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
20 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao)
Sau 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020). Trong đó, có 20 sản phẩm thuộc 11 tỉnh/thành phố được xếp hạng cấp quốc gia (5 sao), gồm:
Chủ thể: Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
1. Bộ bát đĩa hoa sen đỏ: trên cơ sở kết hợp các kỹ thuật truyền thống với áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, Công ty đã tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc riêng của làng nghề Bát Tràng (thể hiện qua những hình ảnh hoa sen được vẽ bằng tay). Công ty tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động (chủ yếu là nữ), có nhiều đóng góp vào các hoạt động bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống Bát Tràng. Công ty đã được cấp chứng nhận về quản lý chất lượng ISO 9001-2008, sản phẩm đã được giới thiệu và xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch…
2. Bộ bát đĩa chim én hoa sen: là sản phẩm thứ 2 của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, về kỹ thuật, công nghệ cũng giống như sản phẩm bộ bát đĩa hoa sen đỏ. Tuy nhiên, sản phẩm khai thác màu sắc truyền thống của làng gốm Bát Tràng là xanh, trắng, được thiết kế hoa văn chim én - hoa sen, với ý nghĩa về loài hoa thể hiện nét đẹp con người Việt Nam, kết hợp với loài chim én uyển chuyển, thân thiện, mang ngụ ý may mắn, tượng trưng cho mùa xuân.
3. Bộ bát đĩa rồng phượng: được Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh thiết kế và phát triển dựa trên hình ảnh rồng và phượng, hình tượng gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Sản phẩm mang ý nghĩa giữ hồn cốt về văn hóa người Việt trên sản phẩm bát đĩa, được sử dụng hàng ngày của người Việt Nam.
4. Bộ ấm chén chim én hoa sen: được thiết kế trên màu sắc truyền thống xanh, trắng của làng gốm Bát Tràng, thể hiện nét đẹp trung thực của hoa sen, chim én và tấm lòng người Việt gắn với bộ ấm chén uống trà truyền thống.
Chủ thể: HTX chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
5. Trà xanh hộp 100 g: sản phẩm trà xanh của HTX chế biến chè Phìn Hồ được chế biến từ cây chè shan tuyết cổ thụ của vùng núi cao huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Sản phẩm mang bản sắc địa phương, gắn liền với nhiều thế hệ đồng bào dân tộc người Dao của tỉnh. Vùng nguyên liệu chế biến chè xanh khoảng 500 ha, được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), là nguồn sinh kế của hơn 600 hộ gia đình địa phương. Hệ thống chế biến của HTX được chứng nhận HACCP, đầu tư công nghệ đồng bộ, sử dụng 100% nguyên liệu và lao động địa phương. Sản phẩm trà xanh của HTX đã được xuất khẩu sang Đài Loan và Trung Quốc.
6. Hồng trà 100 g: với lợi thế về vùng nguyên liệu, kỹ thuật truyền thống trong chế biến chè shan tuyết, HTX chế biến chè Phìn Hồ đã áp dụng công nghệ, chế biến dòng sản phẩm hồng trà. Đây là sản phẩm được chế biến nhằm tiếp cận với xu thế tiêu dùng mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng vẫn giữ được những giá trị về chất lượng, lợi thế và bản sắc của địa phương. Sản phẩm Hồng trà đã được phân phối trên hệ thống một số siêu thị của cả nước, từng bước tiếp cận xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Đài Loan và EU. 
Chủ thể: HTX cà phê Bích Thao, TP Sơn La, tỉnh Sơn La.
7. Cà phê bột nguyên chất Bích Thao: sản phẩm gắn liền với thế mạnh của địa phương, sử dụng chỉ dẫn địa lý “cà phê Sơn La” và được chế biến bằng 100% nguyên liệu tại địa phương. HTX cà phê Bích Thao xây dựng vùng nguyên liệu tại địa phương gắn với chứng nhận VietGAP, tạo sinh kế cho lao động tại địa phương. HTX có cơ sở chế biến được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000:2018, quy mô tương đối lớn, sản phẩm đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức...
Chủ thể: HTX Tài Hoan, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
8. Miến dong Tài Hoan: sản phẩm có nguồn nguyên liệu chính từ củ dong riềng tươi - sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có lợi thế của địa phương, được sản xuất trên địa bàn huyện Na Rì. HTX Tài Hoan có cơ sở chế biến đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, có hệ thống tráng, sấy dẻo, nhà màng phơi sấy tận dụng năng lượng mặt trời, đảm bảo năng suất 2 tấn/ngày. Ngoài ra, phụ phẩm là bã dong riềng được cơ sở sản xuất nấm tại địa phương thu mua và tái sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.
Chủ thể: HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
9. Trà tôm nõn Hảo Đạt: trà tôm nõn Hảo Đạt là sản phẩm đặc sản, 100% nguyên liệu tại địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý Tân Cương và nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên. Sản phẩm đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và được chứng nhận VietGap. Thông qua sản xuất sản phẩm, HTX tạo việc làm ổn định và thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương.
Chủ thể: HTX miến Việt Cường, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
10. Miến dong Việt Cường: sản phẩm được phát triển dựa trên kỹ thuật truyền thống, sử dụng trên 90% nguồn nguyên liệu tại địa phương, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của người dân trồng dong riềng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. HTX miến Việt Cường được đầu tư hệ thống chế biến quy mô lớn với 2000 m2 nhà xưởng, 10.000 m2 sân phơi, có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 22000:2005). Năng lực sản lượng trên 400 tấn miến/năm, sản phẩm được phân phối trên toàn quốc thông qua hệ thống siêu thị Big C, Co.op mart, Vinmart... và đã được xuất khẩu sang Đài Loan.
Chủ thể: Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
11. Bộ ngọc trai Akoya: Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ, kinh nghiệm cấy ghép của Nhật Bản vào nuôi trồng ngọc trai trên vùng biển vịnh Hạ Long từ năm 2009. Hoàn thiện quy trình cấy ghép phù hợp và mang lại hiệu quả cao gắn với quy trình khép kín từ sinh sản con giống, nuôi cấy cho đến gia công ngọc trai trên vùng biển của tỉnh Quảng Ninh. Công ty xây dựng vùng nuôi trồng ngọc trai trên lồng bè với hình thức bán thâm canh (hơn 23 ha mặt nước), đảm bảo yêu cầu về môi trường sinh thái, được cấp chứng nhận ISO 14001-2015 về hệ thống quản lý môi trường. Tạo việc làm cho hơn 70 lao động, hình thành một điểm đến về giới thiệu, bán sản phẩm ngọc trai Hạ Long gắn với du lịch của tỉnh Quảng Ninh, được khách hàng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Ngọc trai Akoya được nuôi cấy từ giống trai Pinctada fucata martensi có kích thước nhỏ nên tạo ra những viên ngọc có kích thước nhỏ, màu sắc trung tính.
12. Bộ ngọc trai SouthSea: ngọc trai Southsea được nuôi cấy từ giống trai Southsea - Pinctada maxima, có kích thước lớn nhất trong các loại trai. Ngọc trai South Sea có màu vàng kim ấm áp, sang trọng và ánh rất tự nhiên, sống động, nổi bật.
13. Bộ ngọc trai Tahiti: ngọc trai Tahiti được nuôi cấy từ giống trai Tahiti - Pinctada Margaritifera có nguồn gốc từ đảo Polynesia của Pháp, được sử dụng nhiều trong trang sức cao cấp bởi chúng tạo ra sản phẩm sang trọng.
Chủ thể: Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
14. Mắm tôm Lê Gia: mắm tôm Lê Gia được phát triển dựa trên 100% nguồn nguyên liệu địa phương, chế biến theo kỹ thuật truyền thống của làng nghề nước mắm Khúc Phụ. Công ty Lê Gia có chứng nhận HACCP, các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh của sản phẩm được kiểm nghiệm và đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn. Mắm tôm Lê Gia hiện được bán tại hệ thống siêu thị Vinmart, AEON, BigC, các nhà phân phối, đại lý trên cả nước, đặc biệt sản phẩm đã xuất khẩu sang một số thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc.
Chủ thể: Công ty TNHH MTV cà phê Nguyễn Huy Hùng, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
15. Cà phê rang xay Darmark: đây là sản phẩm của tỉnh Kon Tum, được chế biến từ 100% nguyên liệu địa phương, liên kết với các Tổ hợp tác, HTX trồng cà phê bền vững và công bằng. Sản phẩm đã được phân phối tới nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước qua hệ thống siêu thị Big C, Lotte Mart... và đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22.000 và chứng nhận đăng ký với Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) về an toàn thực phẩm để xuất khẩu.
Chủ thể: Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
16. Ladoactiso cao ống: là sản phẩm cao Actiso dạng nước, giữ nguyên những đặc tính vốn có của cây Actiso tươi, góp phần bảo vệ sức khỏe trước những tác nhân độc hại của môi trường. Actiso bản chất có vị đắng, để giảm vị đắng Công ty đã sử dụng công thức đặc biệt, đồng thời thêm cỏ ngọt tạo vị thanh mát, giúp phù hợp với mọi khách hàng. Sản phẩm được đóng gói trong ống nhựa nhỏ gọn, tiện lợi và dễ sử dụng.
17. Ladoactiso trà Nhất Diệp Nguyên Hương: đây là một sản phẩm khác thuộc nhóm Ladoactiso của Công ty. Loại trà này được chế biến từ lá Actiso tươi. Toàn bộ quá trình xử lý từ lúc thu hoạch tới khi ra thành phẩm trong vòng 24 giờ đảm bảo dưỡng chất và thành phần dược liệu giữ lại tối đa. Trà Nhất Diệp Nguyên Hương có công dụng hỗ trợ tăng cường chức năng gan mật và cải thiện tiêu hóa một cách hoàn toàn tự nhiên.
Chủ thể: Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
18. Gạo đặc sản Thiên Vương: sản phẩm thuộc Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn. Đây là doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, chuyên nghiệp, hệ thống nhà xưởng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Công ty sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Sản phẩm gạo đặc sản Thiên Vương được phát triển từ giống lúa Lộc trời 28, được liên kết sản xuất bởi các hộ nông dân tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Quá trình sản xuất đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn BRC, HACCP, HALAL, FSMA.
19. Gạo tiến vua Tiên Nữ: được sản xuất từ giống lúa Lộc trời 28, với quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn BRC, HACCP, HALAL, FSMA. Nhà máy sản xuất có dây chuyền đóng gói hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng được thị trường xuất khẩu. Công ty sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.
Chủ thể: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng.
20. Gạo ST24: là sản phẩm từ giống lúa ST24 và trở thành một sản phẩm đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Giống lúa ST24 là thành quả nghiên cứu của nhóm kỹ sư nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Giống lúa này ít sâu bệnh, cho chất lượng gạo thơm ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Gạo ST24 đã đạt Giải gạo ngon nhất thế giới năm 2017. Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa ST24) có vùng nguyên liệu 2.400 ha, hệ thống nhà xưởng rộng 6.000 m2 với hệ thống máy sấy, xay xát, đóng gói tự động, đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 22.000, có tiềm năng xuất khẩu cao.
Nguồn: Khoa học Công nghệ Việt Nam

Tác giả bài viết: LP

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập8
  • Hôm nay370
  • Tháng hiện tại100,377
  • Tổng lượt truy cập2,021,719
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây