HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM 67 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (04/4/1955 – 04/4/2022)

Thứ hai - 04/04/2022 10:18
Hội Luật gia Việt Nam được thành lập ngày 04 tháng 4 năm 1955 (theo Nghị định số 130/NV/DC/NĐ ngày 04/4/1955 của Bộ Nội vụ). Trong 67 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, các thế hệ luật gia Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành cùng với sự phát triển đi lên của đất nước và dân tộc Việt Nam. Với phương châm Đoàn kết, Dân chủ, Sáng tạo, Phát triển, các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực, nhiệt tình, tâm huyết vào các hoạt động của Hội, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN
HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM 67 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (04/4/1955 – 04/4/2022)
Kể từ ngày thành lập (04/4/1955), từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay Hội đã có gần 70.000 hội viên. Hội viên của Hội gồm những luật gia lão thành có uy tín, kinh nghiệm và có nhiều cống hiến quý báu cho sự phát triển của Hội, các luật gia đang làm việc với các cương vị khác nhau trong các cơ quan, tổ chức và các luật gia trẻ được đào tạo cơ bản, đầy hoài bão, tự nguyện gia nhập và tham gia các hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
Trong các giai đoạn phát triển, các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhiều hội viên của Hội được giao những cương vị trọng yếu trong các cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước; hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, bạn bè quốc tế trân trọng. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập hạng nhất vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và nhiều phần thưởng cao quý khác.
BỐI CẢNH THÀNH LẬP HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các luật gia yêu nước, trong đó có Luật sư Phan Văn Trường, Luật sư Nguyễn An Ninh đã tích cực đấu tranh công khai trên mặt trận pháp lý bằng vũ khí pháp luật quốc tế và pháp luật của chính nước Pháp để chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp, đòi quyền dân chủ cho Nhân dân Việt Nam. Kế thừa truyền thống yêu nước của Nhân dân ta, các luật gia Việt Nam như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, Phạm Văn Bạch, Trần Công Tường, Nguyễn Văn Hưởng, Vũ Trọng Khánh … đã đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận pháp lý để bảo vệ công lý, bảo vệ các chí sĩ cách mạng Việt Nam.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra đời, mở đầu một thời đại lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh. Nhà nước mới đòi hỏi phải có một bộ máy nhà nước mới và phải xây dựng một hệ thống pháp luật mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ thành quả của cách mạng, phát triển kinh tế, dựng xây đất nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh các nhà hoạt động chính trị được phân công nhiệm vụ xây dựng chính quyền mới, một số luật gia, sinh viên Trường Đại học Luật Đông Dương và một số luật gia được đào tạo tại các Trường Đại học Pháp cũng tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng chính quyền mới. Ngay trong những năm đầu dựng nước (1945 - 1946), đội ngũ luật gia Việt Nam yêu nước đã hình thành trong bộ máy chính quyền mới từ Trung ương đến cơ sở.
Tháng 12 năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều luật gia Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ đã hăng hái dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp để giành độc lập. Một số luật gia tiêu biểu có vinh dự được Hồ Chủ tịch giao những trọng trách trong Chính phủ như các luật sư Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Công Tường, các luật gia Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè. Được tôi luyện trong cuộc kháng chiến, đội ngũ luật gia cách mạng từng bước trưởng thành.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954), thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Tuy nhiên hai miền Bắc, Nam của Tổ quốc vẫn tạm thời bị chia cắt. Với âm mưu biến miền Nam thành một thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã không ngừng tiếp tay cho ngụy quyền miền Nam phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhiệm vụ tham gia cùng nhân dân cả nước đấu tranh để thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ các luật gia yêu nước.
Nhận thấy vai trò quan trọng của luật gia trong cuộc đấu tranh bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hoà bình thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã động viên giới luật gia tập hợp vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng để đóng góp sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng.
Được sự động viên, khuyến khích của Đảng và Nhà nước, ngày 29/3/1955 khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau tham gia Hội nghị thành lập Hội Luật gia Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ Hội và bầu Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngay sau đó, ngày 4/4/1955 Chính phủ đã công nhận việc thành lập Hội và Điều lệ của Hội bằng Nghị định số 130/NĐ-NV. Ngày 4/4/1955 đã đi vào lịch sử vẻ vang của Hội, là ngày thành lập và ngày truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam.
Nhìn lại 67 năm xây dựng và phát triển với biết bao khó khăn đã vượt qua, bằng sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi vì tôn chỉ, mục đích đã định, các thế hệ hội viên Hội Luật gia Việt Nam có thể tự hào khẳng định rằng, lịch sử của giới luật gia Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử của đất nước và dân tộc Việt Nam. Trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều thế hệ luật gia Việt Nam đã cùng toàn dân chịu đựng hy sinh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống, đóng góp trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Nguồn: Tổng hợp

Tác giả bài viết: LP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập33
  • Hôm nay1,984
  • Tháng hiện tại50,304
  • Tổng lượt truy cập1,893,222
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây