Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi thôi thúc dân tộc Việt Nam thời kỳ mới

Thứ bảy - 30/04/2022 02:20
Đại thắng mùa Xuân 1975 mở ra một thời kỳ mới, mãi là niềm tự hào, thôi thúc mỗi con người Việt Nam phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (Ảnh tư liệu)
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (Ảnh tư liệu)

Đại thắng mùa Xuân 1975 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; sự giác ngộ lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược... là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, tạo nên khí thế hào hùng của cả dân tộc, làm nên sức mạnh Đại thắng mùa Xuân 1975, cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tinh thần, khí thế của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được nuôi dưỡng, hun đúc và kìm nén suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được phát huy đến độ rực rỡ trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau 47 năm chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình được lập lại, những con cháu của thế hệ chống Mỹ năm xưa, nay vẫn cảm nhận sâu sắc và luôn được thôi thúc bởi khí thế đó, tiến lên giành nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng "đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”, theo lời hiệu triệu và kêu gọi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

1. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã đúc kết: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là “tư tưởng và quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội, được thể hiện bằng những hành động anh hùng của một người, một tập thể hay một dân tộc trong lao động và đấu tranh. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống kiên cường, bất khuất, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính và sự giác ngộ về mục tiêu lý tưởng cách mạng nên có sức mạnh to lớn, khiến cho mỗi con người, mỗi tập thể và cả dân tộc vượt qua những thử thách khốc liệt, chiến thắng mọi kẻ thù, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi”[1].

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, với nội dung mới, chất lượng mới. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng; phẩm chất anh hùng được hình thành, tôi luyện và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy, thì phẩm chất anh hùng ấy lại được phát huy cao độ, trở thành một giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc. Sự hình thành và nở rộ những hành động tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh là sự phát triển logic, tất nhiên từ truyền thống anh hùng của dân tộc, từ chủ nghĩa anh hùng truyền thống Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là chủ nghĩa anh hùng tập thể mang ý nghĩa xã hội, cộng đồng lớn lao, được lập nên bởi những cá nhân, tập thể anh hùng và cả dân tộc anh hùng, mà xả thân chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng là nội dung mới, chất mới và chủ yếu nhất. Cội nguồn sâu xa của nó từ lòng yêu nước, thương dân, sự giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tạo nên sức mạnh to lớn, có thể chịu đựng, vượt qua được những thử thách cực kỳ khó khăn, phức tạp, khốc liệt đưa sự nghiệp cách mạng giành những thắng lợi quan trọng, làm nên thắng lợi có tính chất quyết định.

2. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mà Xuân 1975 thực sự là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện ở phương diện sau:

Vượt qua “thử thách khốc liệt” bởi “Cuộc đụng đầu lịch sử” của nhân dân ta với chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Việt Nam không chỉ phải đương đầu trực tiếp với bộ máy chiến tranh khổng lồ của tên đế quốc hùng mạnh, giàu có nhất thế giới là đế quốc Mỹ, mà còn phải đối đầu với cả một thế giới tư bản chủ nghĩa và đế quốc, cùng bè lũ tay sai, với tiềm lực quân sự vô cùng to lớn. Đây là cuộc đụng đầu lịch sử, bởi đó không chỉ đơn thuần là cuộc đọ sức giữa sức mạnh dân tộc Việt Nam với sức mạnh của thế lực hiếu chiến và xâm lược là đế quốc Mỹ; mà còn là nơi tập trung thử sức giữa sức mạnh của nền độc lập dân tộc, nền hòa bình thế giới và hệ thống xã hội chủ nghĩa với sức mạnh của bè lũ đế quốc mưu toan ngăn chặn, phá hoại hòa bình và tiêu diệt chủ nghĩa xã hội thế giới đang hình thành, phát triển ở Việt Nam, Đông Nam Á ở thời kỳ đó. Như Đảng ta đã chỉ ra, bằng chiến tranh xâm lược Việt Nam, “Đế quốc Mỹ muốn chứng tỏ rằng, với lực lượng quân sự và kinh tế khổng lồ, chúng có thể đè bẹp mọi phong trào giải phóng dân tộc, chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa xã hội ở bất cứ nơi nào trên thế giới”[2].

Việt Nam - một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, vì nền độc lập dân tộc mà đứng nên kháng chiến chống Mỹ, chống tên đế quốc đầu sỏ, hùng mạnh, giàu có, tàn bạo nhất; đồng thời chống lại cả một thế lực chống Cộng trên thế giới, chống lại một cuộc gây chiến điển hình nhất của chủ nghĩa đế quốc đối với chủ nghĩa xã hội; những chiến lược, kế sách tàn bạo, “kinh nghiệm” chiến tranh xâm lược, cùng nền khoa học công nghệ chiến tranh hiện đại nhất của thế giới tư bản được Mỹ và bè lũ tay sai đã đem ra thử lửa... Vì vậy, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thực sự là “Cuộc đụng đầu lịch sử” quyết liệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa chống Cộng do đế quốc Mỹ - “sen đầm quốc tế” cầm đầu.

Những nội dung cơ bản của chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện, phát huy rực rỡ, tạo nên sức mạnh thần kỳ của Đại thắng mùa Xuân 1975. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - cội nguồn chủ yếu và nguyên nhân trực tiếp làm xuất hiện và phát triển chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, nhân tố cơ bản làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Ý chí quyết đánh và quyết thắng là biểu hiện cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Biểu hiện này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ trong “Cuộc gặp mặt lịch sử” tại Hà Nội năm 1997 giữa ông với Rôbét Mác Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - người được coi là “kiến trúc sư trưởng” của chiến tranh Việt Nam, tác giả của “Hàng rào điện tử Mc Namara” tại vùng phi quân sự giữa hai miền Nam - Bắc trong Chiến tranh Việt Nam rằng: “Từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi. Tại sao? - Vì “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chúng tôi nêu quyết tâm là phải thắng và nhất định thắng. Tổ tiên chúng tôi đã từng chiến thắng bao kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ. Nay chúng tôi phải thắng để con cháu xây dựng lại Tổ quốc”[3]. Ý chí đó thể hiện ở lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; được thăng hoa rực rỡ, trở thành động lực trực tiếp cho những hành động anh hùng của cả dân tộc và mỗi con người Việt Nam, để làm nên sức mạnh chiến thắng quân thù.

Hành động anh hùng, chiến đấu xả thân vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là biểu hiện sâu sắc và cụ thể của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” đã trở thành lẽ sống tự nhiên của hàng vạn thanh niên; “cả nước ra quân, toàn dân đánh giặc” đã trở thành “lẽ tự nhiên, thường tình” của cả một thế hệ quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được nhân lên thành cao trào mạnh mẽ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trở thành động cơ bản làm nên chiến thắng mang tầm thời đại. Sự háo hức tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, lớp lớp người già, người trẻ, phụ nữ, các giới đồng bào không phân biệt dân tộc, tôn giáo, trước hết là thanh niên trên mọi miền đất nước, tham gia phục vụ và bảo đảm mọi mặt cho chiến trường miền Nam, tập trung ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự thể hiện sâu sắc, thăng hoa nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chính ý chí anh hùng của một dân tộc anh hùng được sinh ra từ lý tưởng cao cả là ĐỘC LẬP, TỰ DO, đã làm nảy nở muôn vàn những hành động trong lao động và chiến đấu, hy sinh quên mình cho lý tưởng cao đẹp đó, như: “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “thần tốc”, “táo bạo”, “tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Sức mạnh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vừa được hội tụ bởi sức mạnh dân tộc trong 21 năm chống Mỹ, vừa là sự phát huy đến cực điểm sức mạnh của cả dân tộc được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử vào chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó còn là sức mạnh tổng hợp của đất nước, của chế độ mới xã hội chủ nghĩa ưu việt ở miền Bắc, tạo động lực, ưu thế tuyệt đối, áp đảo so với quân thù. Tinh thần lên đường giải phóng miền Nam, khí thế ra trận nô nức như đi “trẩy hội” là biểu hiện sinh động nhất, thăng hoa nhất, rộng khắp, vững chắc nhất và sức mạnh vô địch của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong Đại thắng mùa Xuân 1975.

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự hội tụ đến đỉnh điểm quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước nhằm mục tiêu “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Sự chỉ đạo chiến lược kiên quyết, sắc bén, linh hoạt; sự thực hành tổng tiến công và nổi dậy toàn diện, triệt để, nhanh gọn; cùng sự tiến công dũng mãnh, nhanh chóng giành thắng lợi của quân và dân ta khiến quân địch rối loạn và thất bại về chiến lược, cùng ý chí, tinh thần chiến đấu trước ba đòn tiến công: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh... là thực tế sinh động nhất chứng minh về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chính chủ nghĩa anh hùng ấy làm cho sức mạnh chiến đấu của quân và dân ta trên mọi chiến trường, mọi chiến dịch không ngừng lớn mạnh và phát huy cao độ, trở thành sức mạnh “thần tốc”, “một ngày bằng hai mươi năm”, giành toàn thắng. Đúng như Đảng ta đã nhận định trong những trang sử vàng của mình rằng, Đại thắng mùa Xuân 1975 là đại thắng của “cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường và bền bỉ, anh dũng và thông minh của nhân dân và quân đội cả nước”[4].

Tư duy quân sự cách mạng, hiện đại mà nền tảng lý luận quân sự vô sản, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, được hội tụ, tỏa sáng ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mà Xuân 1975. Tính chất anh hùng không chỉ là sự biểu hiện ở những hành động anh hùng của mỗi cá nhân, đơn vị, tập thể quân - dân hoặc cả dân tộc Việt Nam, mà còn biểu hiện ở sự tiếp thu, kế thừa, biết vận dụng lý luận quân sự cách mạng và hiện đại nhất của thời đại là lý luận quân sự vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng quân sự đặc sắc Hồ Chí Minh, cùng đường lối chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân do Đảng ta xây dựng và tổ chức thực hiện trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc suốt những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc, được vận dụng và thể hiện một cách nhuần nhuyễn trong ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mà Xuân 1975.
 

dai tuong vo nguyen giap
Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về tư duy quân sự Hoa Kỳ: “đó là những bộ óc điện tử nhưng chưa hiểu thấu Việt Nam” (Ảnh tư liệu) 

Chính tư duy quân sự cách mạng và hiện đại này đã đánh bại và chiến thắng tư duy quân sự kiểu cũ, điển hình là tư duy quân sự tư sản, mà đế quốc Mỹ là hiện thân tiêu biểu nhất cho lối tư duy đó. Chúng không thể hiểu được và tính đến một cách đầy đủ và toàn diện sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam; không lý giải được vì sao liên tiếp thất bại của các chiến lược và chiến dịch quân sự do chúng gây nên trên chiến trường Việt Nam, nhất là không thể hiểu nổi thế nào là sức mạnh vô dịch của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về tư duy quân sự Hoa Kỳ: “đó là những bộ óc điện tử nhưng chưa hiểu thấu Việt Nam”[5]; và cũng đúng như nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã phải cúi đầu thừa nhận những nguyên nhân về sự thất bại thảm hại của Mỹ và bè lũ ngụy quân, ngụy quyền trong Chiến tranh Việt Nam, đó là: “sự dốt nát về lịch sử, văn hóa và chính trị Việt Nam”[6]; cùng với sự cung cấp trang bị sai lầm cho một “đám người” không có lý tưởng chiến đấu, phục vụ cho các mục tiêu phi nghĩa, “vì đồng tiền”, “ham sống hưởng lạc, sợ chết”.

Sự hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh giúp cho toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới hiểu được “Tại sao Việt Nam toàn thắng? Tại sao Mỹ thua?”. Nhờ đó mà hiểu được những hình ảnh anh hùng cao đẹp phát triển và nở rộ, những rất đỗi bình dị, gần gũi, thân quen đã làm nên chiến thắng lịch sử trong thế kỷ XX, cũng như những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay của những con người Việt Nam sau chiến tranh “súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa”.

3. Đại thắng mùa Xuân 1975 mở ra một thời kỳ mới, mãi là niềm tự hào, thôi thúc mỗi con người Việt Nam phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.

Với Đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cả nước thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Tuy vậy, những thế lực diệt chủng ở Tây Nam và bành trướng, xâm lược ở phía Bắc vẫn theo đuổi và xâm phạm nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, đã buộc quân và dân ta bước vào “một cuộc chiến đấu mới”. Nhờ chủ nghĩa anh hùng đã được vun đắp hàng nghìn năm của dân tộc, đặc biệt là nhờ vào niềm tự hào của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã được thể hiện, khẳng định trong Đại thắng mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, khắc phục, vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất sau 21 năm chiến tranh, để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong 14 năm kiên trường chiến đấu ở hai đầu biên giới, để lập lại nền hòa bình trọn vẹn và đúng nghĩa, tạo điều kiện cho cả dân tộc tiến hành khôi phục, xây dựng và phát triển đất nước.

Trong bối cảnh quốc tế, khu vực, đất nước hiện nay, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh được tỏa sáng từ Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn là động lực chính trị, tinh thần to lớn của sự nghiệp đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dẫu là khó khăn, thách thức của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, của đòi hỏi cao về hội nhập quốc tế và những nguy cơ đang nảy sinh... nhưng chính chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã dạy cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, nghị lực vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để đưa đất nước, con người Việt Nam tiến lên, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới; đồng thời tỏ rõ, dân tộc, con người Việt Nam không chỉ anh hùng trong chiến đấu, mà còn anh hùng, sáng tạo gấp nhiều lần trong lao động, xây dựng đất nước.  

Trên cơ sở, tiền đề Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” sau 35 năm đổi mới, cả đất nước, dân tộc cũng như mỗi con người Việt Nam đang ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu để phấn đấu hoàn thành tốt những mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII và Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra. Với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế… mọi tổ chức, lực lượng, con người Việt Nam đã, đang nỗ lực thích ứng một cách sáng tạo, vượt qua “trạng thái bình thường mới”, khắc phục kịp thời những hậu quả của đại dịch COVID-19, sự khủng hoảng, suy thoái, đứt gãy của nền kinh tế, tài chính, thương mại toàn cầu; tận dụng thời cơ, lợi thế quyết tâm giành được những chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong 5 năm 2021 - 2025, trước hết là trong năm 2022 này, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ lịch sử mới đối với dân tộc mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2045, nhân 100 năm ngày thành lập nước, mỗi con người, tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân cả nước không chỉ biết tự hào, giữ gìn những giá trị, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã xác lập trong thế kỷ XX, mà còn phải ra sức sáng tạo và thể hiện sinh động hơn nữa những biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng đó trên mọi lĩnh vực công tác của mình, nhằm khẳng định “Dấu ấn Việt Nam” đến giữa thế kỷ XXI này. Có như vậy, những biểu trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, những giá trị anh hùng của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong Đại thắng mùa Xuân 1975 sẽ trở nên gần gũi, thiết thực và tỏa sáng hơn trong mỗi con người, cả dân tộc Việt Nam, đồng thời vang vọng khắp thế giới trong những thập niên tới đây./.


[1] Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.250-251.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.9.

[3] Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2010, tr.400.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.9.

[5] Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2010, tr.402.

[6] Robert McNamara: 11 sai lầm của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, Báo QNND, ngày 29.3.2013, tr.7.

Tác giả bài viết: Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Quang, Viện KHXH&NVQS, Học viện Chính trị

Nguồn tin: Theo dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập64
  • Hôm nay2,034
  • Tháng hiện tại87,933
  • Tổng lượt truy cập2,150,478
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây