Tại Lễ kỷ niệm 51 năm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, đã có gần 13.000 Tiêu chuẩn quốc gia được Việt Nam ban hành. "Cả số lượng và sự hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam đứng trong nhóm đầu các nước ASEAN", Thứ trưởng Định nói trong phát biểu khai mạc.
Việt Nam hiện là thành viên chính thức của tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX)... Là thành viên các tổ chức này, thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới. "Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia là nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam", ông Định nói và cho biết, các tiêu chuẩn cũng góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hoá chủ lực của Việt Nam.
Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay có chủ đề "Tiêu chuẩn phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn", nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn giúp cho chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tiêu chuẩn như công cụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển của Liên Hợp quốc và quốc gia.
Áp dụng các tiêu chuẩn, doanh nghiệp có công cụ để giải quyết đòi hỏi khắt khe của thị trường, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới. Khi sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, người tiêu dùng có thể tin tưởng sản phẩm và dịch vụ an toàn, tin cậy và có chất lượng tốt, nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030, Chính phủ đã xác định "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số". Theo yêu cầu này, hoạt động xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia cũng gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến 2030.
Để thực hiện, theo ông Linh, việc tạo lập hạ tầng tiêu chuẩn tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ cộng đồng doanh nghiệp đi tắt đón đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là cần thiết.
Ông Linh cho rằng, thời gian tới cần thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Trong hoạt động này có sự tham gia của doanh nghiệp từ khi xây dựng tiêu chuẩn để gắn tiêu chuẩn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. "Như vậy các tiêu chuẩn nhanh chóng đi vào cuộc sống", ông Linh nói và mong muốn nguồn lực tiêu chuẩn hóa quốc gia được tăng cường và trẻ hóa đội ngũ chuyên gia. Thông qua đào tạo để chuẩn bị lực lượng kế cận cho cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, các ban kỹ thuật, doanh nghiệp, đồng thời kết hợp kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tham gia đào tạo và xây dựng tiêu chuẩn.
Tác giả bài viết: Theo vnexpress
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn