63 năm khát vọng vươn lên khẳng định vị thế của ngành Thủy sản (01/4/1959 - 01/4/2022)

Thứ sáu - 01/04/2022 14:58
Sáng ngày 30/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2022).
Quang cảnh buổi gặp mặt kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2022)
Quang cảnh buổi gặp mặt kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2022)

Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng phát triển của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/4 hàng năm chính thức là Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam tại Quyết định số 173-TTg ngày 18/3/1995.

Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã khái quát lại chặng đường phát triển của Ngành Thủy sản và những khát vọng vươn lên, khẳng định vị thế của Ngành Thủy sản trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và định vị trong ngành nông nghiệp nói riêng : “Với truyền thống lâu đời và bằng sự bền bỉ phấn đấu không ngừng, toàn thể cán bộ, ngư dân, người lao động trong ngành thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ngành Thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước; cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc”.

Qua đây, ông Trần Đình Luân một lần nữa khẳng định để có được vị thế vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng như ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực cố gắng bền bỉ của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, ngư dân, người lao động, doanh nghiệp trong ngành Thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Ngoài những đóng góp về kinh tế – xã hội, ngành Thủy sản còn có vai trò hết sức ý nghĩa và quan trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Với những truyền thống và kết quả đạt được, để tiếp nối và phát huy thành quả đã đạt được, hơn lúc nào hết các cán bộ, công chức, viên chức, ngư dân, người lao động, doanh nghiệp trong ngành Thủy sản cần thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, vươn lên biến những thách thức thành cơ hội để đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững, hiện đại tương xứng với những tiềm năng và lợi thế vốn có của ngành. Khẳng định ngày càng vững chắc vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển mới có rất nhiều biến động, khó khăn và thách thức cần nỗ lực để vượt qua.

Tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng, Nguyễn Thị Thu Nguyệt đã tự hào ôn lại những chặng đường phát triển của Ngành trong chặng đường phát triển vừa qua. Khẳng định Đảng, Nhà nước các thế hệ các lãnh đạo đi trước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành Thủy sản. Từ nghề cá “nhân dân” được Bác Hồ đặt cho ngành thể hiện sự gần gũi, trách nhiệm, thiêng liêng mà khó có ngành nào có được. Trải qua các thời kỳ ngành Thủy sản đã luôn thể hiện được vị thế vai trò của mình và đóng góp rất ý nghĩa trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và đặc biệt là góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đây, Phó Tổng cục trưởng nhắc nhở các cán bộ trong ngành Thủy sản luôn nỗ lực gần gũi với nhân dân, cùng nhau đoàn kết đưa ngành thủy sản ngày càng phát triển để xứng đáng với vai trò, vị thế của ngành.

Trong niềm tự hào chung của ngành Thủy sản, tại buỗi lễ, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho rằng ngành Thủy sản luôn thể hiện tinh thần khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Từ một ngành phát triển nhỏ lẻ, manh mún đến nay đã hình thành được đội ngũ các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế với công nghệ chế biến ngày càng hiện đại với các vùng nguyên liệu quy mô tập trung. Là một trong những ngành được đánh giá có mức độ hội nhập kinh tế quốc tế rất sớm và sâu rộng nhất hiện nay, ngày càng khẳng định được vị thế to lớn trên bản đồ xuất khẩu thủy sản của thế giới. Trong đó, điển hình như lĩnh vực xuất khẩu cá tra, tôm,…luôn đứng top đầu của thế giới. Điều này khẳng định những định hướng đúng đắn của Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương trong chiến lược thúc đẩy phát triển ngành Thủy sản trong hơn 6 thập kỷ qua.

Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 - 01/4/2022), Tổng cục Thủy sản đã phát động phong trào tổ chức các hoạt động kỷ niệm như: Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của Ngày truyền thống ngành Thủy sản thông qua các phương tiện truyền thông như báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình nhằm khơi dậy truyền thống Ngành, động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất của ngư dân, nông dân và công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Thủy sản.

Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên một cách hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định; Ưu tiên thả tái tạo nguồn lợi các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, đặc hữu.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tới mọi tầng lớp nhân dân; vận động người dân khai thác thủy sản có trách nhiệm, đúng quy định và không khai thác, đánh bắt các loài thủy sản ngay sau thời điểm thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về thủy sản, đặc biệt là khai thác thủy sản bằng nghề, ngư cụ cấm sử dụng, khai thác, vận chuyển buôn bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội ngành thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tăng ni, phật tử tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước xã hội hóa công tác này.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nội dung, mục tiêu phát triển, tăng trưởng ngành Thủy sản trong năm 2022. Đối với 28 tỉnh, thành phố ven biển, tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục gửi lời chúc các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ, nguyên lãnh đạo Tổng cục, nguyên cán bộ của ngành Thủy sản, các vị đại biểu và toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành Thủy sản, toàn thể bà con ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn

Tác giả bài viết: KT

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,034
  • Tháng hiện tại56,181
  • Tổng lượt truy cập1,899,099
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây