Từ khát vọng cứu nước, cứu dân
Sinh ra trong một gia đình nhà nho, sớm có tinh thần yêu nước, cha ông là Nguyễn Đình Phúc tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục (1907) bị đầy đi Côn Đảo; là người hiếu học, năm 1924, ông tốt nghiệp Trường Bưởi với tấm bằng Thành Chung xuất sắc và được cho đi du học ở Pháp, nhưng ông từ chối. Vốn thông thạo tiếng Pháp, giỏi tính toán nên vào làm việc Sở Tài chính Đông Dương với mức lương khá cao, song ông không màng bởi thấu hiểu thân phận của người dân thuộc địa mất nước trước sự bóc lột tàn bạo dưới chế độ thực dân Pháp. Từ đó, ông nêu cao ý chí đấu tranh bất khuất trước kẻ thù, khát vọng tìm đường để cứu nước, cứu đồng bào bị đọa đày; đúng lúc này, con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc về giải phóng dân tộc được truyền bá về nước làm cho tinh thần yêu nước chân chính, khát vọng cứu nước trong ông thổi bùng; cuối năm 1926, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Ông đã đi nhiều nơi như xuống Hồng Gai, lên Lạng Sơn, đến Ninh Bình, sang Lào...để gây dựng phong trào cách mạng. Nhà ông ở làng Bạch Mai là nơi hội họp, tài sản gia đình được bán dần để in ấn tài liệu, nuôi phong trào. Tháng 6.1927, ông trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội; sau là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn, năm 1929, là Bí thư Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Trong từng cương vị, ông đều nỗ lực củng cố, phát triển các tổ chức thanh niên; tích cực tuyên truyền, giác ngộ anh chị em công nhân, thợ thuyền, thanh niên, học sinh…giác ngộ và đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hoạt động của ông đã nhanh chóng phát triển tổ chức thanh niên Hà Nội, Bắc Kỳ và cả nước trong những năm 1928 - 1929.
Chi bộ Cộng sản đầu tiên cả nước
Ngày 7.3.1929, tại nhà số 5D Hàm Long, Hà Nội, ông cùng một số đồng chí bí mật họp lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước gồm 8 đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Kim Tôn, Dương Hạc Đính. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông - từ một trí thức yêu nước chân chính, qua tích cực hoạt động cách mạng đã trở thành người chiến sĩ cộng sản sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, hy sinh vì Tổ quốc.
Sau ngày hợp nhất và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930), ông bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được cử làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Ông đã vận dụng tài tình, sáng tạo đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào thực tiễn phong trào cuộc cách mạng ở Nghệ Tĩnh, từ việc lãnh đạo tuyên truyền, tổ chức, xây dựng Đảng, ở đó báo chí đã trở thành vũ khí sắc bén, nó như ngọn lửa hồng sưởi ấm trong đêm đông cho mọi tầng lớp cần lao. Do vậy, chỉ thời gian ngắn (7.1929-3.1930), các lực lượng cộng sản Trung Kỳ phát triển hơn 1.425 đảng viên và tổ chức thành hệ thống chặt chẽ để lãnh đạo hàng loạt các cuộc đấu tranh, biểu tình của Nhân dân diễn ra, tạo nên cao trào đấu tranh cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngọn lửa cách mạng do ông thắp sáng trên quê hương Nghệ Tĩnh, đã nhanh chóng lan toả khắp nơi, như ngọn lửa thiêng thổi bùng lên trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Ngọn lửa thiêng đó đã soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam trong từ ngày đầu có Đảng và sáng mãi trong các cuộc cách mạng nối tiếp sau này, dưới ngọn cờ lãnh đạo quang vinh của Đảng.
Tấm gương kiên trung của Đảng
Ngày 3.5.1931, ông bị mật thám Pháp bắt và dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, dùng người thân gia đình uy hiếp, tra tấn cực hình dã man nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, thực dân Pháp đã thủ tiêu ông mà không cần xét xử. Hy sinh khi mới 29 tuổi, ông coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, hiên ngang, bất khuất, thanh thản ra đi, để gieo mầm cho sự sống tương lai của Tổ quốc hôm nay.
Cuộc đời của ông là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về tinh thần giác ngộ cách mạng, bất khuất, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng cho mọi cán bộ, đảng viên chúng ta noi theo. Ông còn là một nhà lý luận chính trị hùng biện, một cây bút sắc sảo và rất có tài trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; là một trong những người cộng sản tiền bối tiêu biểu của Đảng và của cách mạng Việt Nam; từ một người trí thức yêu nước chân chính trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực là cả một chặng đường dài phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, hy sinh không mệt mỏi cho lý tưởng cách mạng, khát khao cho độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Người cộng sản Nguyễn Phong Sắc đã trở thành bất tử trong bao thế hệ cách mạng về sau. Ông mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần hy sinh, hết lòng vì nước, vì dân cho các thế hệ chúng ta học tập và noi theo, nhất là hãy cùng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hôm nay.