Liên hiệp Hội Bình Định: Tổ chức tư vấn, phản biện một số đề án, chính sách của tỉnh
Thứ tư - 26/01/2022 16:46
Thực hiện nhiệm vụ Tư vấn, phản biện, giám định xã hội do UBND tỉnh giao; Ngày 25&26/01/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định (LHH) đã tổ chức 03 Hội thảo tư vấn phản biện về các đề án, chính sách, kế hoạch để trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 5. Tham dự các Hội thảo có hơn 20 chuyên gia đại diện cho lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, công thương...của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Chủ tịch LHH chủ trì.
Đó là “Chính sách, thu hút đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025” do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh lập dự thảo; đề án “Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2026” do Sở Giao thông – Vận tải tỉnh dự thảo; “Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh” do Ban Dân tộc xây dựng kế hoạch.
Các chuyên gia tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, tâm huyết và xác đáng. Về chính sách thu hút đãi ngộ nguồn nhân lực, các chuyên gia góp ý xoay quanh những nội dung: Cần xây dựng chính sách chung bao gồm Chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, chế độ bồi dưỡng nâng cao chất lượng; về đối tượng cần nhấn mạnh “ Chuyên gia đầu ngành trong nước và ngoài nước”; quan tâm đến vấn đè tiền lương và môi trường làm việc để đảm bảo tính hợp lý thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực; cụ thể hơn về hình thức và điều kiện thu hút…
Về đề án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, cơ bản hội đồng tư vấn, phản biện thống nhất với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm việc phát triển mạng lưới giao thông phải đảm bảo thoát lũ, tránh ngập lụt; việc xây dựng mới một số tuyến đường cần xem xét kĩ đến vấn đề quỹ đất, kinh phí xây dựng, bảo trì; ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng một số tuyến, đoạn tuyến tỉnh lộ đến trung tâm huyện lỵ; chú ý đến các giải pháp kỹ thuật sao cho đồng bộ với các yếu tố khác...
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một vài nội dung cần cụ thể hóa các chỉ số để phù hợp với thực trạng và việc đề ra các định hướng thời gian tới; tùy lĩnh vực cụ thể, các đại biểu cũng đã nhận xét, đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại khó khăn của các địa phương miền núi nhằm phát triển sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, LHH sẽ tổng hợp để các đơn vị dự thảo có hướng điều chỉnh, hoàn thiện các dự thảo, sắp tới trình lên Hội đồng nhân dân tỉnh.