Con hổ trong đời sống người Việt Nam

Thứ tư - 26/01/2022 13:46
Được mệnh danh là chúa sơn lâm, hổ đứng đầu trong thế giới động vật bởi sức mạnh phi thường và nhiều khả năng đặc biệt. Từ xưa đến nay, nó cũng thể hiện những vai trò quan trọng, mật thiết, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng và phong phú trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, hổ được gọi bằng rất nhiều tên. Người Việt gọi là hổ, cọp, hùm, kễnh; khái, mãnh (miền Trung); thầy, hạm, (miền Nam) và các tên ẩn dụ như chúa sơn lâm, chúa tể rừng xanh, ông thầy, ông cả cọp, ông ba mươi. Người Thái gọi là tu xưa, xưa cả, xưa cản tao, người Mường - tu khán, người M'Nông - rơnong, người Êđê - êman, người Khơ Mú - rvai, người Hà Nhì - khà dừ, người Tà Ôi - avó, người La Hủ - hủ... Uy danh chúa sơn lâm còn ảnh hưởng đến tên gọi nhiều sinh vật hùng mạnh nhất trong họ mình hoặc có hình thức, cấu tạo giống bộ phận nào đó của cơ thể hổ: tôm hùm, rắn hổ, lá lưỡi cọp, cây ba mươi .v.v...
So với các loài hổ trên thế giới, hổ Việt Nam (thuộc loài hổ Đông Dương - một trong 9 nòi/phân loài hổ hiện còn trên thế giới) có tầm vóc trung bình, hơi nhỏ: con trưởng thành nặng chừng 106-142 kg, thân dài 153-160 cm, đuôi dài 67-88 cm, bàn chân sau dài 31-33 cm. Bộ lông màu vàng nhạt, vàng sẫm hoặc vàng đỏ với các vằn và khoanh màu đen hoặc nâu đen. Chúng sống rải rác ở các tỉnh miền núi, hiện có thể gặp ở 17 tỉnh và 14 khu bảo tồn, tập trung tại các huyện Mường Nhé (Điện Biên), Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), Giằng, Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), Sa Thầy (Kon Tum), Easup (Dak Lak). Sách đỏ Việt Nam có đánh dấu trên bản đồ 27 vùng nhiều hổ nhất.
Con hổ là một đối tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam xưa nay. Các triều đại phong kiến coi hổ, rồng là những biểu trưng vương quyền, vì vậy hình ảnh hổ xuất hiện phổ biến và trang trọng nơi cung cấm. Từ thời Đinh (968-979), hầu hết các vua chúa đều nuôi hổ để giải trí và làm đao phủ trừng phạt phạm nhân. Từ thời Trần (1226-1400), những cuộc đấu giữa hổ với voi (gọi là “hổ quyền”) được tổ chức rầm rộ, đến thời Nguyễn được nâng lên thành lễ hội và tận năm 1904 mới chấm dứt. Động tác, tư thế và sức mạnh phi thường của hổ được thể hiện qua nhiều bài quyền, thế võ, môn võ về hổ. Các võ tướng thời xưa có phù hiệu, ấn tín khắc hình đầu hổ (gọi là “hổ phù”). Xiếc hổ Việt Nam cũng xuất hiện từ khá sớm với nhiều nghệ sĩ tài năng, có người đã nổi tiếng toàn thế giới (như nhà luyện hổ Tạ Duy Hiển - người khai sinh ngành xiếc Việt Nam).
Hình ảnh con hổ đi vào nền văn hóa dân gian nước ta với những biểu hiện, những hình thức phong phú và đặc sắc. Người Việt Nam có hàng ngàn câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ (thông dụng và tiêu biểu là các câu cáo mượn oai hùm, điệu hổ ly sơn, hổ mọc thêm cánh, hổ phụ sinh hổ tử, hổ vằn ngoài da - người vằn trong bụng, thả hổ về rừng, dữ như cọp, khỏe như hùm, mạnh như hổ, thế cưỡi hổ, miệng hùm gan sứa, rồng cuộn hổ ngồi, hùm nằm cho lợn liếm lông/một trăm quả hồng nuốt lão tám mươi, mèo tha miếng mỡ thì la/cọp tha con lợn cả nhà im hơi…). Hổ là đề tài trung tâm của hàng trăm chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại, dã sử (phổ biến và điển hình là các tác phẩm Trí khôn của ta đây, Mắc mưu thỏ trắng, Phùng Hưng tay không hạ hổ, Hùm thiêng Yên Thế…). Hổ còn gợi nguồn cảm hứng mạnh cho nhiều thi sĩ để họ viết nên những bài thơ độc đáo (như bài Nhớ rừng của Thế Lữ năm 1932). Hổ cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên những vật dụng sinh hoạt thường ngày, nhà cửa, nơi thờ tự… - tiêu biểu nhất phải kể đến hình tượng hổ trên nắp thạp đồng Vạn Thắng (Phú Thọ), tấm phù điêu nông dân đâm hổ ở đình Chảy (Hà Nam), bức chạm khắc gỗ hổ chạy ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Ninh) và bức chạm khắc gỗ chàng trai cưỡi hổ ở đình Tiên Kỳ (Nghệ An). Trong các đình, chùa, đền, miếu thường chạm khắc hình hổ, thể hiện sự linh thiêng, bất khả xâm phạm. Có nhiều đền, miếu thờ ông hổ, thần hổ trên khắp mọi vùng miền đất nước (nhất là ở Nam Bộ). Đặc biệt, hội họa dân gian Việt Nam đã thần thánh hóa con hổ với trường phái tranh thờ Hàng Trống - chuyên vẽ tranh hổ (hoàng hổ, xích hổ, thanh hổ, bạch hổ, hắc hổ, tứ hổ, ngũ hổ…) để treo thờ trong tư cách là những vị thần trấn giữ các phương trời đất. Hổ còn nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Dần với những ý nghĩa triết lý, nhân văn sâu sắc. Trong phong thủy, hổ tượng trưng cho quyền uy, mạnh mẽ, linh hoạt và bản lĩnh. Tháng con hổ là tháng Giêng, đầu xuân, đầu năm mới, tháng mà 3 khí dương (của trời) cân bằng với 3 khí âm (của đất), do đó cũng là tháng mở đầu của con người (nhân sinh ư dần), vì con người là sự cân bằng giữa trời - đất và con người khỏe mạnh là sự cân bằng âm - dương, nóng - lạnh từ nội tạng…
Người Việt Nam đánh giá rất cao tầm quan trọng và lợi ích kinh tế (nhất là giá trị dược liệu) của hổ, đồng thời cũng từng phải chịu không ít hậu quả do hổ gây ra. Nhiều trường hợp hổ mò vào các bản làng miền núi, bắt gia súc, gia cầm và cả người, gây tổn thất vật chất cùng tâm lý lo sợ cho nhân dân. Chuyện hổ ăn thịt người không hiếm (nổi tiếng nhất là một con hổ hoành hành dọc hữu ngạn sông Đồng Nai trong những năm cuối thập niên 1940: trước khi bị bộ đội Quân khu 7 bắn hạ, nó đã vồ chết và ăn thịt 128 người!). Các mặt lợi - hại kể trên cộng với những nhu cầu, quan niệm thái quá của con người khiến hổ ở Việt Nam từ xưa đã bị săn bắt ráo riết chẳng kém gì ở những nơi khác trên thế giới. Tại thị trường chợ đen hiện nay, giá 6-7 triệu đồng/kg hổ, còn giá cao hổ cốt xịn lên tới 20-25 triệu đồng/lạng (100 g). Số lượng hổ giảm nhanh chóng, cả nước ta bây giờ còn chừng 250 con hổ hoang dã và khoảng 400 con nuôi nhốt hợp pháp trong các vườn thú, trang trại (Bình Dương đang có nhiều nhất  với một số chủ doanh nghiệp tỉnh này nuôi tổng cộng tới 71 con hổ; tiếp đó là các tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, nhưng cũng phát hiện có hộ nuôi hổ chui, bất hợp pháp).
Ngay từ năm 1963, Nhà nước Việt Nam đã ban hành sắc lệnh bảo vệ hổ. Những năm gần đây, nhiều biện pháp cụ thể cũng được thực hiện: ban hành nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị… cấm săn bắt, buôn bán hổ và tiến hành xử lý nghiêm những kẻ vi phạm; lập hàng chục khu bảo vệ, rừng cấm; phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khảo sát, tạo môi trường sống thuận lợi tại những nơi hổ thường xuất hiện như Mường Nhé, Vụ Quang, Cát Lộc, Nam Cát Tiên… Ngày 29/07/2011, lễ kỷ niệm ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ lần đầu tiên được Việt Nam tổ chức tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) và sau đó chính quyền tiến hành xây dựng dự án chi 49 triệu USD để bảo tồn, phát triển hổ hoang dã. Trong tương lai, chúng ta cần có các biện pháp toàn diện, hữu hiệu hơn nữa để giữ lấy loài thú đặc biệt, quý hiếm này.

Tác giả bài viết: Sơn Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập64
  • Hôm nay3,124
  • Tháng hiện tại89,023
  • Tổng lượt truy cập2,151,568
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây