CHỦ TRƯƠNG VỀ DỰ ÁN KHU LIÊN HỢP GANG THÉP LONG SƠN VÀ CẢNG CHUYÊN DÙNG KHU LIÊN HỢP GANG THÉP LONG SƠN

Thứ ba - 04/07/2023 09:23
Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn là phù hợp với quy hoạch, phương hướng, mục tiêu, định hướng phát triển của Chính phủ, của tỉnh đã đề ra. Khi Dự án đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, cảng biển, qua đó đóng góp tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế của tỉnh
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
1. Căn cứ pháp lý, quan điểm triển khai thực hiện Dự án
Việc tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn là phù hợp với quy hoạch, phương hướng, mục tiêu, định hướng phát triển của Chính phủ, của tỉnh đã đề ra. Khi Dự án đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, cảng biển, qua đó đóng góp tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế của tỉnh. Cụ thể:
1.1. Căn cứ pháp lý
- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ là tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, nhất là các ngành như kinh tế hàng hải, công nghiệp ven biển;
- Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển;
- Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg ngày 04/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025; 
- Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 2370/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông Vận tải về phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (Nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Văn bản số 12384/BGTVT-KHĐT ngày 24/11/2022 của Bộ Giao thông vận tải về chấp thuận chủ trương cập nhật, điều chỉnh một số chi tiết quy hoạch khu bến cảng tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, xác định: Ưu tiên thu hút các Dự án lớn nhằm tạo động lực cho phát triển nền kinh tế của tỉnh;
- Quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định Bình Định phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn.
1.2. Quan điểm: Quan điểm nhất quán của tỉnh là: “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế thuần túy”. Dự án này được thông qua để trình các Bộ, ban ngành Trung ương xem xét, phê duyệt trước hết phải bảo đảm 5 nguyên tắc sau:
(1) Công nghệ tiên tiến, hiện đại (Nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước Châu Âu: Thuỵ Sĩ, Đức, Thuỵ Điển…);
(2) Đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam;
(3) Người dân bị ảnh hưởng của Dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn;
(4) Dự án không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn;
(5) Địa danh thôn Lộ Diêu và tên các đoàn thể của thôn Lộ Diêu giữ nguyên như hiện nay.
2. Tổng quan Dự án
- Đối với Khu liên hợp Gang thép Long Sơn: Diện tích triển khai khoảng 468 ha, công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn.
- Đối với Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn: Diện tích triển khai khoảng 496,9 ha (trong đó, đất trên bờ khoảng 23 ha, mặt nước biển khoảng 473,9 ha), công suất 30 - 35 triệu tấn/năm, cỡ tàu cập bến đến 250.000 tấn.
3. Về xử lý môi trường
- Về công nghệ sản xuất: Khu liên hợp Gang thép Long Sơn được đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất thép với công nghệ hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn của châu Âu và Việt Nam. Quy trình sản xuất khép kín, chú trọng bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm của khâu trước là đầu vào của khâu sau.
- Về nguồn nước cấp và xử lý nước thải: Không lấy nước ngầm tại chỗ mà dẫn nước mặt từ sông Lại Giang về phục vụ sản xuất tại nhà máy. Toàn bộ nước thải sinh hoạt và sản xuất được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi tuần hoàn, tái sử dụng, cam kết không thải nước thải sản xuất ra môi trường ngoài phạm vi nhà máy.
- Khí thải: Tất cả được thu gom và xử lý đạt yêu cầu tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Nhiệt dư của các nhà máy luyện cốc, luyện gang và luyện thép… được thu hồi, sử dụng cho nhà máy nhiệt điện. Sản lượng điện của nhà máy nhiệt điện đáp ứng được 100% nhu cầu điện của toàn khu liên hợp.
- Bụi: Được thu gom thông qua lọc túi vải, lọc bụi tĩnh điện… tận dụng tái sản xuất; được kiểm soát hoàn toàn tự động và có độ chính xác cao, đảm bảo lượng khí thải ra môi trường đúng theo tiêu chuẩn quy định.
- Chất thải rắn: Sẽ làm nguyên liệu cho ngành xây dựng. Các phụ phẩm tạo ra trong các công đoạn sản xuất vẩy cán, xỉ luyện thép được thu hồi và đưa vào làm nguyên liệu cho các công đoạn khác.
- Nhà máy được lắp đặt quan trắc tự động sau hệ thống xử lý nước thải, khí thải và truyền trực tiếp số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường với tần suất 5 phút/lần để theo dõi, giám sát; đồng thời Nhà máy có xây dựng công trình ứng phó sự cố, xây dựng 1 khu xử lý chất thải rắn nội bộ có công suất đảm bảo xử lý hết chất thải rắn của Dự án.
- Với 32% diện tích Dự án (149 ha) sẽ dành cho cây xanh và các vùng đệm cách ly giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của nhà máy đến môi trường.
 Dự án chỉ được triển khai xây dựng khi đáp ứng đầy đủ các thủ tục đầu tư, cụ thể: Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định về công nghệ và thiết bị. Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt Dự án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, chấp thuận điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có liên quan chấp thuận và được cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng.
4. Đóng góp của Dự án đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
- Góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ, cảng biển...  
- Giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động tại địa phương, ưu tiên trước hết cho lực lượng lao động tại thôn Lộ Diêu.
- Đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước, khi hoàn thành 3 giai đoạn đi vào sản xuất: 10.395 tỷ đồng/năm.
- Đóng góp cho tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá hiện hành khoảng 20.524 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định nói chung và thị xã Hoài Nhơn nói riêng.
- Khi Dự án thi công và đi vào hoạt động sẽ hình thành hệ sinh thái phát triển kèm theo như: Các nhà máy, nhà xưởng phụ trợ về bảo dưỡng, sửa chữa cơ khí; dịch vụ cung cấp vật liệu xây dựng; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; dịch vụ lưu trú; dịch vụ vận tải,...
Dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh sẽ cân đối lại một phần cho ngân sách thị xã Hoài Nhơn để đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, trong đó tập trung tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ.
Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn là một trong những Dự án lớn, có vai trò tạo động lực cho phát triển kinh tế tỉnh Bình Định trong tương lai.
5. Năng lực nhà đầu tư
Công ty TNHH Long Sơn được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001, có địa chỉ tại số 6, đường Voi Phục, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Người đại diện pháp luật là ông Trịnh Quang Hải. Công ty TNHH Long Sơn là doanh nghiệp lớn, nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp và cảng biển, hiện đang hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực sản xuất xi măng, sản xuất ắc quy, điện mặt trời, khai thác và kinh doanh cảng biển quốc tế, vận tải đường thủy (bao gồm cả đường biển), vận tải đường bộ, đóng mới và sửa chữa tàu, kinh doanh và xuất nhập khẩu than, xi măng, clinker.
* Công ty đã thực hiện các Dự án lớn trên cả nước
Công ty TNHH Long Sơn đã có 9 Dự án được đầu tư xây dựng và kinh doanh trên cả nước. Hiện nay, Công ty đã có 7 Dự án, còn lại 2 Dự án đang tiếp tục đầu tư xây dựng; tạo việc làm cho 2.793 người; nộp ngân sách nhà nước bình quân hằng năm khoảng 745 tỷ đồng.
Cụ thể:
(1) Dự án Cảng thuỷ nội địa Long Sơn: Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2008. Địa điểm: Huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Quy mô công suất: 4 triệu tấn hàng hoá/năm. Tổng vốn đầu tư: 130 tỷ đồng.
(2) Dự án Nhà máy sản xuất ắc quy Troy và Enimac: Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2012. Địa điểm: Huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Quy mô công suất: 600.000Kwh/năm. Tổng vốn đầu tư: 400 tỷ đồng.
(3) Dự án Nhà máy điện mặt trời Long Sơn: Dự án đã đi vào vận hành từ tháng 11/2020. Địa điểm: Thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Quy mô công suất: 170MWp. Tổng vốn đầu tư: 2.600 tỷ đồng.
(4) Dự án Nhà máy đóng bao và Trạm phân phối xi măng Long Sơn: Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2017. Địa điểm: Thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Quy mô công suất: 900.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư: 350 tỷ đồng.
(5) Dự án Nhà máy đóng bao và Trạm phân phối xi măng Long Sơn: Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2018. Địa điểm: Huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Quy mô công suất: 1.000.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư: 350 tỷ đồng.
(6) Dự án Trạm nghiền xi măng Long Sơn và Khu cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn: Dự án đã đi vào vận hành và hoạt động từ năm 2021. Địa điểm: Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Quy mô công suất: 4 bến cảng tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn; Trạm nghiền xi măng Long Sơn: Công suất 4 triệu tấn xi măng/năm. Tổng vốn đầu tư: 3.200 tỷ đồng.
(7) Dự án Nhà máy xi măng Long Sơn: Dự án đã đi vào hoạt động toàn bộ trong năm 2023. Địa điểm: Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Quy mô công suất: 14 triệu tấn xi măng/năm. Tổng vốn đầu tư: 16.000 tỷ đồng.
(8) Dự án Trạm nghiền xi măng Long Sơn và Cảng Tổng hợp Cái Côn: Dự án sẽ đi vào hoạt động từ tháng 07/2023. Địa điểm: Huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Quy mô công suất: 2 triệu tấn xi măng/năm và 1 cầu tàu tiếp nhận tàu có tải trọng 20.000 tấn. Tổng vốn đầu tư: 1.450 tỷ đồng.
(9) Dự án Cảng container Long Sơn: Dự án hiện nay đang triển khai xây dựng. Địa điểm: Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Quy mô công suất: 4 bến cảng tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Tổng vốn đầu tư: 2.700 tỷ đồng.
* Về năng lực tài chính năm 2022 của nhà đầu tư:
- Tổng nguồn vốn là 14.933 tỷ đồng.
- Vốn chủ sở hữu là 3.484 tỷ đồng.
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.268 tỷ đồng.
CHỦ TRƯƠNG VỀ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ, AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI DỰ ÁN KHU LIÊN HỢP GANG THÉP LONG SƠN VÀ CẢNG CHUYÊN DÙNG KHU LIÊN HỢP GANG THÉP LONG SƠN
Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và an sinh xã hội khi triển khai Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương tại Văn bản số 2176/UBND-VX ngày 11/4/2023 trên cơ sở ý kiến Kết luận số 208-KL/TU ngày 05/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX).
Chính sách này được Ủy ban nhân dân thị xã Hoài Nhơn thông tin và nghe ý kiến tham gia của người dân vùng ảnh hưởng của Dự án, trên cơ sở các ý kiến của người dân, Ủy ban nhân dân thị xã Hoài Nhơn sẽ tiếp thu, hoàn thiện và đề xuất chính sách để triển khai thực hiện cho phù hợp với nguyện vọng của người dân, cụ thể như sau:
1. Chính sách hỗ trợ cho người dân khi thực hiện Dự án theo quy định của Nhà nước
1.1 - Ngoài những chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh; được bổ sung khung chính sách như: Giao thêm đất tái định cư cho từng hộ gia đình hoặc các cặp vợ chồng phát sinh trong hộ gia đình; trường hợp các hộ gia đình có diện tích đất vườn trong cùng thửa đất có nhà ở bị thu hồi từ 300 m2 trở lên thì được hỗ trợ giao thêm diện tích đất ở vào lô tái định cư.
1.2 - Xây dựng khu tái định cư:
Người dân tái định cư tại Khu dân cư Bang Bang, thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, nằm ở phía Đông Bắc thôn Lộ Diêu với diện tích 46,8 ha. Trong đó:
- Đất ở quy hoạch mới diện tích khoảng 11,8 ha, dự kiến khoảng 575 lô với diện tích trung bình 200 m2/lô.
- Đất công trình hạ tầng xã hội khoảng 1,61 ha gồm: Chợ dân sinh, nhà văn hóa, khu thể dục thể thao, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở.
- Đất công trình công cộng dự trữ phát triển, đất thương mại, dịch vụ khoảng 0,73 ha, phát triển hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch và dân sinh, cây xăng.
- Đất dịch vụ du lịch biển khoảng 2 ha, bao gồm các hoạt động dịch vụ du lịch biển không lưu trú, cộng đồng dân cư tổ chức quản lý, khai thác kinh doanh.
- Đất cây xanh sử dụng công cộng khoảng 8 ha, bao gồm hệ thống công viên, sân chơi, hồ cảnh quan, công viên biển. Còn lại là diện tích đất đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác.
Vị trí Khu dân cư Bang Bang cách vị trí dân cư đang sinh sống khoảng 1 km để bố trí tái định cư cho người dân. Khu tái định cư này sẽ xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, viễn thông theo tiêu chuẩn đô thị) và các hạng mục công trình phục vụ sinh hoạt chung như: Chợ, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, công viên, sân thể thao…Khu dân cư Bang Bang được quy hoạch theo hướng khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại.
1.3 - Các Khu tái định canh tại xã Hoài Mỹ:
- Thôn Mỹ Khánh (diện tích trồng lúa là 9,61 ha, diện tích rau màu 3,18 ha).
- Thôn Công Lương (diện tích trồng lúa là 2,34ha, diện tích rau màu 0,07 ha).
- Thôn Phú Xuân (diện tích trồng lúa là 2,76 ha, diện tích rau màu 17,2ha, diện tích cây lâu năm: 0,6 ha).
- Thôn Xuân Vinh (diện tích trồng lúa là 2,32 ha, diện tích rau màu 2,97 ha, diện tích cây lâu năm: 4,78 ha).
1.4 - Khu nghĩa trang Nhân dân: Tại vị trí phía Tây Bắc, thuộc thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ với diện tích quy hoạch 4 ha.
1.5 - Về sinh kế của người dân: Tỉnh đảm bảo sinh kế cho người dân và vẫn giữ ngành nghề như hiện nay. Nếu ai có nguyện vọng làm công nhân của nhà máy thì sẽ ưu tiên tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề và được tuyển dụng vào các vị trí: Cơ khí, điện, tự động hoá, luyện kim, vận hành thiết bị Cảng, lái xe, lái máy công trình, kế toán, quản trị, bảo vệ và được đảm bảo các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động.
2. Chính sách hỗ trợ tăng thêm từ nguồn kinh phí của Nhà đầu tư và không được khấu trừ vào tiền thuê đất
2.1 - Nhà đầu tư có hỗ trợ tăng thêm giá trị bồi thường và một số chế độ, chính sách khác khi thực hiện Dự án như: Nhà cửa, công trình vật kiến trúc, mồ mã bị ảnh hưởng; ổn định đời sống; tự chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm; tái định canh; hỗ trợ tăng thêm 50% giá đất ở bồi thường, giải phóng mặt bằng của thửa đất đó đối với toàn bộ phần diện tích đất vườn bị thu hồi trên 500 m2 trở lên; hỗ trợ tiền trong thời gian xây dựng, sửa chữa nhà ở; di chuyển tài sản; thưởng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tiền thuê nhà ở; di chuyển tàu thuyền và chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ xi măng khi xây dựng nhà tại khu tái định cư…
2.2 - Tuyển dụng lao động và đào tạo nghề làm việc tại Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng
- Đối với ngành nghề phải qua đào tạo như: Cơ khí, điện, tự động hóa, luyện kim, vận hành thiết bị cảng, lái xe, kế toán, quản trị, bảo vệ… có thể được đào tạo nâng cao tay nghề ở nước ngoài 3 - 6 tháng cho người có trình độ cao đẳng trở lên, chi phí sẽ do Công ty chi trả; 12 - 24 tháng cho người có trình độ trung cấp trở xuống; đối với học viên xã Hoài Mỹ và Hoài Hải công ty hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng và thôn Lộ Diêu là 5 triệu đồng/tháng…
- Đối với lao động không cần đào tạo, không bằng cấp (ưu tiên lao động nữ) có độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi, tuyển dụng vị trí như: Chăm sóc cây xanh, vệ sinh, nấu ăn, tạp vụ…
Nhà đầu tư bố trí phương tiện đưa đón các lao động từ khu tái định cư đến nhà máy.
2.3 - Hỗ trợ cho các học sinh và sinh viên: Học sinh từ cấp 1, 2, 3 là 0,5 triệu đồng/tháng và sinh viên 1 triệu đồng/tháng, hỗ trợ 9 tháng/năm; thời gian áp dụng cho 3 năm học từ năm học 2023 - 2026; áp dụng cho thôn Lộ Diêu và hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng; đồng thời hỗ trợ cho học sinh, sinh viên hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hoài Mỹ và xã Hoài Hải (riêng thôn Lộ Diêu được hỗ trợ gấp 2 lần).
2.4 - Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho toàn bộ hộ nghèo và cận nghèo tại thôn Lộ Diêu bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng: Hộ nghèo 100 triệu đồng/hộ; Hộ cận nghèo 70 triệu đồng/hộ.
2.5 - Hỗ trợ hộ gia đình người có công với cách mạng: 20 triệu đồng/hộ; Hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 10 triệu đồng/hộ.
2.6 - Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế: Tất cả các hộ dân có hộ khẩu trường trú tại thôn Lộ Diêu bị ảnh hưởng do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được hỗ trợ 100% giá trị và thời gian hỗ trợ là 3 năm; đồng thời, riêng người dân có độ tuổi từ 55 tuổi trở lên được hỗ trợ thêm bảo hiểm kết hợp con người (Rủi ro do tại nạn và ốm, đau, bệnh tật) với mức hỗ trợ 100% giá trị bảo hiểm và thời gian hỗ trợ là 3 năm.
2.7 - Dự kiến mức lương bình quân/tháng: Công nhân, nhân viên thường: 11 triệu đồng/tháng; Công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề: khoảng 13 triệu đồng/tháng; Chuyên viên, kỹ sư, kinh doanh: khoảng 22 triệu đồng/tháng. 1 năm, Công ty sẽ thưởng 2 - 3 tháng lương tăng thêm theo kết quả sản xuất.
2.8 - Xây dựng đường giao thông dân sinh phía Tây nhà máy: Bề rộng mặt đường 5,5m, mục đích phục vụ chung cho nhu cầu đi lại và các sinh hoạt hằng ngày của Nhân dân.
3. Khu neo đậu tàu thuyền
Vị trí neo đậu tàu, thuyền tại khu vực ven biển có tục danh Lăng Ông và khu vực Khu dân cư Bang Bang, thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ.

 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập39
  • Hôm nay1,470
  • Tháng hiện tại55,834
  • Tổng lượt truy cập1,760,424
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây