Dấu ấn hiện vật văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Bình Định

Thứ tư - 17/04/2024 16:22
Có thể nói trống đồng Đông Sơn được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng nhất, đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn phát hiện rực rỡ ở phía bắc, cũng chính là thời kỳ xuất hiện nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc của các đời Vua Hùng. Đồng đại với nền văn hóa Đông Sơn ở phía bắc, là nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển trên dải đất miền trung, trong đó có Bình Định. Không rõ vì nguyên nhân nào đó mà một số lượng tương đối lớn trống đồng Đông Sơn lại xuất hiện trên dải đất miền trung nói chung và Bình Định nói riêng.
Trống đồng được phát hiện tại huyện Tây Sơn
Trống đồng được phát hiện tại huyện Tây Sơn
        Có nhiều giả thuyết được các nhà khoa học đặt ra nhưng có lẽ thuyết phục nhất chính là sự trao đổi buôn bán giữa các bộ tộc, các nhà nước sơ khai thời kỳ đó đã dẫn tới sự giao thoa về sản phẩm văn hóa này. Hay nói cách khác là trong quá khứ đã có sự trao đổi buôn bán giữa cư dân văn hóa Sa Huỳnh và cư dân văn hóa Đông Sơn, dẫn đến hệ quả là có sự giao thoa về một số thành tố văn hóa, tiêu biểu là sản phẩm trống đồng Đông Sơn. 
trong dong hien dang trung bay tai bao tang tinh 1
Trống đồng hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

          Bình Định là một trong những tỉnh của vùng duyên hải Nam Trung bộ phát hiện được số lượng trống đồng Đông Sơn nhiều nhất, với số lượng chính thức được kiểm kê lên tới 17 chiếc, hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Trong số 17 trống đồng được phát hiện tại Bình Định thì có 9 trống phát hiện tại Vĩnh Thạnh; địa bàn huyện Tây Sơn vùng giáp ranh với Vĩnh Thạnh phát hiện được 3 trống; huyện Phù Cát vùng núi Cát Sơn, Cát Tài phát hiện được 2 trống; địa bàn huyện An Lão phát hiện được 02 trống; 01 trống còn lại được thu giữ tại địa bàn An Nhơn. Các trống đồng phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định hầu hết đều trong tình trạng không còn nguyên vẹn; nhiều trống chỉ còn phần mặt trống; phần tang, thân và chân trống đều bị vỡ dạng mảnh nhỏ. Tuy nhiên trong đó vẫn có một vài trống còn nguyên dáng, chỉ bị mất một số mảnh, khi đem phục chế phần bị mất đi thì gần giống với một cái trống còn nguyên.
mat trong dong trang tri 4 tuong coc phat hien tai vinh thinh vinh thanh
Mặt trống đồng trang trí 4 tượng cóc phát hiện tại Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thạnh

          Trong kỹ thuật đúc và trang trí hoa văn trên trống đồng thì mặt trống chính là phần trang trí hoa văn cầu kỳ và đẹp nhất. Những trống đồng phát hiện trên địa bàn tỉnh hầu hết vẫn còn phần mặt, chỉ có một vài chiếc bị vỡ một phần mặt trống. Những trống đồng này có mô - típ trang trí hoa văn mặt trống khá sắc sảo, hầu như không mặt trống nào trang trí giống mặt trống nào, nhưng có một điểm chung là chính giữa mặt trống luôn có một ngôi sao nhiều cánh; với những trống đồng phát hiện tại Bình Định từ trước đến nay thì ngôi sao chính giữa mặt trống có 3 loại: loại ngôi sao 8 cánh, loại ngôi sao 10 cánh và loại ngôi sao 12 cánh. Loại ngôi sao 8 cánh và 10 cánh thường xuất hiện trên những mặt trống có kích thước nhỏ; loại ngôi sao 12 cánh xuất hiện trên mặt trống có kích thước lớn. Một mô - típ hoa văn thường gặp nữa trên các trống đồng là hình những con chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Tùy vào từng mặt trống mà số lượng chim lạc khác nhau, nhưng hoa văn khắc họa chim lạc thì khá tương đồng nhau. Ngoài hai mô - típ ngôi sao nhiều cánh và hình tượng chim lạc, thì ở các trống đồng khác nhau lại xuất hiện thêm một số mô - típ hoa văn khác như: hoa văn hình người múa trang sức lông chim cách điệu; hoa văn kiểu răng lược; hoa văn tam giác lồng; hoa văn hai đường tròn đồng tâm chấm giữa; hoa văn hình trâm cài; hoa văn những đường gấp khúc nối tiếp…Đặc biệt có một số trống đồng trên mặt trống còn xuất hiện 4 tượng cóc nằm cách đều nhau ở sát phần rìa của mặt trống.
trong dong phat hien tai huyen tay son
Trống đồng phát hiện tại huyện Tây Sơn

          Nếu như phần mặt trống đồng thường trang trí các họa tiết hoa văn khá cầu kỳ thì ở phần tang, thân và chân trống thường trang trí hoa văn đơn giản hơn, chủ yếu là hoa văn kiểu răng lược, hoa văn những đường gấp khúc nối tiếp, hoa văn trâm cài. Hầu hết những chiếc trống đồng phát hiện được tại Bình Định, theo các nhà nghiên cứu có niên đại khoảng thế kỷ III - I TCN, tương đương với nền văn hóa Đông Sơn ở phía bắc (thời kỳ nhà nước Văn Lang - Âu Lạc). Các trống này được xếp vào nhóm trống đồng loại II Heger.
          Có nhiều cách giải thích khác nhau về công dụng của trống đồng Đông Sơn như vật tượng trưng cho uy quyền của Bộ tộc, Bộ lạc, Tù trưởng, hay trống dùng làm hiệu lệnh trong chiến đấu thời xưa kia,…nhưng có lẽ công dụng dùng làm một loại nhạc cụ của trống đồng Đông Sơn vẫn được giới nghiên cứu đồng tình nhiều hơn, thậm chí người ta còn chứng minh cách đánh trống đồng xưa kia là dùng các loại dùi lớn tương tự như chày giã gạo để “đâm” (giã) lên mặt trống, tạo ra các thanh âm khác nhau, và được sử dụng trong các lễ hội. Xuất phát từ giá trị quý hiếm của trống đồng nên trống còn là một vật tùy táng của những người có địa vị trong xã hội lúc bấy giờ.
          Việc phát hiện được một số lượng khá lớn trống đồng Đông Sơn tại Bình Định là một minh chứng sống động về sự hiện diện của một sản phẩm văn hóa độc đáo thời kỳ các Vua Hùng dựng nước tại mảnh đất này. Đồng thời cũng là minh chứng sinh động cho quá trình giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông Sơn ở phía bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở miền trung trong quá khứ. Đây được xem là một bộ sưu tập hiện vật quý giá mà Bảo tàng tỉnh Bình Định đang bảo quản, trưng bày và giới thiệu đến khách tham quan. Nó cũng phản ánh bề dày văn hóa của mảnh đất xứ Nẫu trong chiều dài lịch sử của dân tộc.                                                  

Tác giả bài viết: Nhật Hạ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập37
  • Hôm nay1,241
  • Tháng hiện tại49,561
  • Tổng lượt truy cập1,892,479
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây