Về địa danh ở thành phố Quy Nhơn

Thứ bảy - 30/03/2024 23:41
Địa danh là tấm bia lịch sử văn hóa của một vùng đất, là chứng nhân cho sự thay đổi và biến chuyển về văn hóa xã hội của địa phương theo dòng thời gian. Với mục tiêu phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học, văn hóa gắn với du lịch, việc tìm hiểu và cắt nghĩa những lớp trầm tích văn hóa ẩn tàng trong các địa danh tiêu biểu của thành phố như là phương cách để khẳng định thêm bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương.
Thành phố Quy Nhơn ngày nay
Thành phố Quy Nhơn ngày nay
Những địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Quy Nhơn
        Tên gọi Quy Nhơn được hình thành năm 1602, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Cùng với Hoài Nhơn, sự ra đời của địa danh này nằm trong một chuỗi các tên gọi thể hiện chủ trương Nhân trị của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Có nhiều cách lí giải về ý nghĩa của tên gọi này. Có người cho rằng, Quy Nhơn là người về, có người khẳng định nó là cách định danh cho nơi quy tụ nhân tài. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ từ nguyên học thì Quy Nhơn là cách dùng chữ mà các bậc nhân sĩ thời trước đã đúc rút từ sách vở của người xưa. Theo chúng tôi, hai chữ Quy Nhơn có thể lấy ý từ câu nói nổi tiếng của Khổng Tử trong sách Luận ngữ: Khắc kỷ phục lễ thiên hạ quy nhân yên (Gò mình, trở về với Lễ, thì thiên hạ sẽ trở về với đức Nhân). Từ ái và nhân nghĩa là nét đẹp của thành phố chúng ta từ khi nó được mang tên. Con đường để trở thành một điểm đến về du lịch và khoa học là nguyện vọng cũng như tâm huyết của bao thế hệ cũng được nhen nhúm từ tên gọi thân thương ấy chăng?
        Những địa danh gắn liền với văn hóa và văn chương
        Cũng như các thành phố dọc miền Trung đầy nắng gió, trước 1975, hầu hết những trục đường chính ở Quy Nhơn đều được định danh bằng tên gọi của các nhân vật gắn liền với lịch sử triều Nguyễn. Nhiều con đường xưa, nay đã đổi thay như: đường Huyền Trân và Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo), đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Nguyễn Trãi), đường Cường Để (nay là đường Trần Phú), đường Trần Hưng Đạo (nay là đường Trần Cao Vân), đường Trần Quý Cáp (nay là đường Trần Bình Trọng, đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), đường Ngô Đình Khôi (nay là đường Biên Cương), đường Nguyễn Hữu Lộc (nay là đường Ngô Mây), đường Đoàn Thế Khuyến (nay là đường Vũ Bảo), đường Cô Giang (nay là đường Võ Mười), đường Võ Tánh (nay là đường Lê Hồng Phong), đường Nguyễn Huệ (nay là hai đường Nguyễn Huệ và An Dương Vương), đường Ký Con (nay là đường Lý Tự Trọng), đường Đặng Đức Siêu (nay là đường Nguyễn Văn Bé)... Sự thay đổi này là một điều tất yếu, góp phần khẳng định, ghi nhận và đánh giá đúng công tích của các anh hùng liệt sĩ, các nhân vật văn hóa vang danh lịch sử văn hiến dân tộc.
        Người dân của thành phố biển Quy Nhơn trước năm 1975 ắt hẳn không quên những địa danh đã từng lưu dấu văn hóa một thời như Lầu Bà Đệ (nay là khuôn viên của Ngân hàng công thương chi nhánh Quy Nhơn), rạp Kim Khánh (nay là Trung tâm mua sắm Quốc Khánh), đình Đại Hàn (đã bị tháo dỡ), nhà hát Đào Tấn (nay là trụ sở của Công ty CP phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh, số 161 Trần Cao Vân), khách sạn Hòa Bình (nay là Bệnh viện tư nhân Hòa Bình), Nhà thương Thánh Gia (nay là Trung tâm y tế thành phố Quy Nhơn), Trường La San – Vi Nhân (nay là Thư viện Trường Đại học Quy Nhơn), các hội quán Quỳnh Phủ (nay là Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo), hội quán Phúc Kiến (nay là cơ sở 2 của Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn), hội quán Quảng Đông (nay là trụ sở của UBND phường Trần Hưng Đạo) và rất nhiều cửa hiệu của người Hoa ở khu vực Gia Long cũ (nay là đường Trần Hưng Đạo). Ngoài ra, còn có một dãy cửa hàng của các kiều dân người Nam Dương và Ấn Độ cũng đã từng buôn bán nhộn nhịp ở thành phố này...
Góc đường Gia Long – Trần Cao Vân (Quy Nhơn) ngày xưa. Nguồn: Người xứ Nẫu
         Tại Quy Nhơn đã từng có những hiệu sách nổi tiếng như nhà sách Tào Đàn, nhà sách Đại chúng, nhà sách Khai Trí...đều nằm trên trục đường Gia Long (tức Trần Hưng đạo này nay) và đường Phan Đình Phùng. Ngày nay, tất cả đã thay đổi, dấu vết còn lại còn rất ít (chẳng hạn như hiệu nhang Tín Thái)... Dường như tất cả đã chứng thực một câu chuyện về văn hóa đa dạng, đan xen và chúng ta sẽ có nhiều câu chuyện về giao lưu tiếp biến văn hóa được khơi gợi từ bức tranh sinh hoạt sống động của thành phố trước và sau năm 1975.
        Quy Nhơn ngày nay từng là đất của các làng Chánh Thành, Cẩm Thượng, Hưng Thạnh, Bình Thạnh, Xuân Quang...mỗi làng đều có những ngôi đình rất uy nghiêm. Dấu xưa đã phai, hiện nay chỉ còn dấu tích xác định được qua hai ngôi đình của làng Bình Thạnh, Cẩm Thượng. Số còn lại hầu như đã mất dấu theo dòng biến chuyển của thời gian và sự phát triển. Các di tích tiêu biểu như Sắc tứ Long Khánh tự, miếu Quan Đế (chùa Ông Nhiêu), miếu Ngũ hành (khu vực Chợ Dinh – phường Nhơn Bình), các ngôi miếu Thanh Minh, đền thờ ông Nam Hải vẫn còn đó, vẫn được người dân tôn tạo và hương khói như một nét tâm linh, tín ngưỡng giàu bản sắc và giao thoa văn hóa Hoa – Việt của cư dân thành phố này.
Cổng đình làng Bình Thạnh - một trong những làng cổ góp phần hình thành nên Quy Nhơn ngày nay. Nguồn: Fb Quy Nhơn xưa
       Cũng như một số thành phố dọc bờ biển miền Trung, dấu ấn văn hóa Chăm đã in đậm trong lịch sử hình thành và phát triển của Quy Nhơn. Tháp Đôi là một địa danh quan trọng thể hiện điều ấy. Công trình này xây dựng vào cuối thế kỷ XII, được xếp vào loại đẹp và tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Champa. Kiến trúc của tháp Đôi còn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ Giáo và phong cách Khmer. Vì lẽ ấy, nó không chỉ là chứng tích cho sự trầm tích và giao lưu văn hóa Việt Chăm trong hành trình mở cõi mà còn là một địa danh gắn liền với một biểu tượng khác của thành phố, đó là Cầu Đôi. Người Quy Nhơn xưa từng có câu ca dao:
                        Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi,
                        Vật còn đèo bòng duyên lứa, huống chi tôi với mình.
        Trên bản đồ du lịch văn học ở Nam Trung bộ hiện nay, Quy Nhơn là một điểm đến thú vị. Vì sao như thế? Điều hấp dẫn du khách chính là hệ thống địa danh gắn liền với thơ ca và tác gia văn học tiêu biểu, như Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn), nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng theo học; trường Quốc học Quy Nhơn (còn có tên Collège de Quinhon) đóng tại khu vực các trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Hồng Phong ngày nay, nơi có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng theo học: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyễn Xuân Sanh, Giang Nam, Nguyễn Viết Lãm, Võ Hồng, Nguyễn Thành Long, Mịch Quang, Phạm Hổ… Riêng các địa danh: đồi Ghềnh Ráng, mộ Hàn Mặc Tử, dốc Mộng Cầm, Qui Hòa… gắn liền với những câu chuyện về Hàn Mặc Tử và các bóng hồng như Mộng Cầm, Mai Đình, Thương Thương cùng câu chuyện về hành trình sáng tạo của Hàn Lệ Thu – một nữ sĩ đa tài và có số phận gần giống với Hàn thi nhân.
        Giá trị văn hóa của hệ thống địa danh ở Quy Nhơn chính là điểm nhấn quan trọng khi tìm đến với thành phố biển này. Nó mang hơi thở của hành trình Nam tiến và cũng là chứng tích cho những giao thoa văn hóa sâu sắc mà các dân tộc Việt – Chăm và Hoa đã chung tay kiến tạo.  
      Những địa danh gắn liền với truyền thống lịch sử
        Tượng đài và đền thờ các anh hùng là một trong những nét nổi bật của Quy Nhơn trước và sau năm 1975. Trước ngày đất nước thống nhất, chúng ta biết đến tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo được kiến tạo trên mũi Phương Mai. Công trình này được khởi công năm 1972 và hoàn thành năm 1973. Tác giả thiết lập đồ án và điêu khắc tượng đài Trần Hưng Đạo là kiến trúc sư Đàm Quang Việt, với sự trợ giúp của ông Mai Trọng Truật – Giám đốc công trường. Kinh phí xây dựng do Hội Đức Thánh Trần Hưng Đạo tổ chức quyên góp. Tượng đài nằm ở địa hình lý tưởng với độ cao khoảng 40 mét so với mực nước biển. Đền thờ Đức Thánh Trần, thuộc phường Thị Nại, Tp. Quy Nhơn do nhân dân Quy Nhơn lập vào năm 1968. Hằng năm cứ đến ngày giỗ và thời gian từ Tết Nguyên Đán đến Tết Nguyên Tiêu, Trung Nguyên (rằm tháng 7), Hạ Nguyên (rằm tháng 10), khách các nơi lại đến cầu phước, cầu lộc. Đặc biệt ngày giỗ, ngoài phần lễ còn diễn ra phần hội như múa lân rất rộn ràng. Trên ban thờ, chân dung Đức Thánh Trần ngồi được nghệ nhân Đào Địch vẽ (năm 1967 và hoàn thành năm 1968) rất có hồn, thần sắc oai phong và đức độ. Một địa danh đã từng gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ là Công viên Quang Trung, nơi thiết trí tượng đài hoàng đế Quang Trung – người anh hùng áo vải Tây Sơn, người đã làm nên biểu tượng về tinh thần yêu nước, đấu tranh vì sự độc lập chủ quyền và thống nhất trọn vẹn của đất nước.
Địa danh Bãi Nhạn - một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh của Bình Định. Bãi Nhạn là một doi đất ăn lan ra biển, ở phía đông thành phố Quy Nhơn. Địa danh này gắn liền với địa danh núi Tam Tòa. Đây là nơi án ngữ con đường từ biển Đông vượt qua đầm Thị Nại, để vào thành Đồ Bàn (tức thành Hoàng Đế, thành Bình Định sau này). Là một điểm xung yếu, Bãi Nhạn đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long. Qua địa danh này, chúng ta có quyền tự hào về một lịch sử oai hùng mà thành phố chúng ta từng là chứng nhân. Nó sẽ là động lực để con cháu ngày sau tiếp bước và nối tiếp những chiến công mà cha ông đã kiến tạo.
        Bình Định là một địa phương vinh dự đã được đón chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trong hành trình tìm đường cứu nước. Trước khi vào Phan Thiết, Bác Hồ đã từng có thời gian lưu trú tại Quy Nhơn, người đã lên Bình Khê thăm cha và ở Quy Nhơn học tiếng Pháp với cụ Phạm Ngọc Thọ (thân sinh bác sĩ – liệt sĩ Phạm Ngọc Thạch). Những sự kiện ấy là niềm cảm hứng và khởi nguồn cho tượng đài Cha và con (Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành) tại quảng trường Nguyễn Tất Thành. Quy Nhơn tự hào có được một công trình tượng đài đặc biệt, là biểu tượng cho lòng tri ân của quân dân Bình Định đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc và chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôn tượng Cha và con cùng hướng ra biển như thể đang dặn dò nhau muốn cứu nước phải xuất ngoại, ra biển lớn, đi đến những đất nước đã xâm lược chúng ta để xem họ dân chủ, tự do như thế nào? Tôn tượng ấy cũng ghi dấu một sự kiện quan trọng trong cuộc đời Bác, đó là lúc người chào từ biệt cha nhưng cũng chính là lần vĩnh biệt cụ thân sinh để đi theo một con đường mà Người đã lựa chọ: Vì đọc lập tự do cho Tổ quốc cho đồng bào.
        Địa chỉ đỏ - Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, Tp. Quy Nhơn là một chứng tích khắc nghiệt cho tinh thần tranh đấu của quân dân thành phố trong công cuộc kháng chiến. Trong bài Tiếng hát đi đày, Tố Hữu đã từng nói về Quy Nhơn khi ông bị tạm giam tại Xà lim Quy Nhơn vào năm 1942. Cuối tháng 4 năm 1939, Tố Hữu bị mật thám Pháp bắt giam. Ông bị đày ải qua nhiều địa ngục trần gian: lao Thừa Thiên, nhà tù Lao Bảo, ngục Ban Mê Thuật, bị giải đến khám lớn Quy Nhơn, đến tháng Giêng năm 1942, người chiến sĩ cách mạng trẻ bị đày lên nhà ngục Đắc Lay ở sâu trên miền núi của Tây Nguyên. Bài thơ "Tiếng hát đi đày" được làm trong chuyến chuyển lao đầy khổ ải ấy. Tiếng hát đi đày là bài cuối của phần Xiềng xích trong tập thơ Từ ấy - tập thơ đầu của Tố Hữu.
        Quy Nhơn từng là điểm nóng của các cuộc càn quét do quân đội Pháp, Mỹ và các nước chư hầu thực hiện. Lầu Việt Cường (hay khách Sạn Việt Cường) là một di tích lịch sử tại số 464, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Năm 1962, ông Bùi Anh - chủ khách sạn đã cho đã xây một tòa nhà 4 tầng, đặt tên là Việt Cường. Năm 1965 quân Mỹ thuê toàn bộ ngôi nhà này phục vụ cho các cố vấn quân sự và nhân viên kỹ thuật. Tòa nhà như hiện nay được xây dựng lại sau sự kiện ngày 10 tháng 2 năm 1965, quân và dân Bình Định đã lập chiến công đầu tiên, góp phần không nhỏ vào việc đánh bại hoàn toàn chiến tranh đặc biệt trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, địa danh gắn liền với Tượng đài Chiến thắng ở Quy Nhơn là một biểu tượng đẹp cho ngày giải phóng Quy Nhơn (31/3/1075), là minh chứng hào hùng cho ngày thống nhất non sông (30/4/1975)…
        Địa danh là những câu chuyện văn hóa, lịch sử. Khảo cứu về địa danh là quá trình bóc tách những lớp trầm tích văn hóa ẩn tàng trong hình thức ngôn ngữ. Thành phố Quy Nhơn đã và đang vận hành theo một lộ trình để trở thành trung tâm văn hóa, khoa học và du lịch của khu vực, là một điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Thời gian qua, diện mạo của thành phố Quy Nhơn ngày càng khang trang, tươi trẻ với nhiều địa danh mới, nhiều công trình, nhiều tuyến phố văn hóa - du lịch đẹp. Tuy nhiên, để có thêm cơ sở thuyết minh và xây dựng các điểm đến văn hóa của thành phố, chúng tôi cũng mong rằng trong tương lai không xa, các cấp quản lý tổ chức biên soạn Từ điển địa danh văn hóa, lịch sử thành phố Quy Nhơn – Xưa và Nay. Xác định và lưu giữ những giá trị truyền thống của cha ông để có kế hoạch phục hồi hoặc nâng cấp cho xứng tầm; Quy hoạch không gian văn hóa liên quan đến hệ thống địa danh tiêu biểu của thành phố Quy Nhơn gắn liền với thư viện, bảo tàng, nhà hát, đường sách... Trong đó cần ưu tiên xây dựng đồi Ghềnh Ráng, nơi có mộ Hàn Mặc Tử xứng tầm với tên gọi Đồi Thi Nhân, một địa danh hiếm nơi nào có được.

Tác giả bài viết: Võ Định Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập69
  • Hôm nay2,297
  • Tháng hiện tại88,196
  • Tổng lượt truy cập2,150,741
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây