Hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Thứ sáu - 07/06/2024 15:13
Sáng ngày 7/6/2024, tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), Trung tâm Khuyến nông phối hợp Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y ( Sở NN&PTNT) và các đơn vị có liên quan tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với 70 hộ nuôi tôm trên địa bàn các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành và Mỹ Cát về kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc.
Các hộ nuôi tôm trên địa bàn các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc
Các hộ nuôi tôm trên địa bàn các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc
Công nghệ Semi-Biofloc hay còn được gọi là hệ thống lai giữa sinh vật tự dưỡng và dị dưỡng. Đặc điểm của hệ thống này là tạo ra môi trường cân bằng với khoảng 30 – 40% sinh vật tự dưỡng (chủ yếu là tảo Chlorella) và 60 – 70% sinh vật dị dưỡng (chủ yếu là các chủng Bacillus). Các sinh khối floc trong hệ thống được duy trì thông qua việc bón định kỳ chế phẩm sinh học, MgCO3, CaCO3 và các chất hữu cơ. Nuôi tôm với công nghệ semi-biofloc giúp duy trì mật độ tảo ổn định, đồng thời cũng duy trì sự ổn định cho các chỉ tiêu môi trường nước như độ pH, độ kiềm, nồng độ DO… Mật độ tảo trong ao nuôi sẽ được kiểm soát bằng cách điều chỉnh và duy trì tỷ lệ N:P là 25:1. 
Công nghệ Semi-Biofloc được áp dụng với vai trò quan trọng trong việc xử lý chất thải hữu cơ và chuyển hóa thành protein sinh khối, tạo ra các cụm Biofloc lơ lửng trong nước. Biofloc không chỉ là nguồn thức ăn đầy dưỡng chất cho sự phát triển của tôm mà còn góp phần cải thiện môi trường ao nuôi, giúp giảm ô nhiễm và ngăn chặn các mầm bệnh.   
Hệ thống ao nuôi theo công nghệ Semi-Biofloc có tỷ lệ trao đổi nước rất thấp, chỉ khoảng 0,5 -1%/ ngày. Do vậy, đây là mô hình nuôi tôm có độ an toàn sinh học cao, giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm bệnh cho tôm. Ngoài ra, các chủng vi khuẩn có lợi trong hệ thống như Bacillus sẽ kích thích tiêu hóa, giúp tôm hấp thu thức ăn hiệu quả hơn, tôm mau lớn và hệ số chuyển hóa thức ăn thấp hơn. Semi-floc là công nghệ giúp tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP. Đây được xem là công nghệ giúp nuôi tôm với chi phí thấp.
Tại buổi gặp gỡ, các hộ nuôi tôm được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc từ khâu chuẩn bị, xây dựng công trình nuôi, kỹ thuật ương tôm và nuôi thương phẩm theo hai giai đoạn, quản lý thức ăn và môi trường ao nuôi... Đồng thời, giải đáp một số thắc mắc của người nuôi về biện pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng; các chính sách, định hướng phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới tại Bình Định.
Thông qua việc trao đổi trực tiếp với các cơ quan chuyên môn, hầu hết người nuôi tôm nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm, hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh, giúp ổn định môi trường nước, dịch bệnh giảm đáng kể so với cách nuôi trước đây. Qua đó, người nuôi tôm giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Công nghệ Semi-Biofloc là mô hình nuôi tôm phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm hiện nay. Nếu tuân thủ và thực hiện tốt các quy trình nuôi, bà con sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi và đạt hiệu quả cao.

Tác giả bài viết: Ái Trinh (Hiệp hội Thủy sản Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập22
  • Hôm nay240
  • Tháng hiện tại54,604
  • Tổng lượt truy cập1,759,194
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây