Tham dự tập huấn có đại diện IUCN, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, phòng Kinh tế TP. Quy Nhơn, Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, Chi cục Thủy sản, Đồn Biên Phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn, Đồn Biên Phòng Mỹ An (Phù Mỹ), lãnh đạo và ngư dân các xã Nhơn Hải, xã Nhơn Châu, phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn), thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và 39 tình nguyện viên trên biển là ngư dân đã được các địa phương trên lựa chọn và đăng ký tham gia.
Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên giới thiệu về hiện trạng bảo tồn rùa biển, thú biển và môi trường biển ở Việt Nam; một số đặc trưng sinh học, sinh sản của rùa biển; phương pháp bảo vệ, cứu hộ rùa biển và trứng rùa biển; thực hành thông tin về rùa biển, thú biển bắt gặp/đánh bắt không chủ ý trển biển.
Đánh bắt không chủ ý trong khai thác nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam và toàn cầu là một vấn đề gây tác động nghiêm trọng cho các hoạt động bảo tồn thú biển và rùa biển. Các loài rùa biển, cá heo, cá voi, và các loài thú biển khác không phải là mục tiêu khai thác nhưng bị đánh bắt do lưới, câu, hoặc phương tiện khai thác khác một cách không chủ ý, có khả năng bị thương hoặc bị chết.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Điều phối viên Chương trình Tài nguyên Biển và Vùng ven biển, IUCN tại Việt Nam cho biết mục tiêu của lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho ngư dân trong việc giám sát và cứu hộ các loài rùa biển, thú biển bị đánh bắt không chủ ý, từ đó xây dựng chương trình thí điểm thu thập các thông tin về tình hình đánh bắt không chủ ý các loài rùa biển và thú biển tại vùng biển ven bờ và vùng lộng của Bình Định. Trên cơ sở đó đánh giá hiện trạng đánh bắt rùa biển/thú biển không chủ ý tại các địa phương và xác định các khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái đối với các loài này để có căn cứ và dữ liệu xây dựng các đề xuất chính sách cho cơ quan quản lý.
Dịp này, các tập thể và cá nhân được nhận Giấy khen của Sở NN&PTNT tỉnh về thành tích bảo tồn rùa biển năm 2024