Đền thờ và Tượng đài Trần Hưng Đạo tại thành phố Quy Nhơn
Thứ bảy - 21/09/2024 06:54
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thời Trần được coi là giai đoạn phát triển cao của văn minh Đại Việt. Vua tôi nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại ba cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Gắn liền với những chiến tích vẻ vang đó của triều đại nhà Trần, không thể không nhắc đến Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một vị tướng tài kiệt xuất và được xem là linh hồn của cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ 13.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300), sinh ra tại làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định). Ông là con của Khâm minh Đại vương Trần Liễu, cháu ruột của vua Trần Thánh Tông. Ông là vị tướng có công rất lớn trong 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông của triều Trần vào các năm 1258, 1285, 1288. Không chỉ là nhà quân sự tài ba, Trần Hưng Đạo còn là nhà chính trị, nhà văn hóa lớn; ông để lại cho đời những áng văn bất hủ như: Hịch tướng sĩ, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Binh thư yếu lược...Ông cũng là vị tướng hội đủ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Tư tưởng của ông về khoan thư sức dân, dựa vào sức dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, toàn quân vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Sau khi ông mất, chính tài năng và nhân cách cao đẹp của mình, ông được suy tôn là Đức Thánh Trần trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Để ghi nhớ công lao của ông, trên khắp đất nước ta, nhiều nơi nhân dân đã lập đền thờ, dựng tượng đài để tưởng niệm; tên ông được đặt cho nhiều đường phố, trường học trên khắp cả nước. Tại tỉnh Bình Định, có hai di tích tiêu biểu, gắn liền với danh nhân Trần Hưng Đạo.
Di tích thứ nhất là Đền thờ Đức Thánh Trần (còn có tên gọi khác là Đền thánh Sơn Hà), tọa lạc tại địa chỉ số 596/17 đường Trần Hưng Đạo, phường Thị Nại, thành phố Quy Nhơn, do Hội Đức Thánh Trần Bình Định tổ chức quyên góp xây dựng. Đền thờ được khởi công ngày 22/3/1968 và khánh thành ngày 01/8/1968. Tại đây, hàng năm cứ đến ngày 20/8 ÂL, Ban quản lý đền thờ và chính quyền địa phương long trọng tổ chức lễ húy kỵ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trong đó, không thể thiếu một nghi thức rất quan trọng đó là Nghi thức rước giác linh Đức thánh Trần từ tượng đài Trần Hưng Đạo ở bán đảo Phương Mai về đền thờ. Nghi thức rước giác linh Đức thánh Trần Hưng Đạo thường được diễn ra với nghi thức nghiêm cẩn, thành kính dâng hương, dâng hoa lên Tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo nhằm tri ân tiền nhân, tưởng nhớ công đức to lớn của ngài. Sau phần tế lễ, yết cáo trước án tiền, linh vị của Ngài được thỉnh lên kiệu, di chuyển ra tàu, vượt biển để đưa về Đền thờ. Tại Đền thờ, sau phần tế an vị, các nghi lễ khác được diễn ra, như: Nghi thức tế thánh, lễ tế cầu quốc thái dân an, lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ...
Ngoài ra, tại đây vào các dịp đầu xuân năm mới còn tổ chức Lễ khai ấn, ban ấn Đền thờ Đức thánh Trần được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo bầu không khí vui tươi đầu xuân năm mới và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân thành phố Quy Nhơn mỗi dịp tết đến xuân về. Lễ húy kỵ Đức thánh Trần Hưng Đạo từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân Quy Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung.
Di tích thứ hai là Tượng đài Trần Hưng Đạo nằm trên đỉnh một quả đồi, cạnh làng chài Hải Minh của bán đảo Phương Mai, thành phố Quy Nhơn. Tượng đài do Hội Đức Thánh Trần Bình Định tổ chức quyên góp xây dựng, được khởi công ngày 16/7/1971 và khánh thành ngày 25/3/1972. Chiều cao tổng thể của tượng đài khoảng 16m, được đúc hoàn toàn bằng bê tông cốt thép vững chắc. Tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng ở vị trí cửa ngõ từ biển vào đầm Thị Nại. Nhìn từ xa chúng ta vẫn có thể thấy rõ tượng đài. Từ lâu, tượng đài đã được xem là một biểu tượng độc đáo của thành phố biển Quy Nhơn mà không phải nơi nào cũng có được.
Đền thờ, tượng đài Trần Hưng Đạo là hai công trình tưởng niệm độc đáo về một danh tướng kiệt xuất của dân tộc - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cả hai công trình đều mang ý nghĩa tôn vinh công lao của bậc tiền nhân đã có công lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc và gắn liền với những hoạt động văn hóa mang tính tâm linh của cộng đồng.
Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo, năm 2007, di tích Đền thờ, tượng đài Trần Hưng Đạo được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.