Ngày Môi trường Thế giới 2024: Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá

Thứ tư - 29/05/2024 08:56
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 (5/6/2024) với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá". Hưởng ứng chương trình này, các bộ, ban ngành, địa phương, cơ quan liên quan Việt Nam đang lên kế hoạch với những hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường.
Ngày Môi trường Thế giới 2024: Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá

Cụ thể, Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá" nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
 

Để triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tháng hành động vì môi trường năm 2024.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) và quy định về phân loại rác thải tại nguồn (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường tại khoản 1 Điều 79 và khoản 1 Điều 75 phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024) đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất.

Đồng thời, tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hoá; phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên của đất nước.
 

mttg1

Tác giả bài viết: BBT (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập36
  • Hôm nay1,326
  • Tháng hiện tại49,646
  • Tổng lượt truy cập1,892,564
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây