Ngay sau khi tổng hợp và phân loại hồ sơ theo 05 lĩnh vực dự thi, BTC Cuộc thi đã thành lập Ban giám khảo (BGK), gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn đến từ các Trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học, một số sở ngành trong tỉnh. Đa số thành viên BGK đã từng tham gia chấm các Cuộc thi trước, là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, làm việc nhiệt tình và trách nhiệm để tìm ra những giải pháp nổi trội. BGK được chia thành 05 tiểu ban tương ứng với 05 lĩnh vực dự thi. Mỗi giải pháp được phân cho 02 giám khảo có chuyên môn phù hợp để chấm điểm.
Từ ngày 3-10/6/2021, hơn 50 giám khảo chấm thi vòng sơ khảo làm việc công tâm, đưa ra những nhận xét cụ thể cho từng giải pháp và đề xuất xếp giải cho các lĩnh vực một cách khách quan nhất.
“Do phương thức chấm thi thay đổi so với mọi năm, không trưng bày mô hình, sản phẩm để chấm trực tiếp, giám khảo chấm thi dựa trên hồ sơ, trao đổi với thí sinh thông qua điện thoại, zalo... nên chúng tôi cũng đã thống nhất bằng mọi cách phải mang lại một kết quả công bằng nhất cho các em. Giải pháp nào 02 giám khảo chấm chênh điểm nhau thì đưa ra giám khảo cả tiểu ban nhận xét, đánh giá và chấm lại điểm số cho phù hợp. Thậm chí, có giám khảo đã đến tận nơi để xem mô hình, sản phẩm và phỏng vấn trực tiếp tác giả rồi mới chấm điểm” – Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi chia sẻ.
Ngày 24&25/6/2021, BTC cũng đã bố trí đoàn đến một số trường trên địa bàn huyện Tuy Phước, Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn để kiểm tra thực tế chấm chung khảo, lựa chọn những giải pháp tốt nhất để trao giải. “Nhìn chung, phương thức chấm thi năm nay kỳ công hơn mọi năm nhưng vẫn đảm bảo được tiến độ và chất lượng Cuộc thi. Việc đi đến tận nơi có các giải pháp triển vọng lọt vào khung giải cao thể hiện được trách nhiệm của BTC, BGK mong muốn đảm bảo được tính chính xác, khách quan, công bằng, chọn lựa những giải pháp xứng đáng để trao giải” – Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT, Trưởng BTC Cuộc thi cho biết.
So với những lần thi trước, quy định chấm thi năm nay có sự thay đổi, điểm số cho tiêu chí tính mới và tính sáng tạo được nâng lên, chiếm 50% tổng số điểm (thang điểm 100). Trong quá trình chấm thi, BGK cũng đặc biệt lưu ý 2 tiêu chí này. “Đa số những giải pháp đề xuất đạt giải cao, các em đều chỉ ra được tính mới của sản phẩm mà trên thị trường chưa có, hoặc đã có nhưng sản phẩm của các em tạo ra mang tính ưu việt hơn, dễ ứng dụng trong cuộc sống” – Bà Nguyễn Thị Tố Trân cho biết.
Khi đến tận nơi để kiểm tra các mô hình, sản phẩm và phỏng vấn trực tiếp với các thí sinh cũng giúp cho BTC và BGK có sự đánh giá toàn diện hơn. “Cuộc thi năm nay, có nhiều sản phẩm được các em đầu tư khá kỹ lưỡng, công phu và có thể đưa vào ứng dụng ngay trong đời sống. Ở độ tuổi các em sáng tạo ra được “Thiết bị tự động ngắt nước khi rò rỉ hoặc vỡ đường ống”, “Hệ thống báo động thông minh khi tai nạn xe máy”, “Máy xay chế tạo thức ăn trong chăn nuôi và phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp”... là điều đáng quý. Qua kiểm tra thực tế, nhận thấy những mô hình nào còn tồn tại những hạn chế, chúng tôi cũng đã hướng dẫn, định hướng cho các em nghiên cứu thêm để nâng cao hiệu quả ứng dụng của sản phẩm” – Ông Cao Anh Phổ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quy Nhơn, trưởng tiểu ban giám khảo lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em chia sẻ.
Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh phức tạp, BTC không thể tiến hành họp bàn trực tiếp để xét giải. Dựa trên kết quả chấm chung khảo, Ban thư ký Cuộc thi cũng đã rà soát, tổng hợp lại đề xuất xếp giải, lấy ý kiến thống nhất của BTC, BGK Cuộc thi thông qua zalo nhóm. Sau khi tổng hợp kết quả cuối cùng, BTC sẽ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
“Việc tổ chức chấm thi một cách khách quan, chính xác, xét giải công bằng dựa trên nhiều cơ sở sẽ góp phần động viên tinh thần sáng tạo của các em học sinh, tạo được uy tín để Cuộc thi ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn trong toàn tỉnh” – Ông Lê Văn Tâm chia sẻ.