CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG THIỆT HẠI TRONG MÙA MƯA BÃO

Thứ hai - 30/09/2024 08:57
Trong mùa mưa bão, việc chủ động phòng ngừa cho các ao nuôi tôm cá, cũng như hệ thống lồng bè nuôi là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe của thủy sản nuôi, tránh thiệt hại và tiếp tục tái sản xuất
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG THIỆT HẠI TRONG MÙA MƯA BÃO
1. Đối với ao đầm nuôi trồng thủy sản:
- Lên kế hoạch thu hoạch và tiêu thụ: khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm.
- Kiểm tra và gia cố ao nuôi: Kiểm tra tình trạng bờ ao, đảm bảo không có lỗ hổng hay chỗ yếu nào có thể bị tràn nước. Gia cố bờ ao, đảm bảo chắc chắn, tránh nước lũ tràn vào. Phát quang bụi rậm, cây cối xung quanh bờ ao.
-Đặt lưới chắn bao quanh bờ: Lưới cao khoảng 50 cm, nên ghim sâu dưới đất 30 cm, nêm chặt, ngăn chặn sự thất thoát của thủy sản nuôi
- Quản lý mực nước: Thường xuyên theo dõi mực nước trong ao. Nếu mực nước quá cao, cần thiết phải thoát bớt nước thừa để giảm nguy cơ tràn.
- Lắp đặt hệ thống thoát nước: Đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động tốt, giúp thoát nước khi có mưa lớn, tránh tình trạng ngập úng. Đặt ống xả tràn đảm bảo thoát nước khi mưa lũ kéo dài.
- Nạo vét, khơi thông cống rãnh, luồng lạch, kênh mương, đảm bảo thoát nước tốt khi mưa lũ kéo dài.
- Sử dụng chế phẩm sinh học: Bổ sung chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng nước, giúp ổn định môi trường sống cho tôm cá.
- Dinh dưỡng cho thủy sản: Cung cấp thức ăn đầy đủ trước mùa mưa bão để tăng cường sức đề kháng cho tôm cá, giúp chúng chống lại stress do thời tiết. Khi điều kiện thời tiết bất lợi, giảm lượng thức ăn, tăng cường bổ sung men vi sinh, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
- Theo dõi sức khỏe thủy sản: Trong mùa mưa, có thể có nguy cơ cao về bệnh tật. Theo dõi sức khỏe của tôm cá thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
- Lập kế hoạch ứng phó: Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, hoá chất, nguyên nhiên vật liệu (lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, máy bơm, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh,…) để chủ động gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống khi có tình huống xấu xảy ra. Chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp, bao gồm cả việc di dời tôm cá đến nơi an toàn nếu tình hình thời tiết trở nên nghiêm trọng. Sơ tán người về nơi trú ẩn an toàn, đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.
- Khử trùng ao nuôi sau bão:  
+Tăng cường kiểm soát ô nhiễm sau bão, cần khử trùng ao bằng các chất khử khuẩn an toàn để bảo vệ sức khỏe của thủy sản.
Xả nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh;
 +Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột nên rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10kg/100 m2), kết hợp bón vôi cho ao, đầm nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao:
+ Đối với ao nuôi thủy sản nước ngọt: Lượng vôi bón 0,7-1kg/100m3 nước
+ Đối với ao nuôi thủy sản nước mặn lợ: Lượng vôi bón 2 -3kg/100m3 nước;
- Bổ sung vitamin C 5mg/kg thức ăn, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
 - Tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.  
2. Đối với lồng bè nuôi:
- Kiểm tra và gia cố lồng bè: Trước khi mùa mưa lũ bắt đầu, cần kiểm tra các lồng bè, hệ thống dây neo, phao nổi  để đảm bảo chúng vẫn vững chắc. Cần gia cố thêm nếu cần thiết, như buộc chặt lại các dây neo, kiểm tra độ bền của lưới và các vật liệu khác. Di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ, tránh bị gió bão gây hư hỏng.
- Trường hợp không di chuyển được lồng, cần che chắn lồng lưới bằng các mắt lưới inox phù hợp hoặc các dụng cụ làm giảm bớt lưu tốc dòng chảy, ngăn chặn rác, cành cây,..  gây rách lồng, tạo luồn lạch để thu gom. Tiến hành gia cố  thêm lưới che chắn, neo chặt lồng nuôi, hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng gió;  không để thủy sản nuôi lọt ra ngoài khi có thiên tai;
- Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi (5 kg/túi) trước dòng chảy để phòng bệnh cho thủy sản;
- Theo dõi chặt chẽ và  tuân thủ nghiêm các hướng dẫn về phòng chống lụt bão của cơ quan chức năng; sơ tán người  về nơi trú ẩn an toàn, đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai;
- Chủ động công tác bảo quản thức ăn, hóa chất và thuốc: Trong mùa mưa lũ, lượng thức ăn và thuốc men có thể mưa gió tạt ướt hoặc bị trôi đi. Nên chuẩn bị một lượng đủ và bảo quản tốt để sử dụng khi cần.
- Giám sát mực nước và dòng chảy: Theo dõi thường xuyên mực nước và dòng chảy xung quanh lồng bè. Nếu có dấu hiệu dòng chảy mạnh có thể làm sập lồng, cần có kế hoạch di dời hoặc gia cố.
- Sử dụng hệ thống cảnh báo: Cài đặt hệ thống cảnh báo, như camera quan sát hoặc cảm biến mực nước để kịp thời phát hiện các vấn đề.
- Lưu trữ thiết bị và tài sản: Di chuyển các thiết bị không cần thiết lên vị trí cao hơn để tránh bị ngập nước.
- Lập kế hoạch ứng phó: Chuẩn bị một kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp nếu có tình trạng xấu xảy ra, như di dời thủy sản đến nơi an toàn.
- Đánh giá tác động của lũ: Sau khi lũ đi qua, phải kiểm tra sức khỏe của thủy sản và tình trạng lồng bè để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.  Kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép. Di chuyển lồng, bè về lại vùng nuôi (nếu trước bão phải di chuyển lồng, bè để tránh bão); thu gom các rác thải, cành cây,… đưa vào bờ, kiểm tra kỹ càng hệ thống lồng lưới, dây neo,…tình trạng sức khỏe của cá nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tác giả bài viết: N.N.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập46
  • Hôm nay3,005
  • Tháng hiện tại96,706
  • Tổng lượt truy cập2,018,048
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây