CHÍN LỜI KHUYÊN BẢO VỆ SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

Thứ ba - 01/10/2024 11:09
Người cao tuổi (NCT) có chức năng đề kháng yếu, dễ mắc bệnh và thường trở nên mạn tính, kéo dài. Chính vì vậy, để chống lại bệnh tật, tăng tuổi thọ khỏe mạnh cho NCT ngoài việc dựa vào y học thì bản thân NCT cần có chế độ bảo vệ sức khỏe thường xuyên. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra chín lời khuyên bổ ích với hy vọng NCT cần rèn luyện, giữ gìn sức khỏe, tăng tuổi thọ. Hơn nữa, các lời khuyên này cũng bổ tích với người trẻ, người trung niên, vì sức khỏe ở độ tuổi về già lệ thuộc phần lớn vào tình trạng sức khỏe ở các độ tuổi trước đó.
CHÍN LỜI KHUYÊN BẢO VỆ SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI
Chín điều dễ nhớ với NCT gồm: 3N, 3C, 3T như sau:
Một: NUÔI DƯỠNG TÂM, THẦN KINH (N1)
Cơ thể con người là một khối thống nhất, dưới sự chỉ huy của hệ thần kinh trung ương. Sức khỏe của con người phụ thuộc vào sự chỉ huy điều hòa nhịp nhàng đó. Cho nên, phải bảo vệ và nuôi dưỡng tâm, thần kinh như sau:
1. Đảm bảo giấc ngủ: NCT cần đảm bảo thời gian và chất lượng giấc ngủ. Ban ngày nên tập vận động chân tay nhẹ nhàng để tạo điều kiện cho đêm ngủ ngon.
2. Hạn chế tiếng động: Tiếng động cũng tác hại như ô nhiễm không khí và tia phóng xạ. Các tiếng động nhỏ, kéo dài cũng tác hại như tiếng động mạnh đều tổn thương các tế bào thần kinh, thính giác và gây một số bệnh do suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, loét dạ dày.
3. Giữ một tâm hồn thanh thản: Theo điều tra từ các cụ có tuổi thọ cao đều nhận thấy ở họ có một sự thăng bằng về tinh thần. Việc vui, buồn họ đều giữ được sự điềm đạm và tự chủ hiếm có, không bao giờ thái quá.
4. Xây dựng không khí đầm ấm trong gia đình: Đây điều kiện không thể thiếu được để có một tâm hồn thanh thản.
5. Tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống hằng ngày: Được tận hưởng niềm vui dù đơn giản sẽ mang lại một trạng thái tinh thần lạc quan, phấn chấn, hạnh phúc.
6. Học tập không ngừng: Là sự rèn luyện làm chậm quá trình lão hóa của não. Sự hiểu biết làm con người trẻ lại, tạo niềm vui, tinh thần sảng khoái, sức khỏe tâm thần cải thiện.
7. Đưa nghệ thuật vào cuộc sống: Bởi nó chứa những cái cao đẹp, điều tốt lành nhất, làm thức dậy niềm sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.
8.Trân trọng tình bạn: Có bạn giúp ta thêm niềm vui và sức mạnh, được chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau lúc vui buồn, tránh được những suy nghĩ tiêu cực.
Hai: NƯỚC (N2):
1.Phải uống đủ nước: Mỗi ngày cơ thể cần từ 1,5lít đến 2lít nước. Số lượng nước còn tùy theo mùa, tùy theo hoạt động cơ thể. Ngoài việc uống nước, lượng nước vào cơ thể còn dựa vào dưới dạng canh, thức ăn, hoa quả…
2. Nước, một điều kiện của nếp sống sạch sẽ, vệ sinh: Thân thể được vệ sinh sạch sẽ ngăn ngừa được bệnh về da, hỗ trợ hệ bài tiết, hô hấp. Với NCT, cơ thể yếu nên tắm nước ấm, tránh gió lùa, sau khi tắm phải lau cơ thể thật khô.
Ba: NĂNG VẬN ĐỘNG (N3)
Không có gì làm suy yếu và phá hủy cơ thể con người bằng sự không vận động kéo dài. Vận động chân tay không phải chỉ cần thiết cho bắp cơ, xương và khớp mà còn tác dụng đến toàn thân: các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết, thần kinh…làm việc tốt hơn. Hoạt động cơ thể hài hòa, cho ta một cảm giác dễ chịu, phấn khởi vui vẻ, làm trí óc sáng suốt hơn, yêu đời hơn. Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người ta phải chọn cho mình ít nhất một môn thể dục đều đặn mỗi ngày.
Bốn: CẦN BIẾT SỨC KHỎE CỦA MÌNH (C1)
Muốn có một nội dung luyện tập, bồi dưỡng sức khỏe một cách thích hợp, phải hiểu tình trạng sức khỏe của bản thân. Sự già hóa của cơ thể có những quy luật. Nếu khéo vận dụng vào các quy luật đó thì NCT vẫn có thể duy trì sức khỏe. Ngược lại, nếu hành động không theo quy luật đó dẫn đến nhiều tác hại. Ở NCT có nhiều bệnh mạn tính, cần lưu ý: Đề nghị thầy thuốc cho biết hiện nay mình có bệnh gì (bệnh chính và bệnh phụ). Trình bày cho thầy thuốc dự kiến về việc luyện tập và bồi dưỡng sức khỏe của mình để thầy thuốc góp ý cho phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh tật. Định kỳ nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, so sánh kết quả với lần trước.
Năm: CHẾ ĐỘ ĂN, UỐNG (C2)
Ăn uống tốt không phải là ăn bất cứ gì, bất cứ lúc nào mà là ăn uống hợp lý, nghĩa là tạo ra những điều kiện tốt nhất để thức ăn được tiêu hóa hết.   
1. Ăn phải ngon miệng: Nên tạo bữa ăn vui vẻ, thoải mái giúp NCT cảm thấy ngon miệng, thức ăn hấp thụ tốt, tránh cảm giác buồn bực, mệt mỏi, lo lắng ảnh hưởng đến sự hấp thu, tiêu hóa không được tốt.
2. Ăn đúng giờ: Đến giờ ăn, theo phản xạ có điều kiện, dịch vị và các men tiết ra, ăn sẽ thấy ngon miệng và thức ăn dễ tiêu hóa. Nếu ăn uống thất thường, không theo đúng giờ, ăn sẽ mất ngon, thức ăn không được tiêu hóa tố, dịch vị và men tiết ra không gặp thức ăn dễ gây bệnh ở dạ dày, ở ruột. ...
3. Thức ăn nên thay đổi, tránh đơn điệu: Cơ thể cần nhận khoảng 60 chất dinh dưỡng khác nhau. Nếu không đủ sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc. Do đó, thức ăn càng phong phú cơ thể càng nhận được nhiều chất dinh dưỡng. Nếu ăn đơn điệu sẽ mau chán, ăn không thấy ngon, gây thiếu chất.
4. Bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu: Thuốc lá, thuốc lào tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Người có hút thuốc dễ bị ung thư phổi gấp 20 lần so với người không hút thuốc, nguy cơ của đột quỵ cao, thiếu máu cơ tim và hội chứng viêm phổi tắc ngẽn mạn tính…Đối với rượu, lượng cồn hại não và gan; NCT không nên dùng.
Sáu: CUỘC SỐNG ĐIỀU ĐỘ (C3)
1. Đảm bảo nhịp điệu sống cân đối, hài hòa: Lao động, nghỉ ngơi, mọi sinh hoạt nên tuân thủ một chế độ hợp lý, nề nếp đã định sẵn. Trừ những trường hợp đột xuất, những tình huống khẩn trương, buộc phải phá vỡ chế độ. Làm việc, sinh hoạt thiếu khoa học làm cho hệ thần kinh suy yếu nhanh chóng, bệnh tật và lão hóa sớm.
2. Rèn luyện từ lúc còn trẻ: Cuộc sống của con người qua đi rất nhanh chóng. Sức khỏe về già phụ thuộc rất lớn vào chế độ sinh hoạt, làm việc lúc trẻ. Cần có mục đích rõ ràng, vừa làm việc vừa có những phương pháp tập luyện phù hợp để nâng cao sức khỏe về già.
Bảy: THỞ (T1)
Khối lượng không khí hít vào thở ra mỗi ngày rất lớn, khoảng một vạn lít mỗi ngày. Nếu lao động có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba.
1. Không khí trong lành: Hít thở ở những nơi quang đãng, có vườn hoa cây cỏ thiên nhiên, sảng khoái tinh thần.
2. Phải thở bằng mũi: Trong mũi có nhiều lông nhỏ, bụi bẩn vi khuẩn trong không khí, khi qua lỗ mũi đều bị các lông đó giữ lại và đẩy ra ngoài cùng với đờm và chất nhầy ở mũi. Mặt khác, khi trời lạnh không khí được hít qua mũi đã được sưỡi ấm khi đi qua con đường khúc khuỷu rồi mới đến phổi. Nhờ vậy hạn chế viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Nếu thở bằng miệng, thiếu hàng rào bảo vệ nói trên, dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp nhất là vào mùa lạnh.
3.Tập thở sâu: Mỗi người thở khoảng 15- 16 lần/phút. Khối lượng không khí trao đổi mỗi lần thở khoảng 0,5 lít. Nếu thở sâu, khối lượng không khí trao đổi có thể gấp 4,5 lần lúc thở bình thường. Thở sâu tốt đến hệ tuần hoàn, tim co bóp tốt hơn, máu vào động mạch vành nhiều hơn, máu tĩnh mạch trở về tim dễ hơn, tốt cho hệ thần kinh, não được cung cấp oxy nhiều hơn…Cần xây dựng thói quen thở sâu trong mọi trường hợp có thể như luyện tập, lúc đi dạo, ngồi làm việc....(nơi không khí không bị ô nhiễm)
Tám: TAI NẠN (T2)
Ở tuổi già, bệnh tật dễ xuất hiện, cơ thể suy yếu làm cho bệnh dễ chuyển nặng, hay xảy ra những tai nạn không mong muốn. Đôi khi chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể gây những hậu quả lớn. Biết được những yếu tố gây tai nạn để phòng là rất quan trọng. 
1. Chú ý đến yếu tố thời tiết: Khi khí hậu thay đổi, chuyển mùa cần đề phòng bảo vệ sức khỏe. Chú ý trong mùa rét cần mặc áo ấm, nhà phải kín gió, giữ ấm đôi chân vì chân bị lạnh làm sức đề kháng cơ thể giảm sút, các vi sinh vật vật gây bệnh đột nhập cơ thể mà gây bệnh.
2. Chú ý đến những báo hiệu của cơ thể: Tai biến mạch máu não thường xuất hiện đột ngột, tỷ lệ tử vong rất cao. Một số trường hợp có những biểu hiện báo hiệu như: nhức đầu khác thường, tê bì chân, chóng mặt, choáng váng, ù tai, mờ mắt, nảy đom đóm mắt xảy ra trên những người tăng huyết áp… Các dấu hiệu báo trước đó có thể xuất hiện trước 1 giờ trước 12 giờ có trường hợp trước vài ngày nếu phát hiện nên báo cho thầy thuốc và xử lý kịp thời, có thể tránh được tai biến hoặc giảm nhẹ được bệnh.
 Nhồi máu cơ tim cũng thường xuất hiện đột ngột, cần cảnh giác khi có những cơn đau vùng trước tiên, xuất hiện ngày càng dày và càng kéo dài, cũng cần theo dõi chặt chẽ khi loạn nhịp tim, tim đập không đều, khó thở, tức ngực...
Những biểu hiện trên không phải luôn báo hiệu tai biến xảy ra, nhưng do hậu quả của tai biến hết sức nặng nề nên việc cảnh giác là cần thiết.
3. Hạn chế các tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày: Ở NCT, hệ cơ xương khớp lão hóa nhanh, vì vậy vận động hàng ngày, hạn chế dẫn đến gãy xương, chấn thương hệ xương khớp rất khó hồi phục. Chỉ một chấn thương nhẹ không đáng kể do ngã, trượt chân cũng có thể gãy xương. Nguy hiểm nhất là gãy cổ xương đùi, gãy xương chậu, sụt đốt xương sống. Vì vậy cần tránh đi vội vã, chỗ trơn, nơi thiếu ánh sáng. Nếu đi không vững, nên dùng gậy chống tránh khiêng, vác nặng. Nhiều người cao tuổi chân tay không vững, mắt kém đã bị bỏng (bỏng lửa, bỏng nước sôi... ) khi tiếp xúc bếp nước; tai nghe không rõ dễ bị tai nạn xe cộ khi đi ra đường…
4.Chú ý đến người tinh thần không còn tỉnh táo: Ở một số NCT mắc chứng lú lẫn, dễ gặp phải những tai nạn trong sinh hoạt thường ngày. Phổ biến là đi lạc đường dẫn đến tai nạn giao thông, té ngã; nhầm lẫn trong việc ăn uống, nhất là uống nhầm thuốc, gây ngộ độc. Vì vậy, đối với NCT bị lú lẫn cần phải có người nhà quan tâm, chăm sóc hằng ngày và nhờ sự hỗ trợ của cơ sở y tế, viện dưỡng lão…khi cần thiết.
 Chín: THUỐC (T3)
Việc chỉ định dùng thuốc là nhiệm vụ của thầy thuốc. Tuy nhiên sự cộng tác của người bệnh là không thể thiếu được.
1. Sử dụng thuốc ở NCT không giống như đối với người trẻ.
Cơ thể NCT đã có những biến đổi so với lúc còn trẻ nên tác dụng của thuốc vào cơ thể kém hơn. Đối với các loại thuốc uống thường bị đào thải nhiều qua đường tiêu hóa, ít vào máu. Đối với các loại thuốc tiêm dưới da hay tiêm bắp, thuốc kích thích gây lắng đọng tại chỗ do tổ chức xơ xung quanh.
Khi thuốc hấp thụ, chức năng chuyển hóa cũng kém do giảm hoạt tính của hệ thống men trong cơ thể dễ gây độc bởi sự hình thành các sản phẩm trung gian. Cơ thể giảm khả năng khử độc do chức năng của gan bị kém, hoạt động tổ chức liên võng nội mô giảm sút. Thuốc dễ tích lũy gây độc do chức năng thận giảm, giảm bài xuất qua mật, qua các tuyến tiêu hóa, mồ hôi.
Do đó, khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi phải rất cẩn trọng. Trên cơ sở nắm được đặc điểm cơ thể và bệnh lý ở từng trường hợp.
2. Nếu có phương pháp chữa bệnh nào công hiệu mà không cần đến thuốc thì không nên dùng thuốc: Các phương pháp tập luyện đã đem lại kết quả trong một số thể bệnh: liệt thần kinh, rối loạn thần kinh chức năng, giảm thế năng ba. Chữa bệnh bằng suối nước nóng đã giải quyết được một số: khớp, cơ, bệnh ngoài da. Chữa bệnh bằng vật lý đã có tác dụng trên một số chứng bệnh thuộc cơ xương khớp, thần kinh. Phương pháp thư giãn có tác dụng trên một số bệnh thần kinh…. Chữa bệnh bằng chế độ ăn uống có chỉ định trong một số bệnh nội tiết, tiêu hóa, bệnh dinh dưỡng. Y học ngày càng tìm ra nhiều phương pháp chữa bệnh không cần thuốc, cần áp dụng cho NCT.
3. Nếu nhất thiết phải dùng thuốc thì tìm cách an toàn nhất:Trừ trường hợp cần thiết, nên hạn chế dùng nhiều loại thuốc cùng thời điểm. Vì nhiều loại thuốc vào cơ thể suy yếu dễ gây tác động có hại không lường trước được. NCT dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
4. Các thuốc làm tăng tuổi thọ: Do cơ chế của sự hoá già chưa hoàn toàn được sáng tỏ nên các phương pháp tác động trên cơ chế đó chưa có. Cho đến nay, người ta đã nêu ra nhiều thứ thuốc, mỗi thứ có thể tác động trên một mặt nào đó. Tăng tuổi thọ đòi hỏi nhiều yếu tố phối hợp, thuốc chỉ đóng một vai trò rất hạn chế.

Tác giả bài viết: TTƯT.BSCKII. Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,236
  • Tháng hiện tại34,454
  • Tổng lượt truy cập1,799,310
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây