Viện đã đạt được nhiều kết quả KHCN nổi bật: Thực hiện 6 đề tài cấp Bộ; 1 dự án giống; 1 đề tài tiềm năng; 1 dự án khuyến nông Trung ương; 1 dự án nông thôn miền núi, 01 dự án về Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng; 5 đề tài cấp tỉnh; 6 đề tài, dự án nhánh phối hợp với các Viện trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và với các địa phương Vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Tổng các nguồn kinh phí ước tính hơn 12 tỉ đồng. Trong đó kinh phí nghiên cứu khoa học hơn 3 tỷ đồng. Viện cũng đã làm hồ sơ để tự công bố lưu hành cho 03 giống rau (Dưa lưới Hoàng Ngân, Dưa chuột Thiên Hương 1 và Mướp đắng Hà Thanh 1).
Bên cạnh đó, Viện đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ: Cung ứng cho sản xuất khoảng 650 tấn giống lúa các cấp, trên 5.000 cây ăn quả các loại và các loại vật tư phục vụ nông nghiệp khác với tổng doanh thu trên 12,8 tỷ đồng; Đã xây dựng được 46 mô hình trình diễn cho các giống cây trồng mới và quy trình canh tác với tổng diện tích 75,0 ha và trên 700 hộ tham gia tại 07 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai; Phối hợp với các địa phương tổ chức được 298 lớp tập huấn cho 5.990 nông dân, 12 Hội nghị/hội thảo đầu bờ với 600 đại biểu tham dự.
Nhằm mục tiêu giới thiệu và đánh giá các tiến bộ kỹ thuật mới của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; Viện đã tổ chức Hội nghị tham quan và đánh giá tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ vào cuối tháng 3/2024 với hơn 100 đại biểu tham dự. Các đại biểu đã tham quan và đánh giá tiến bộ kỹ thuật mới: Các giống lúa mới thuộc phân khúc chất lượng (BĐR36, BĐR39, BĐR57, BĐR79, BĐR97) và chế biến (BĐR999), ngắn ngày và chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường (hạn và sâu, bệnh chính hại lúa) tại Khu nghiên cứu và trình diễn các giống lúa mới của Viện – Cơ sở 2, phường Nhơn Hưng – TX An Nhơn, tỉnh Bình Định; Các giống đậu đỗ mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thích ứng với hạn hán: Giống lạc (đậu phộng) sử dụng để chế biến dầu (LDH01; LDH19) và ăn tươi như sấy hoặc hấp (LDH09); Giống đậu xanh chín tập trung thích hợp với cơ giới hóa (ĐXBĐ.07); Giống vừng (mè) đen và vàng chín tập trung (HLVĐ.78; BĐ.01) tại Khu nghiên cứu và trình diễn các giống đậu đỗ mới của Viện – Cơ sở 2, phường Nhơn Hưng – TX An Nhơn, tỉnh Bình Định và tham quan chuỗi sản xuất lạc phục vụ thị trường ăn tươi (sử dụng giống lạc mới LDH09 và công nghệ tưới tiết kiệm nước) tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Các giống rau lai F1 và công nghệ sản xuất hạt giống lai: Dưa chuột (dưa leo) thơm giống Thiên Hương 1, Thiên Hương 2; Khổ quả (mướp đắng) giống Hà Thanh 1, Hà Thanh 2; Bí đỏ (bí ngô) giống Dương Long 77 và Phương Mai 77; Dưa lưới vàng giống Hoàng Ngân; Và sản xuất hạt giống Hành tím OP và lai F1 tại Cơ sở 1, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngoài ra, còn có Công nghệ sản xuất phân đạm sinh học từ phế thải thủy sản để hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí trong sản xuất xoài và dừa xiêm.
Sau khi tham quan thực tế, Viện đã nhận được những ý kiến phản hồi của các đại biểu về khả năng ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới của Viện vào sản xuất cũng như định hướng nghiên cứu cho Viện để phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Các ý kiến tập trung đánh giá các mặt ưu điểm của sản phẩm cũng như chỉ ra các điểm còn hạn chế để Viện tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Đặc biệt, các ý kiến đánh giá, góp ý của các Doanh nghiệp và Thương lái không chỉ giúp Viện tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm Khoa học Công nghệ mà còn góp ý, đề xuất nhiều giải pháp khả thi để thúc đẩy hợp tác và phát triển nhanh các sản phẩm KHCN của Viện nhằm phục vụ sản xuất ngày càng tốt hơn.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Viện tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt quan tâm công tác tự công bố lưu hành và bảo hộ các giống cây trồng mới để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng mới; Rà soát các kết quả nghiên cứu đã hoàn thiện để phục vụ công tác đăng bài báo trên các tạp chí chuyên ngành và phục vụ công tác thông tin tuyên truyền; Đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của Viện, đặc biệt chú trọng các sản phẩm bản quyền của Viện để có nguồn thu đảm bảo kinh phí hoạt động của Viện...