Trong 9 trường hợp gặp sự cố trên biển, hầu hết các tai nạn chủ yếu do sự chủ quan của ngư dân như tàu hỏng hóc kỹ thuật (2 tàu hỏng máy, 2 tàu bị phá nước chìm), tàu bị đâm va (2 tàu), ngư dân bị tai nạn trong quá trình lao động (2 người bị nạn và 01 người rơi xuống biển mất tích) và tình trạng tàu cá của ngư dân bị cháy nổ khi đang neo đậu tại cảng Tam Quan (Hoài Nhơn). Cùng với đó là việc vi phạm các quy định về an toàn như không mang áo phao, phao cứu sinh; đăng ký khai báo không chính xác vùng hoạt động; không thực hiện tốt công tác trực canh, cảnh giới trên biển... Phần lớn thuyền viên, ngư dân tàu cá chưa được đào tạo cơ bản; đi biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa nắm vững các quy tắc về phòng ngừa đâm va, đèn hiệu, tín hiệu, luồng hàng hải khi hoạt động trên biển.
Không chỉ riêng Bình Định mà hầu hết trên vùng biển nước ta hiện có hàng nghìn tàu cá hoạt động trong tình trạng sử dụng nhiều năm máy tàu cũ, công nghệ lạc hậu nhưng thiếu sự quan tâm đầu tư, nâng cấp nên tỷ lệ rủi ro rất cao. Thậm chí, nhiều tàu không trang bị thiết bị thông tin liên lạc tầm xa nên gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phát đi thông tin khi gặp thiên tai, sự cố.
Ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định chia sẻ: Để có những chuyến tàu ra khơi được thuận buồm xuôi gió, ý thức về công tác bảo đảm an toàn của ngư dân cần phải đặt lên hàng đầu. Các phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm, đầu tư đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn kỹ thuật khi hoạt động trên biển, lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng tàu cá (AIS), thiết bị theo dõi hành trình (VMS) theo đúng qui định. Trước khi ra khơi, bà con ngư dân cần kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của phương tiện như vỏ tàu, máy, lái; hệ thống thông tin liên lạc và thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết trên biển. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm dành nguồn kinh phí, phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn, phổ biến kinh nghiệm cho thuyền viên, ngư dân về kiến thức an toàn hàng hải; cách ứng cứu, phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp xảy ra tai nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Đặc biệt, nâng cao nhận thức cho ngư dân và chủ tàu về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp khi làm việc trên tàu cá sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của người lao động.
Thực tế, không có lực lượng nào có thể cứu hộ, cứu nạn nhanh, kịp thời hơn các tàu cá đánh bắt trên cùng ngư trường, có tần số liên lạc chung, thống nhất các quy ước, dấu hiệu trong trường hợp không may gặp tai nạn để các thành viên trong cùng tổ, đội ứng cứu hiệu quả nhất. Những năm qua, Hiệp hội Thủy sản Bình Định đã phối hợp với các đơn vị trong ngành thủy sản tuyên truyền, vận động hội viên và ngư dân xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Đến nay, toàn tỉnh có 707 tổ đoàn kết với 2.719 tàu tham gia phối hợp nhau trong sản xuất và hỗ trợ phòng chống thiên tai, tai nạn trên biển.