Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm Tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh năng động và hiệu quả với sự tham gia, kết nối thường xuyên của các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp; Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sát với thực tiễn, phù hợp với nguồn lực và điều kiện của tỉnh; Tạo ra một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh nhà. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho hơn 1.000 lượt cá nhân, doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ hoạt động ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các tổ chức ươm tạo trên địa bàn tỉnh với số lượng 100 ý tưởng; Hình thành mạng lưới các nhà tư vấn khởi nghiệp (với khoảng 50 chuyên gia tư vấn) và mạng lưới các nhà đầu tư khởi nghiệp (với khoảng 100 nhà đầu tư) nhằm hỗ trợ một cách có hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương đồng thời thông qua hệ thống cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động khởi nghiệp của tỉnh, tuyển chọn ít nhất 25 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu để hỗ trợ phát triển thành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó: 20% doanh nghiệp có khả năng gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu này, đề án cũng xây dựng hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp nhiều ngành trong hệ thống chính trị của địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đề án này.
Trong quí I năm 2020, một số nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức, quản lý điều hành đề án đã được triển khai thực hiện. Trước hết là việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, xây dựng dự thảo Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo. Dự kiến trong năm, sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh và Phương án bố trí địa điểm cho hoạt động của Trung tâm; thành lập Hội đồng tư vấn và đầu tư khởi nghiệp trong đó chú ý huy động nhân sự từ các doanh nghiệp; Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định lần thứ V và sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ II. Chủ động xây dựng Quy chế phối hợp về hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ; phát huy vai trò của khối trường học trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh với các Trường: Đại học Quy Nhơn, Đại học Quang Trung, Cao đẳng Bình Định, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung bộ... Tham gia, kết nối mạng lưới các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động có hiệu quả trên cả nước như SIHUB, Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn, Sở Khoa học và Công nghệ vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên...
Đại diện thường trực Liên hiệp Hội tham gia là thành viên Ban chỉ đạo, có nhiệm vụ phối hợp, giúp Ban chỉ đạo hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện các hoạt động của đề án tại đơn vị và các hoạt động chung khác./.
HTTT