Kỷ niệm 78 năm Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023): "TÔI NÓI ĐỒNG BÀO NGHE RÕ KHÔNG?"

Thứ tư - 30/08/2023 16:04
Cách đây 78 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Áng văn bất hủ của Người đến hôm nay và mãi mãi về sau vẫn chứa đựng những giá trị to lớn và ý nghĩa thời đại.
Ngày 2.9.1945, tại Quảng Trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc, Ảnh Tư liệu
Ngày 2.9.1945, tại Quảng Trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc, Ảnh Tư liệu

1. Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo tại số nhà 48 phố Hàng Ngang của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Chỉ có 1.120 từ, được sắp xếp trong 49 câu, nội dung ngắn gọn, cô đúc nhiều tư tưởng, trong đó các quyền dân tộc cơ bản vượt qua thời gian và không gian. Nó không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà là một xu thế tất yếu của thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với quốc dân và thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Tuyên bố đó đã thể hiện ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam“Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là lời hịch truyền gửi đến muôn đời con cháu mai sau với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.Cũng từ đó, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á hình thành, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử chính trị, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền quốc gia của một dân tộc và giá trị về quyền con người của người dân một nước độc lập. Đây cũng là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; thể hiện trí tuệ sắc sảo, tư duy lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học, độc đáo và thiên tài của Người.
Trong phần đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai quốc gia lớn, văn minh hàng đầu thế giới là bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ và bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1791 của Cách mạng Pháp. “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”;“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Với lập luận này, Người đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Từ việc khẳng định quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc. Và vì thế, mỗi người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam đều có những quyền chính đáng ấy; không ai có thể tước đoạt được; và nếu bị tước đoạt, cả dân tộc sẽ kiên cường, đoàn kết, kiên trì chiến đấu để giành lại và quyết tâm bảo vệ.
2
Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
 
2.Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Vì thế, nó không chỉ gắn liền với Hồ Chí Minh mà còn mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nó đã khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì Độc lập, tự do; thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền Độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam là đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam, khẳng định trước công luận: Mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam độc lập là đều vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh giành tự do Độc lập của dân tộc Việt Nam là chính nghĩa. Một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít, dân tộc đó phải được tự do, độc lập và sẽ bằng mọi giá để giữ vững nền Độc lập của mình.
Bản Tuyên ngôn Độc lập còn minh chứng cho một sách lược mềm dẻo, linh hoạt về đối ngoại, tinh thần nhân văn cao cả, tính hòa hiếu của một dân tộc “muốn là bạn với các nước”. Đây là cột mốc đánh dấu lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, thể hiện khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do vẫn trường tồn cùng lịch sử, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để hôm nay, đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế.
78 năm đã qua, nhưng mỗi lần đọc lại, chúng ta vẫn thấy rõ sức sống và vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?”, dù không nằm trong nội dung bản Tuyên ngôn, nhưng câu hỏi rất đổi mộc mạc, giản dị ấy vừa thể hiện sự gần gũi của vị Chủ tịch Nước đối với Nhân dân, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả của một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhân cách lớn của lãnh tụ hết lòng vì nước, vì Nhân dân.Và cho mãi hôm nay, giọng nói ấm áp của Bác Hồ vẫn vang vọng đâu đây “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Huỳnh Huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập73
  • Hôm nay2,315
  • Tháng hiện tại88,214
  • Tổng lượt truy cập2,150,759
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây