Bệnh Cúm A/H5N8 trên gia cầm và tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước

Thứ hai - 30/08/2021 09:48
Bệnh Cúm A/H5N8 là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra ở gia cầm (bao gồm cả gia cầm nuôi, chim yến và chim hoang dã) và động vật có vú (gồm một số loài gia súc, các loài động vật hoang dã và người). Gà thường bị mắc bệnh Cúm gia cầm trầm trọng, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%; vịt thường mang mầm bệnh, có thể có hoặc không có triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc vi rút ra môi trường.
Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm (ảnh minh họa)
Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm (ảnh minh họa)
Đặc điểm của bệnh Cúm A/H5N8
“Về mặt kỹ thuật, vi rút H5N8 có chung đặc điểm kháng nguyên với vi rút H5N6 đang lưu hành tại Việt Nam, vắc xin cúm gia cầm hiện tại được sử dụng tại Việt Nam cần duy trì hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh trên gia cầm” (Theo Tiến sỹ Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp, Tổ chức FAO tại Việt Nam).
Với nguồn bệnh Cúm A/H5N8, Vi rút có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, trong phân, dịch tiết như nước mũi, nước bọt, dịch tiết của con vật mắc bệnh. Các loài chim di trú, thủy cầm hoang dã có thể mang vi rút cúm gia cầm và là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu cho gia cầm nuôi. Đường truyền lây, vi rút nhân lên trong đường hô hấp và đường tiêu hoá, sau đó được bài thải qua phân, nước mũi, nước bọt, dịch tiết.
Thời kỳ lây truyền thường trong vòng từ 3 đến 5 ngày, có khi kéo dài đến 7 ngày kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp.
 Lây trực tiếp do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh Cúm hoặc động vật mắc bệnh, động vật mang trùng vi rút cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua các chất bài tiết từ đường hô hấp hoặc qua phân, thức ăn và nước uống bị nhiễm vi rút Cúm.
 Lây gián tiếp qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển bị nhiễm phân, dịch tiết có chứa vi rút cúm của động vật mắc bệnh bài thải ra.
 Về triệu chứng, bệnh tích, gà mắc bệnh Cúm A/H5N8
Gà có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 – 03 ngày, con vật bệnh thường bị chết đột ngột, có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày; gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt  hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, năng suất trứng giảm rõ rệt ở những con gia cầm đang đẻ, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.
 Bệnh tích đặc trưng, chân xuất huyết, khí quản xuất huyết, đọng nhiều dịch rỉ viêm, túi khí dày đục, có ổ cazein, phổi viêm xuất huyết; dạ dày tuyến xuất huyết, manh tràng, ruột non xuất huyết, hậu môn xuất huyết, gan, lách, thận sưng hoặc xuất huyết; màng bao tim, cơ tim xuất huyết; tim nhão, bao tim chứa nhiều dịch thẩm xuất màu vàng; buồng trứng, dịch hoàn xuất huyết; màng não xung huyết.
Phòng bệnh
Sử dụng các loại vaccine CGC đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus CGC A/H5N6 (theo OIE chủng virus CGC A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus CGC A/H5N6) để phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ.
Tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N8 trong và ngoài nước
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút Cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở trên chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Tính đến tháng 6/2021, tổng cộng đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng vi rút này. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng vi rút CGC A H5/N8 gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch CGC do các chủng vi rút khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam). Trong tháng 02/2021, có 07 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ (theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay chưa có bằng chứng về vi rút CGC A/H5N8 lây từ người sang người).
Ở nước ta, từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng vi rút CGC A/H5N8 tại 04 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh và Hà Nội. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT nguy cơ phát sinh dịch bệnh CGC A/H5N8 lây lan và xảy ra diện rộng là rất cao vì đây là bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam trong khi đó chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ không an toàn sinh học còn phổ biến; mật độ chăn nuôi cao; việc giao thương, buôn bán vận chuyển tăng cao; tình trạng giết mổ gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ; điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm suy giảm sức đề kháng của gia cầm; việc tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm chưa được quan tâm tỷ lệ tiêm phòng chưa đảm bảo yêu cầu.
Tại tỉnh ta, tuy chưa xuất hiện bệnh CGC A/H5N8, nhưng mầm bệnh CGC vẫn còn tồn tại trong môi trường. Thêm vào đó, hoạt động lưu thông, mua bán gia cầm ngày càng gia tăng và yếu tố bất lợi của điều kiện thời tiết, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn vi rút CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC thể độc lực cao khác, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi; Bộ Nông nghiệp và PTNT  đã có Công điện khẩn số 4154/CĐ-BNN-TY ngày 02/7/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC thể độc lực cao khác lây lan diện rộng. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản số 4080/UBND-KT ngày 09/7/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Tâm (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập95
  • Hôm nay5,209
  • Tháng hiện tại98,910
  • Tổng lượt truy cập2,020,252
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây