Báo cáo tóm tắt kỳ họp Quốc hội khóa XV

Thứ sáu - 13/08/2021 09:49
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20.7 đến 28.7.2021 tại Thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần tích cực, khẩn trương, làm việc không có ngày nghỉ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, kết thúc kỳ họp sớm 3 ngày so với chương trình đã được thông qua.
Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thư nhất, Quốc hội khóa XV (ảnh: Phương Hoa / TTXVN)
Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thư nhất, Quốc hội khóa XV (ảnh: Phương Hoa / TTXVN)
Quốc hội đã xem xét, ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề; đồng thời, Quốc hội kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời, thể hiện trách nhiệm cao của Quốc hội trước nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
1. Về tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp. Đã bầu 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các đại biểu được bầu bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu hợp lý và tỷ lệ đại diện của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội; tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp giảm, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng; tỷ lệ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trúng cử là người dân tộc thiểu số, phụ nữ đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước; trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
2. Về công tác tổ chức, nhân sự
Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ).
Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 1 Phó Chủ tịch, 4 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh). Đồng thời, phê chuẩn 4 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
3. Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
3.1. Quốc hội đã thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
3.2. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.139.639.446 triệu đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.119.541.763 triệu đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 161.490.730 triệu đồng. Yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; cải cách chính sách thu - chi; chấn chỉnh tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế; chỉnh đốn công tác quản lý chi đầu tư; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách sai quy định, đồng thời có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
3.3. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo...
3.4. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%; phấn đấu giảm tỷ lệ bội chi ngân sách NN xuống dưới 3,7% GDP. Tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 của ngân sách trung ương khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Nợ công hằng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
3.5. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870.000 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương là 1.500.000 tỷ đồng). Bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; 65.795,847 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia, 38.738 tỷ đồng để đầu tư dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới.
3.6. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
3.7. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Giao Chính phủ có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. Giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Chương trình theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương cho cả 3 Chương trình (giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
4. Thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022 và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2022
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, gồm 09 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và 2 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến hai lần. Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” tại kỳ họp thứ 3 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” tại kỳ họp thứ 4.
5. Thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch Covid-19. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
6. Về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân
Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử và báo cáo của Việt Nam các cấp, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid -19, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng,... Đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá trong điều hành để phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống Covid -19, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật,…

Tác giả bài viết: LTP

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập33
  • Hôm nay1,675
  • Tháng hiện tại49,995
  • Tổng lượt truy cập1,892,913
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây