Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Thứ ba - 28/04/2020 16:41
Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, quân dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho lịch sử dân tộc. Thắng lợi nhanh chóng, triệt để ấy là minh chứng khẳng định về tài năng quân sự kiệt xuất từ Bộ Tổng Tư lệnh đến Bộ Chỉ huy trực tiếp các chiến trường tại thời khắc xoay bản lề lịch sử.
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Chỉ đạo tác chiến chiến lược táo bạo, đúng đắn, chính xác

Nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thể hiện trước hết trong chỉ đạo tác chiến chiến lược, mà tiêu biểu nhất là việc xây dựng phương án thời cơ; cách đánh và hướng tiến công mở đầu.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng thuận lợi, Đảng Lao động Việt Nam triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30/9/1974 - 7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/01/1975) hạ quyết tâm: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; nếu thời cơ đến sớm hơn, thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Thực hiện quyết tâm Bộ Chính trị đề ra, Bộ Tổng Tư lệnh sớm chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu xây dựng hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Dự thảo này đã được Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/01/1975) đồng ý thông qua (sau 8 lần xin ý kiến chỉnh sửa), chính thức trở thành “Kế hoạch chiến lược”, gồm hai phương án. Phương án cơ bản, có hai bước: Bước 1 (năm 1975), mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy, làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, mở ra thời cơ thuận lợi mới có lợi nhất cho cách mạng. Bước 2 (năm 1976), tiến hành tổng tiến công và nổi dậy đánh chiếm Sài Gòn, giành toàn thắng. Phương án thời cơ: khi ta đánh mạnh, địch suy yếu nhanh có thể tạo ra thời cơ phát triển “đột biến”, lập tức tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng trong năm 1975.

Trên thực tế, chính nhờ có sự chuẩn bị chu đáo phương án này, nên ngay sau thắng lợi bước đầu của Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã họp bàn bổ sung quyết tâm chiến lược, quyết định chuyển từ phương án cơ bản sang phương án thời cơ, thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay năm 1975. Như vậy, dù tình hình có phát triển theo hướng nào, thì ta vẫn giữ được sự chủ động trong việc “điều binh, khiển tướng”. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa phát huy thế chủ động trên chiến trường và sự chủ động về chỉ đạo tác chiến chiến lược trở thành nét đặc trưng cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam suốt chiều dài cuộc kháng chiến, đến đây được thể hiện rõ ràng nhất, trở thành nhân tố cơ bản để giành thắng lợi.

Về cách đánh chiến lược, căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường là ta đang phát triển thế chủ động, địch lún sâu vào thế bị động phòng ngự; đồng thời sức chiến đấu chủ lực ta đã hơn hẳn quân chủ lực địch, nhất là qua chiến thắng Phước Long (6/1/1975), nên cách đánh của ta là vận dụng sáng tạo “tổng tiến công và nổi dậy”, kết hợp chặt chẽ đòn tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, lấy tiến công quân sự đi trước. Cách đánh này thực sự là một bất ngờ lớn đối với địch. Bởi cả Mỹ - chính quyền Sài Gòn lúc đó đều nhận định: trong năm 1975, Quân giải phóng sẽ đánh mạnh hơn năm 1974, nhưng không đánh lớn như các năm 1968 và 1972; chưa có khả năng đánh chiếm thị xã, thành phố lớn, nếu có chiếm cũng không giữ được.

Từ nhận định sai lầm như vậy, nên dù Mỹ cắt giảm phần lớn viện trợ, lực lượng bị căng mỏng ra khắp các chiến trường, nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn lạc quan tin rằng đủ sức giữ trọn vẹn lãnh thổ miền Nam. Đến đầu tháng 3/1975, khi Quân giải phóng mở chiến dịch tiến công quy mô lớn đánh vào địa bàn hiểm yếu nhất là Nam Tây Nguyên, địch hoàn toàn bất ngờ, lúng túng tìm phương án đối phó dẫn đến sai lầm chiến lược là rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên.

Về hướng tiến công mở đầu, Kế hoạch chiến lược xác định rõ chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công mở đầu, trọng điểm là Nam Tây Nguyên với mục tiêu chính là thị xã Buôn Ma Thuột. Thực tế đã chứng minh đây là mẫu mực về nghệ thuật lựa chọn hướng tiến công, mục tiêu tiến công, nghệ thuật vận dụng không gian đặc sắc, sáng tạo. Bởi Tây Nguyên là chiến trường trải rộng, có vị trí hết sức quan trọng, nếu giải phóng được địa bàn này sẽ tạo bàn đạp tiến vào Đông Nam bộ (nơi có Sài Gòn - thủ phủ của chế độ tay sai), hoặc dễ dàng tiến xuống giải phóng các tỉnh đồng bằng Khu 5 thực hiện chia cắt chiến lược địch, tạo sự rung chuyển chấn động mạnh.

Ở Nam Tây Nguyên, địa hình xung quanh Buôn Ma Thuột tương đối bằng phẳng, nhiều đường lâm nghiệp, tiếp cận với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, nên rất thuận lợi cho việc cơ động tập trung binh lực, vật lực để tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trong khi đó, phán đoán sai hướng tiến công chủ yếu của Quân giải phóng là miền Đông Nam bộ, do vậy, địch tập trung phòng thủ Quân khu 1 (tiếp giáp với miền Bắc) và Quân khu 3 (miền Đông Nam bộ). Lực lượng địch ở Tây Nguyên tương đối mỏng, lại mất cân đối (tập trung nhiều ở phía Bắc, ít ở phía Nam), bố phòng sơ hở. Từ đó, ta biết phát huy hết những thuận lợi, khai thác tối đa những sở hở, hạn chế của đối phương để giành được thắng lợi vang dội.

Như vậy, chỉ đạo tác chiến chiến lược của ta trong Tổng tiến công và nổi dậy rất chủ động, táo bạo, đúng đắn, chính xác, thể hiện sự mẫn cảm đánh giá tình huống, nắm bắt thời cơ chiến lược cùng tư duy quân sự sắc sảo của Bộ Tổng Chỉ huy, vượt ra ngoài mọi toan tính, dự đoán từ phía đối phương.

Thực hành chiến dịch kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta diễn ra từ ngày 4/3/1975 và kết thúc vào ngày 30/4/1975 với ba đòn tiến công chiến lược liên tục về thời gian, liên kết về không gian đi đến đánh sập quân đội, chính quyền Sài Gòn. Mỗi đòn tiến công lại có cách thức tổ chức thực hiện giành thắng lợi khác nhau, cho thấy rõ sự phát triển đỉnh cao về nghệ thuật quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

Chiến dịch Tây Nguyên (4/3 - 3/4/1975) là đòn giáng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Hình thái chung toàn bộ chiến trường lúc này, địch ở tình thế phòng ngự ổn định, lực lượng còn nguyên vẹn, sức phản kích quyết liệt. Để đạt mục đích, yêu cầu đặt ra là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tạo “bước đột phá mới” cho chiến tranh, bảo đảm chắc thắng, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức và thực hiện thành công hai yếu tố rất quan trọng:

Một là, nghi binh tạo thế. Bộ Chỉ huy chỉ đạo tăng cường các trận tập kích, pháo kích vào căn cứ địch, huy động dân công mở các “đường giả” hướng về Plây-cu, Kon Tum, điều động Sư đoàn 968 từ Nam Lào về Bắc Tây Nguyên..., khoét sâu vào nhận định sai lầm của địch (cho rằng Quân Giải phóng sẽ đánh chủ yếu hướng Bắc Tây Nguyên). Đồng thời, lệnh cho hai sư đoàn chủ lực (Sư đoàn 10, Sư đoàn 320) để lại toàn bộ điện đài, nhân viên báo vụ, phát “sóng giả” truyền thông tin như cũ, bí mật cơ động từ Bắc Tây Nguyên về Nam Tây Nguyên, tạo ưu thế áp đảo về lực lượng.

Hai là, tổ chức tiến công thị xã Buôn Ma Thuột (mục tiêu chủ yếu) bằng lối đánh mới thọc sâu rất táo bạo (còn gọi lối đánh “nở hoa trong lòng địch”). Khi tiếng súng mặt trận bắt đầu, đại bộ phận các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng thọc sâu tại các vị trí chờ đợi từ xa trên các hướng, các trục đường khác nhau nhanh chóng cơ động vượt qua các tuyến địch vòng ngoài, ào ạt đánh chiếm những mục tiêu chủ yếu trong thị xã, sau đó phát triển ra bên ngoài thị xã.

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi giòn giã với ba trận then chốt quyết định: đánh chiếm Buôn Ma Thuột (10 - 11/3/1975), đánh bại địch phản kích (14 - 18/3/1975), truy kích tiêu diệt địch rút chạy (17 - 24/3/1975). Kết quả ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 chính quyền Sài Gòn, mở ra cục diện, thời cơ mới hết sức thuận lợi cho cách mạng.

Tiếp theo là đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3/1975). Phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, quân dân ta đẩy mạnh tiến công ở Trị - Thiên, các tỉnh đồng bằng ven biển Khu 5, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn, gây áp lực buộc địch phải co cụm tập trung quân về giữ thành phố Huế và Đà Nẵng với hi vọng chờ đợi viện binh từ phía Nam ra để tổ chức phản công. Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 phối hợp với các sư đoàn chủ lực Quân đoàn 2 gấp rút tổ chức các mũi thọc sâu chia cắt địch, chặn đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây trong thành phố.

Sau khi mất Tây Nguyên, không có viện binh tăng cường, tinh thần quân địch càng trở nên hoang mang, tổ chức rối loạn. Chớp thời cơ này, ta nhanh chóng mở cuộc “tiến công trong hành tiến” giải phóng Huế (26/3), sau đó phát triển thành chiến dịch tiến công quy mô lớn bằng thế hợp vây giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975). Lần đầu tiên trong lịch sử, hình thức “tiến công trong hành tiến” đã được Bộ Chỉ huy vận dụng triệt để, mang lại hiệu quả chiến đấu cao, tiêu biểu là tiêu diệt và làm tan rã gần 10 vạn địch tại Đà Nẵng chỉ với thời gian bốn ngày (26 - 29/3/1975), đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch - chiến lược.

Đến những ngày cuối tháng 4/1975, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Lúc này, lực lượng địch phòng thủ Sài Gòn lên đến 245.000 tên, có hơn 400 khẩu pháo, 600 xe tăng, 800 máy bay cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh khác. Chúng bố trí phòng thủ thành ba tuyến (vòng ngoài, vành đai, nội thành): Tuyến vòng ngoài, có các sư đoàn chủ lực mạnh muốn ngăn chặn quân ta từ xa 30 - 50 km, đề phòng khi bị tiến công, chúng sẽ từng bước lùi dần và co cụm về Sài Gòn “tử thủ”. Khu vành đai, cách trung tâm 14 - 20 km do các liên đoàn biệt động cùng lực lượng bảo an, quân địa phương chốt giữ bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Khu nội thành, địch tổ chức phòng thủ thành 5 liên khu do toàn bộ lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự phụ trách.

Về phía ta, đến những ngày cuối tháng 4/1975, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm bằng được: Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất.

Về mặt lực lượng, quân ta vẫn chiếm ưu thế áp đảo, bao gồm bốn quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) cùng khối lượng vật chất bảo đảm đến mức tối đa. Nhưng đánh bằng cách nào có hiệu lực nhất, để vừa phát huy hết sức mạnh tất cả lực lượng, giành thắng lợi nhanh nhất, vừa giảm thiểu được sự tàn phá của chiến tranh (giữ được Sài Gòn hầu như nguyên vẹn) là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Từ đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch lựa chọn cách đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo, đó là: dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, tiêu diệt, làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch ở “vòng ngoài”; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, đập tan lực lượng địch tại “khu vành đai”, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành.

Với cách đánh như vậy, quân ta hoàn toàn tập trung được sức mạnh để đánh vào các mục tiêu chủ yếu đã lựa chọn, kết hợp với tiêu diệt địch ở vòng ngoài không cho địch trong, ngoài ứng cứu làm giảm bước tiến quân của ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi vẻ vang chỉ trong vòng 5 ngày (26 - 30/4/1975) đã khẳng định cách đánh này là hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, cách mạng đã giữ được thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn. Đó là một thành công to lớn mà cả thế giới thấy kinh ngạc.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những chiến công vang dội nhất suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, góp phần khẳng định sự đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đồng thời là thắng lợi tiêu biểu đánh dấu nghệ thuật quân sự dân tộc phát triển lên tầm cao mới, mang tính độc đáo, sáng tạo, khoa học với tư tưởng nhân văn sâu sắc.


PGS, TS Hồ Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (nguồn: TTXVN)

Tác giả bài viết: KT

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập42
  • Hôm nay2,830
  • Tháng hiện tại96,531
  • Tổng lượt truy cập2,017,873
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây