Một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau khi cách ly xã hội dần gỡ bỏ do đại dịch Covid-19

Thứ tư - 13/05/2020 07:52
Thời gian qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, đời sống của nhân dân ta. Có rất nhiều hoạt động ủng hộ người dân nghèo, người yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều đơn vị áp dụng công nghệ vào: làm việc từ xa, giao dịch mua bán trực tuyến, học trực tuyến,...; một số ứng dụng theo dõi, quản lý thông tin dịch bệnh được hình thành giúp cơ quan quản lý, người dân theo dõi để nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam đã ban hành chỉ thị 16/CT-TTg có hiệu lực từ 01/04/2020 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người với nhau trong giao tiếp. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Với nhiều mặt tích cực từ chính phủ với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết. Song song đó phải thực hiện mục tiêu đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội.
Một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau khi cách ly xã hội dần gỡ bỏ do đại dịch Covid-19
Trước đây, khi chưa có dịch bệnh xảy ra, thì hàng ngày vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm chất lượng không khí thời gian qua là vấn đề được cộng đồng người dân, nhà nước quan tâm.
Theo khảo sát, số liệu, thống kê của tổ chức y tế thế giới thì ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.  Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ước tính mới đây năm 2018 cho thấy rằng 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn khác nhau: từ khói thải từ các hộ gia đình; từ ô nhiễm không khí ở thành phố và khu vực nông thôn...
Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và đặc biệt tại một số thời điểm diễn biến rất phức tạp. Tại Hà Nội, các thông số đo đạc được từ các trạm quan trắc cho thấy chỉ số bụi PM 2,5 vượt ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn của VN, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm 2019.
Trong nửa cuối năm 2019, người dân TP.HCM phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn).
Thông tin thêm về chi số AQI, PM
Chỉ số AQI : Là chỉ số thể hiện mức độ ô nhiễm không khí do Hoa Kỳ ban hành

Bảng cấp độ và cảnh báo chỉ số AQI
Chỉ số PM 2.5: là các hạt bụi lơ lửng trong không khí có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm (micromet). Những hạt có đường kính bé hơn 10 micromet là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi.
Nồng độ PM 2.5 (μg/m3 ) Mức độ cảnh báo
0.0 - 15.4 Tốt
15.5 -40.4 Trung bình
40.5 - 65.4 Ảnh hưởng đến nhóm nhạy cảm
65.5 - 150.4 Tác động xấu đến sức khỏe
150.5 - 250.4 Tác động rất xấu đến sức khỏe
250.5 - 350.4 Nguy hiểm
350.5 - 500.4 Rất nguy hiểm
Bảng giới hạn giá trị và cảnh báo PM 2.5

 
Giá trị AQI, PM tại Tp.HCM ngày 03/05/2020 đo bằng AirVisual
Qua phân tích, cho thấy ô nhiễm môi trường trong đó ô nhiễm không khí đang là vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, do thực hiện nghiêm chỉ thị của Chính phủ về giãn cách xã hội, các hoạt động kinh doanh, giao thương hạn chế do tình trạng người dân ra đường tham gia giao thông giảm rõ rệt dẫn đến tình trạng ô nhiễm do khói bụi từ khí thải xe máy, các phương tiện giao thông khác có giảm so với trước đây. Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên thời gian đến sẽ dần giảm bớt việc giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh nới lỏng, người dân có thể đi lại nhưng vẫn tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, vấn đề làm sao tiếp tục hạn chế việc ô nhiễm không khí, môi trường do việc tái các hoạt động sản xuất nhà máy, giao thông đi lại sau khống chế dịch bệnh là vấn đề cần quan tâm, nếu không thực hiện hiệu quả công tác vừa chống dịch vừa phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh mà cộng tiếp những ảnh hưởng của vấn nạn ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng càng chồng chất đến sức khỏe của người dân, cộng đồng và nền kinh tế đất nước sẽ càng khó khăn khi cùng lúc phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan.
Giải pháp đề xuất dựa trên những thực tế, cần sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân Việt Nam nhằm xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn như dịch bệnh Covid-19, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí. Dịch Covid-19 cũng giúp ta nhận thức nhiều vấn đề trong đó có vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm chất lượng không khí là do con người, do ý thức của mỗi bản thân chúng ta, khi giãn cách ly xã hội thì ô nhiễm không khí có nhiều tín hiệu tích cực, ô nhiễm có giảm thiểu do chúng ta đã hạn chế ra đường, các hoạt động kinh doanh giảm bớt. Tuy nhiên, khi việc giãn cách xã hội dần xóa bỏ thì chúng ta quay lại cuộc sống dần đi vào ổn định, vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế thì vấn đề ô nhiễm môi trường lại tiếp tục đặt lại. Vậy chúng ta phải kiểm soát vấn đề này như thế nào, hành động của chúng ta như thế nào để giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế cũng như sức khỏe bản thân và cộng đồng. Để tiếp tục duy trì trạng thái giảm thiểu ô nhiễm môi trường do cú hích “Covid- 19” thì phải nói rằng, đây là bài toán vô cùng khó, nhưng chúng ta cùng nhau đoàn kết, cùng ý thức bản thân để vừa vượt qua đại dịch vừa đảm bảo các tiêu chí môi trường nhằm xây dựng, phát triển một cuộc sống ổn định, bền vừng, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước vì một Việt Nam phồn vinh, hiện đại, nghĩa tình, mạnh mẽ, ý chí quật cường.
Theo đó, một số giải pháp đề xuất để tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau cách ly xã hội dần gỡ bỏ do dịch bệnh Covid-19
  • Bố trí, thiết kế các trạm quan trắc tự động dữ liệu về chất lượng không khí, dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực qua các ứng dụng hoạt động trên website, app trên điện thoại thông minh. Phối hợp với chính quyền địa phương, các thành phố cập nhật các thông tin, số liệu chất lượng không khí AQI, PM lên bảng điện tử tại các tuyến đường chính để người dân có thể dễ dàng theo dõi, quan sát nắm rõ thông tin để tự bảo vệ mình, cùng nhau nhắc nhở mọi người như thường xuyên đeo khẩu trang chống bụi PM, chống ô nhiễm không khí AQI.
  •  Cần có những công cụ, giải pháp về công nghệ thông tin để giám sát, quan trắc chính xác, đồng bộ, khoa học các thông số về môi trường như chỉ số chất lượng không khí, nồng độ bụi trong không khí. Ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng kịch bản, dự đoán, phân tích nhu cầu về giao thông, hạ tầng đô thị để có chiến lược phù hợp trong từng giai đoạn để quy hoạch hệ thống đường sá, giao thông phù hợp với mật độ dân số, mật độ xây dựng đô thị, giảm thiểu nạn kẹt xe gây ùn tắc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm chất lượng không khí.
  • Xây dựng tiêu chuẩn khí thải cho từng lĩnh vực, ngành có liên quan để có cơ sở triển khai giám sát thực hiện.
  • Ban hành, phổ biến tờ rơi, xuất bản bản tin qua kênh thông tin website, mạng xã hội để người dân hiểu, nắm bắt các thông tin về các bộ chỉ số liên quan đến chất lượng không khí.
  • Cần có chiến lược dài hạn trong quy hoạch hệ thống mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng đô thị.
  • Có kế hoạch định kỳ kiểm tra, phát hiện các phương tiện giao thông có chỉ số xả thải cao, vượt mức cho phép gây ảnh hưởng ô nhiễm không khí.
  • Thường xuyên kiểm tra tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
  • Phối hợp công an môi trường kiểm tra việc xả thải từ các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh có xả thải để ngăn ngừa, phạt vi phạm về ô nhiễm môi trường biển, sông, ô nhiễm không khí.
  • Người dân cần tuân thủ các quy định của nhà nước về kiểm tra việc xả thải từ phương tiện giao thông đi lại của mình. Nếu phương tiện không đảm bảo, gây ô nhiễm khí khải thì phải thông báo cơ quan nhà nước để loại bỏ hoặc không được sử dụng phương tiện đó tham gia lưu thông đi lại trên đường.
  • Người dân cần tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục hạn chế ra đường khi không cần thiết là sẽ giảm bớt sử dụng phương tiện giao thông đi lại như ô tô, xe máy để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, ô nhiễm chất lượng không khí.
  •  Mỗi người dân là một chiến sỹ trong mặt trận chống dịch Covid-19 vừa là chiến sĩ trong mặt trận chống ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí.
  • Nâng cao tinh thần đoàn kết, nhắn nhở người thân, bạn bè sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo tiêu chuẩn khí khải theo khuyến cáo của cơ quan thẩm quyền về môi trường.
  • Chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội đến khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi hoàn toàn, phối hợp với cộng đồng người dân trong tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh, kiến thức về ô nhiễm môi trường.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập10
  • Hôm nay948
  • Tháng hiện tại56,095
  • Tổng lượt truy cập1,899,013
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây