Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021)

Thứ sáu - 30/04/2021 06:43
NHỮNG CHIẾN DỊCH LỚN TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 với tên gọi chính thức là Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là những cuộc tấn công quân sự cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.Chiến dịch bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 và kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngoài Trận Phước Long được coi là trận đánh trinh sát chiến lược, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 gồm ba chiến dịch lớn liên tiếp nhau:
Quân giải phóng vỗ tay vẫy chào sau khi cắm cờ trên nóc Dinh Tổng thống trưa 30/4/1975. Ảnh: Hoàng Văn Cường- Hãng thông tấn UPI. Ảnh tư liệu.
Quân giải phóng vỗ tay vẫy chào sau khi cắm cờ trên nóc Dinh Tổng thống trưa 30/4/1975. Ảnh: Hoàng Văn Cường- Hãng thông tấn UPI. Ảnh tư liệu.
* Chiến dịch Tây Nguyên
Bước vào mùa Xuân năm 1975, ta chọn Nam Tây Nguyên làm hướng đột phá chiến lược cho cuộc tổng tiến công, mở đầu là trận Buôn Ma Thuột. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của địch ở chiến trường Tây Nguyên, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Từ ngày 14 - 18/3, quân ta đánh trận then chốt thứ hai, đập tan phản kích của Quân đoàn 2 ngụy, tạo thế chia cắt địch về chiến lược, đẩy địch ở Tây Nguyên vào thế tan vỡ. Từ ngày 17 - 24/3, quân ta đánh trận then chốt thứ ba của chiến dịch, truy kích tiêu diệt tập đoàn quân địch rút chạy trên đường số 7; giải phóng tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.
Chiến dịch này khẳng định quân đội ta đã có bước trưởng thành mới về trình độ tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, về nghệ thuật đánh chiếm thành phố, đánh địch phản kích lớn bằng đổ bộ đường không và truy kích tiêu diệt tập đoàn quân địch rút chạy trên địa hình rừng núi.
chien dich tay nguyen 1
Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Chiến dịch Huế - Đà Nẵng
Sau khi mất Tây Nguyên, địch hoang mang co cụm phòng thủ chiến lược. Ở phía Bắc, chúng rút bỏ thị xã Quảng Trị để tập trung bảo vệ Huế. Nắm thời cơ chiến lược, ta nhanh chóng giải phóng Quảng Trị và quyết định mở màn chiến dịch giải phóng Huế. Từ ngày 21 - 23/3/1975, các đơn vị của ta bỏ qua các mục tiêu thứ yếu, từ ba hướng Bắc - Tây - Nam tiến xuống chia cắt, bao vây Huế, tiêu diệt một số cứ điểm phòng ngự của địch. Ngày 26/3, ta giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế.
Trên đà chiến thắng, quân ta xốc tới tiến công vào căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai của địch là Đà Nẵng. Ngày 27/3/1975, quân ta tiến công ào ạt khu liên hợp Đà Nẵng trên ba hướng Huế, Tam Kỳ, Thượng Đức. Ngày 28/3, pháo chiến dịch của ta đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Đà Nẵng khiến địch không kịp co cụm và tổ chức phòng ngự, nhanh chóng tan rã. Ngày 29/3, Binh đoàn Hương Giang của ta từ hướng Bắc, Tây Bắc, Tây Nam; Sư đoàn 2 từ hướng Nam và Đông Nam tác chiến trong hành tiến, tiến nhanh vào giải phóng Đà Nẵng, kết hợp với lực lượng địa phương giải phóng bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An, kết thúc chiến dịch trong thời gian ngắn.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng được tổ chức do sự phát triển mau lẹ của tình hình cách mạng và kết thúc thắng lợi nhanh chóng, chứng tỏ sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược, táo bạo tấn công địch, chỉ huy phối hợp chiến dịch.
* Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Giữa tháng 4/1975, ta quyết định mở chiến dịch tổng tiến công mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa. Các lực lượng của ta tham gia chiến dịch lịch sử này gồm 5 binh đoàn bộ binh, các đơn vị binh chủng tăng - thiết giáp, đặc công, công binh, thông tin, pháo binh, không quân, hải quân với đầy đủ binh khí kỹ thuật cùng với các đơn vị biệt động, bộ đội địa phương và dân quân du kích chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích, 5 cánh quân gồm các binh đoàn Quyết Thắng, Hương Giang, Cửu Long, Tây Nguyên và Đoàn 232 cùng với các đơn vị quân binh chủng đồng loạt tiến công trên 4 hướng Bắc và Đông Bắc, Đông và Đông Nam, Tây Bắc, Tây và Tây Nam; nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. Ngày 30/4, quân ta mở đợt tấn công cuối cùng vào tất cả các mục tiêu trong thành phố. Trưa 30/4, xe tăng của ta dẫn đầu lực lượng đột kích của Binh đoàn Hương Giang đánh chiếm Dinh Độc Lập. Cờ giải phóng tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. 
Đây là chiến dịch tiến công chiến lược binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta. Ta tiến công trên tất cả các hướng, tạo thành thế hợp vây ngay từ đầu, khiến địch buộc phải tác chiến hoặc đầu hàng. Đặc biệt có sự phát triển về nghệ thuật sử dụng lực lượng, vừa đánh địch vòng ngoài vừa sử dụng binh đoàn mạnh thọc vào chiều sâu phòng ngự và đầu não của địch, đánh địch nhanh chóng tan rã. Ta đã kết hợp tiến công chiến lược trên toàn chiến trường, giành thắng lợi hoàn toàn.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Chỉ trong một thời gian tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã đập tan đội quân tay sai Mỹ, đánh đổ chính quyền ngụy đã tồn tại 21 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thắng lợi này đã khép lại một giai đoạn lịch sử chia cắt đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước Việt Nam: Dân tộc được độc lập, Tổ quốc được thống nhất, hòa bình và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tác giả bài viết: Quang Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,488
  • Tháng hiện tại50,808
  • Tổng lượt truy cập1,893,726
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây