Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định với hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ vào đời sống sản xuất.
Thứ hai - 15/05/2023 10:06
Thời gian qua, Liên hiệp Hội Bình Định đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào đời sống sản xuất bằng nhiều hình thức, đạt nhiều kết quả nổi bật. Hơn 05 năm qua, hoạt động này đã chuyển dần sang nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật. Hàng năm, đều có nhiều đề tài nghiên cứu từ cấp cơ sở tới cấp nhà nước được Liên hiệp Hội Bình Định, hội thành viên và các tổ chức khoa học chủ trì hoặc phối hợp thực hiện đạt hiệu quả cao, ứng dụng thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Trong 5 năm gần đây, công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN được lan tỏa trong hệ thống Liên hiệp Hội tỉnh, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thường trực Liên hiệp Hội với các hội thành viên, với đội ngũ trí thức KH&CN trên một số lĩnh vực có hiệu quả thiết thực, nhiều giải pháp, công trình nghiên cứu sáng tạo góp phần giải quyết được những vấn đề mới phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh, cải tiến công tác quản lý điều hành góp phần tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định những chủ trương, chính sách ở địa phương. Từ 2017 đến nay, có 6 đề tài cấp tỉnh do Liên hiệp Hội Bình Định thực hiện được Hội đồng nghiệm cấp tỉnh xếp loại (5 đề tài xếp loại xuất sắc, 1 đề tài xếp loại đạt); 05 dự án do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tài trợ có tính ứng dụng tốt. Điểm tích cực, đáng ghi nhận ở đây là phạm vi, đối tượng nghiên cứu của các đề tài do Liên hiệp Hội tỉnh chủ trì đều gắn liền với thực tiễn, là các vấn đề đang được đặt ra khá cấp thiết tại địa phương, cơ sở nên sau khi nghiệm thu hoặc đang quá trình xây dựng mô hình đã có thể ứng dụng, triển khai ngay. Vì vậy, trong 5 năm qua các kết quả NCKH, đề tài, dự án do Liên hiệp Hội Bình Định chủ trì thực hiện cũng đã được nhân rộng, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả trong đời sống sản xuất.
Các đề tài, dự án tập trung vào nhóm lĩnh vực: Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, y tế...Đội ngũ chuyên gia từ các Hội thành viên, các Sở, ban ngành liên quan cũng là một nguồn nhân lực dồi dào, luôn tích cực tham gia thực hiện, đưa các kết quả nghiên cứu KHCN vào đời sống ở các lĩnh vực khác nhau. Việc thực hiện hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN vào đời sống được Liên hiệp Hội Bình Định thông qua các hình thức: Thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao hàng năm; Thực hiện nhiệm vụ Thông tin – Phố biến kiến thức do Liên hiệp Hội Việt Nam hỗ trợ hàng năm; Phối hợp với các sở ban ngành, hội đoàn thể... để triển khai các lớp tập huấn chuyển giao KHCN và thực hiện các đề tài, dự án.
Sau đây, xin điểm qua kết quả của hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN vào đời sống sản xuất giai đoạn 2017 đến nay từ thành công của một số đề tài, dự án do Liên hiệp Hội Bình Định chủ trì thực hiện:
*Đề tài “Xây dựng mô hình xử lý rác thải tập trung; rác thải sinh hoạt và chăn nuôi tại xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định” được triển khai thực hiện từ năm 2014 – 2016, xếp loại xuất sắc. Từ sau khi kết thúc đề tài đến nay, Liên hiệp Hội Bình Định đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn và phối hợp với một số cơ quan đơn vị, như: Trung tâm Khuyến nông, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, phòng Tài nguyên Môi trường các huyện… triển khai nhân rộng các mô hình của đề tài. Tính đến nay, Liên hiệp Hội đã tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về “Kỹ thuật xử lý mùi hôi chuồng trại, rác thải sinh hoạt (hữu cơ), chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh AT – BiO” cho hơn 1000 nông dân tại hầu hết các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh, góp phần phần cải thiện ô nhiễm môi trường, hỗ trợ cho các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
*Đề tài "Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cây hoa kiểng tại làng nghề Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định" (2017-2019) được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh xếp loại Xuất sắc. Kết quả đề tài: Giúp người dân có thêm lựa chọn mới trong canh tác nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng hoa cây cảnh, đa dạng làng hoa đáp ứng các yêu cầu thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người dân đã có thu nhập quanh năm nhờ vào trồng hoa kiểng. Từ sau khi kết thúc đề tài, Liên hiệp Hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức 03 lớp tập huấn về “Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đồng tiền” cho 150 hộ dân một số huyện trong tỉnh. Học viên tham gia lớp tập huấn, sẽ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc một số loại hoa ngắn ngày trồng trong chậu, mở ra một hướng đi mới cho nông dân địa phương. Từ kết quả thiết thực của đề tài, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định cho UBND huyện Tuy Phước xây dựng đề án phát triển làng hoa Bình Lâm gắn với du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương, hiện nay đề án này đã được phê duyệt và từng bước triển khai.
* 03 Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân tỉnh Bình Định” (2015-2017); “Xây dựng mô hình can thiệp dự phòng, sàng lọc và kiểm soát ung thư cổ tử cung (CTC) của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) dựa vào y tế xã tỉnh Bình Định” (2017-2019); “Nghiên cứu Xây dựng mô hình sàng lọc ung thư vú (UTV) dựa vào y tế cơ sở cho phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ tại huyện Vân Canh” (2020 – 2022). Cả 03 đề tài do Liên hiệp Hội Bình Định chủ trì phối hợp Hội Điều dưỡng tỉnh triển khai và đều được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá xuất sắc. Thành công của các đề tài đã giúp cho người dân, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh thay đổi nhận thức chủ động hơn trong việc tự thăm khám, đến cơ sở y tế khám đính kỳ nhằm sàng lọc sớm các bệnh lý, tiếp cận các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình... Từ hiệu quả của các đề tài, Liên hiệp Hội cũng tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho hơn 100 lượt chị em phụ nữ là hội viên Chi hội Nữ trí thức, nữ cán bộ công chức, viên chức các sở ban ngành trong tỉnh. Các lớp tập huấn đã được chị em phụ nữ hưởng ứng nhiệt tình và có phản hồi tích cực. Từ kết quả đề tài “Nghiên cứu Xây dựng mô hình sàng lọc ung thư vú (UTV) dựa vào y tế cơ sở cho phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ tại huyện Vân Canh”; Sở KH&CN tỉnh cũng đã xây dựng nhiệm vụ giao Liên hiệp Hội Bình Định phối hợp Hội Điều dưỡng tỉnh triển khai nhân rộng mô hình này tại các xã miền núi trên địa bàn tỉnh.
*Đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu đánh giá các bài thuốc dùng trong võ cổ truyền, từ đó đề xuất hướng bảo tồn, phát huy giá trị của võ – y Bình Định” (2017 – 2019) . Đề tài do Liên hiệp Hội Bình Định chủ trì, phối hợp với Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, Công ty Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR) thực hiện. Kết quả đề tài: Đề tài đã tiếp cận 25 võ sư người Bình Định hành nghề võ y trong và ngoài tỉnh; thu thập hơn 300 bài thuốc; lựa chọn, phân tích giá trị 80 bài thuốc tâm đắc của các võ sư, cùng các phương pháp chữa bệnh thường dùng trong võ y. Đề tài cũng đưa ra hướng bảo tồn, phát huy các bài thuốc võ y; kiến nghị đưa các bài thuốc độc đáo nhân rộng ứng dụng trong điều trị hoặc sản xuất quy mô công nghiệp; hướng dẫn cho các võ sư hành nghề võ y loại bỏ một vài bài thuốc không còn phù hợp... Có thể nói Liên hiệp Hội Bình Định là đơn vị đầu tiên triển khai hoạt động bảo tồn, phát huy rất ý nghĩa này. Từ kết quả của đề tài, BIDIPHAR đã nghiên cứu và sản xuất thành công Thuốc võ Bình Định – Tây Sơn Tam Kiệt đã được cấp phép lưu hành trên thị trường. Thuốc võ Tây Sơn Tam Kiệt không chỉ dành cho giới võ thuật mà còn phù hợp với người tiêu dùng cả nước trong những trường hợp như: đau lưng; đau mỏi vai gáy, xương khớp; tê nhức chân tay; bong gân, trật khớp…
* Dự án “Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu (Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị) nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số” (Dự án xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc) do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Bình Định chủ trì triển khai từ 2019 - 2021. Dự án triển khai tại 3 địa điểm: huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Riêng tại Bình Định dự án triển khai tại xã Bình Thuận huyện Tây Sơn, với diện tích 5 ha.
Thành công của dự án: Cả 3 mô hình sản xuất lạc của dự án đã được Trung tâm phân tích, kiểm định chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 thẩm định và cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); Đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất lạc; tạo sự liên kết giữa nông dân sản xuất với cơ sở thu mua tiêu thụ chế biến sản phẩm dầu lạc ở địa phương cũng như thu mua lạc thương phẩm cung ứng cho các thị trường lân cận; Các hộ dân tham gia mô hình canh tác đã thay đổi tập quán, nâng cao năng lực sản xuất, hạn chế thoái hóa đất, chú trọng bón phân cân đối, tiết kiệm nước tưới, hạn chế thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; tại Bình Định đã xây dựng nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Dầu phộng Thành Mười cho cơ sở sản xuất Thành Mười (Tây Sơn); UBND Xã Bình Thuận đã đăng ký sản phẩm dầu lạc Thành Mười là sản phẩm OCOP năm 2022 (2 sao) với logo đã được chứng nhận đăng ký. Đã được UBND huyện Tây Sơn đưa vào Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2015 của huyện. Sau khi kết thúc dự án, Liên hiệp Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn “Kỹ thuật sản xuất lạc VietGap gắn liên kết chuỗi và xây dựng sản phẩm OCOP cho địa phương” với hơn 200 hộ nông dân tham dự.
*Dự án:“Chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn cho cộng đồng, nhằm duy trì sản xuất lúa hiệu quả, hạn chế tình trạng hoang hóa đất trồng lúa trong điều kiện nhiễm mặn gia tăng vì nước biển xâm nhập sâu do tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ven đê Đông tỉnh Bình Định” (2014 -2017) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, Liên hiệp Hội Bình Định chủ trì thực hiện. Dự án triển khai tại 4 xã thuộc vùng đê đông của tỉnh, là vùng trũng với đủ loại hình: ngập úng, hạn hán, ngập mặn, chua, phèn...Thành công của dự án đã giúp cho người dân các xã này áp dụng có hiệu quả kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn vào sản xuất, ổn định sinh kế, cải thiện đời sống. Thực tế, áp dụng kỹ thuật mới đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, ngăn thoái hóa đất ở vùng phèn mặn, với giống lúa ĐV 108 thích nghi úng ngập, phèn mặn sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 2 -3 tạ/ha. Kết quả thực hiện của dự án cũng đã khẳng định, nếu hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực sản xuất thích ứng với Biến đổi khí hậu cho cộng đồng người dân thông qua chuyển giao các giải pháp kỹ thuật thích hợp, chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động bất lợi đến sản xuất lúa sẽ đảm bảo đảm bảo duy trì sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực, thu nhập, ổn định sinh kế và đời sống người dân ở những vùng khó khăn, đang bị tác động bất lợi do mưa lũ, triều cường, nhiễm phèn mặn ngày càng bất thường. Sau thành công của dự án, người dân các xã thuộc vùng đê đông có điều kiện khí hậu tương tự cũng đã áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn và nhân rộng mô hình để nhiều hộ dân tham gia hơn và gắn với chủ trương phát triển “cánh đồng lớn” triển khai trên địa bàn tỉnh.
* Dự án "Nâng cao năng lực xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành dự án cho các tổ chức NGOs và đối tác địa phương để phát triển, nhân rộng hiệu quả các dự án GEF” (VNM/SGP/OP7/Y2/CORE/2022/08) do GEF/SGP tài trợ hơn 1 tỉ đồng, Liên hiệp Hội Bình Định chủ trì thực hiện trong thời gian từ năm 2022-2024. ”. Mục tiêu dự án nhằm nâng cao năng lực các tổ chức NGOs các đối tác địa phương; Hình thành được hệ thống các tổ chức NGOs thực hiện dự án GEF toàn quốc. Dự án đã khởi động vào cuối năm 2022 bằng đợt hội thảo "Nâng cao năng lực quản lý và thực hiện dự án" tại tỉnh Hà Giang. Hội thảo với 50 đại biểu đến từ 11 tỉnh trong cả nước, cùng chia sẻ kinh nghiệm: quản lý và thực hiện dự án; cách lập nhiệm vụ, theo dõi, đánh giá, báo cáo tiến độ thực hiện dự án; tổ chức thực hiện nhóm chuyên gia; huy động sự tham gia và kinh phí đối ứng của địa phương... Tỉnh Bình Định tham gia 5 bài tham luận trao đổi kinh nghiệm với nội dung nâng cao năng lực viết đề xuất, quản lý và triển khai thực hiện dự án.
Liên hiệp Hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ Hội LHPN Phụ nữ An Lão thực hiện Dự án “Chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa Chè Dây cho đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng liên kết chuỗi sản xuất dược liệu hiệu quả, bền vững nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định” do Quỹ Môi trường toàn cầu GEF tài trợ. Bước đầu, dự án đạt kết quả tốt: Đã tổ chức tập huấn ToT và FFS; Xây dựng mô hình thâm canh chè dây dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn GACP – WHO; Xây dựng mô hình thâm canh chè dây tại vườn hộ dân đạt tiêu chuẩn GACP – WHO; Tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm chuyên gia cán bộ hiện trường và nông dân chủ chốt; Thực hiện phóng sự tuyên truyền, tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ khai thác hợp lý tài nguyên rừng cùng nhiều hoạt động truyền thông trong khuôn khổ dự án. Bước đầu chuyển giao kỹ thuật trồng, thu hái theo hướng bảo tồn cây dược liệu bản địa chè dây nhằm xây dựng liên kết chuỗi sản xuất trồng – tiêu thụ hiệu quả, bền vững để cải thiện sinh kế cho đồng bào người dân tộc thiểu số Bana, bảo tồn nguồn dược liệu địa phương, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Đồng thời nâng cao nhận thức của chính quyền, cán bộ cơ sở và người dân địa phương về bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn dược liệu bản địa gắn với định hướng phát triển bền vững của địa phương thông qua các hoạt động của dự án và lồng ghép với các hoạt động truyền thông của các hội đoàn thể địa phương.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Bình Định cũng tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức qua các Hội nghị, Hội thảo, lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, chuyển giao cho người dân một số kỹ thuật canh tác, sản xuất hiệu quả. Hằng năm, Liên hiệp Hội tổ chức hơn 15 lớp tập huấn và hội thảo phổ biến kiến thức cho người dân các địa phương trong tỉnh về về các kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây ăn quả, một số loại rau, hoa màu, dược liệu và hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ ngay tại nguồn...Tiêu biểu, năm 2022 tổ chức 12 lớp tập huấn, 04 hội thảo; năm 2023: 15 lớp tập huấn và 04 hội thảo. Qua các đợt hội thảo, tập huấn, các kết quả từ dự án/đề tài khoa học được chuyển giao/phổ biến tới người dân một cách rộng rãi. Thông qua hội thảo, tập huấn cũng tạo điều kiện để kết nối hội viên, kết nối đội ngũ chuyên gia với chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh. Từ đó, tăng cường và phát huy hiệu quả của ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh.
Trên đây là một số kết quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN vào đời sống sản xuất do Liên hiệp Hội Bình Định chủ trì thực hiện. Ngoài ra, Liên hiệp Hội Bình Định còn phối hợp với một số đơn vị trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động chuyển giao, ứng dụng KHCN góp phần đáng kể phát triển KT-XH địa phương. Hoạt nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN vào đời sống do Liên hiệp Hội Bình Định triển khai thực hiện ngày càng được thể hiện rõ nét, có nhiều tiến bộ, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội. Thời gian tới, Liên hiệp Hội Bình Định sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, đổi mới phương thức thực hiện có hiệu quả hơn nữa hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, nhân rộng các kết quả sáng tạo, góp phần thiết thực nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.