1. Sau nhiều năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác Lênin, tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để cứu nước, cứu dân. Năm 1925, Người thành lập tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm tập hợp, giác ngộ, bồi dưỡng những thanh niên yêu nước đưa về nước hoạt động. Tại Bình Định, từ cuối năm 1926 đã hình thành một lớp thanh niên yêu nước ưu tú hướng về Cách mạng Tháng Mười Nga, náo nức đi tìm con đường sống cho đất nước và quê hương. Tháng 02/1928, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên làng Cửu Lợi (Tam Quan Nam, Hoài Nhơn) thành lập gồm 3 hội viên do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Đây là tổ chức tiền thân đầu tiên của Đảng bộ Bình Định ngày nay.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, là mốc lịch sử quyết định tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Định. Đầu tháng 3/1930, từ cơ sở Tân Việt cách mạng Đảng, Chi bộ Nhà máy Đèn Quy Nhơn thành lập gồm 5 đảng viên do đồng chí Lê Xuân Trữ - công nhân kỹ thuật làm Bí thư. Đây là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Bình Định. Tháng 8/1930, Chi bộ Đảng Cửu Lợi được thành lập gồm 5 đảng viên do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Tháng 10/1930, Chi bộ Trường Quốc học thành lập gồm 5 đảng viên do đồng chí Lê Văn Bảo làm Bí thư. Tháng 10/1930, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn được Xứ ủy Trung kỳ chính thức công nhận, đây là đảng bộ cấp huyện đầu tiên ở Bình Định. Tháng 6/1931, hai chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phù Mỹ thành lập, đó là Chi bộ Trà Quang do đồng chí Nguyễn Năng làm Bí thư và Chi bộ Hà Ra - Phú Hựu do đồng chí Phạm Nhị làm Bí thư. Tháng 7/1937, Chi bộ Vạn Đức, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân thành lập. Tháng 10/1936, tại Đại An (xã Nhơn Mỹ), Chi bộ Hồng Lĩnh thành lập gồm 7 đảng viên do đồng chí Nguyễn Mân làm Bí thư; đến giữa năm 1937, cơ sở đảng mở ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Chi bộ Hồng Lĩnh được xem là tiền thân của Đảng bộ các huyện Tây Sơn, Phù Cát và thị xã An Nhơn.
Các địa biểu tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định
Với sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào Cách mạng trong tỉnh, đòi hỏi phải có sự thống nhất và chỉ đạo kịp thời hơn nữa của tổ chức đảng, cuối năm 1937, Xứ ủy lâm thời Trung kỳ chỉ định Tỉnh ủy lâm thời Bình Định gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn làm Bí thư. Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Trung Trung Kỳ (Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên) cũng ra đời, đặt trụ sở tại Quy Nhơn tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh công khai, nửa hợp pháp phát triển mạnh. Tháng 9/1939, Chi bộ Đề - pô Diêu Trì cũng thành lập do đồng chí Nguyễn Đình Thụ làm Bí thư, đây là chi bộ đầu tiên trong lực lượng công nhân đường sắt Bình Định. Những nhân tố mới và sự kiện lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ tỉnh và phong trào cách mạng Bình Định những năm 1930 - 1939 là bước chuẩn bị để tiến lên cao trào vận động khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
2. Sau ngày thành lập Chính quyền nhân dân (03/9/1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Bình Định bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”, Đảng bộ Bình Định lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh ra sức xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng tự do, đẩy lùi các cuộc càn quét lấn chiếm của địch, cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trải qua 20 năm chống Mỹ, cứu nước; từ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân Bình Định đã vượt qua vô vàn hy sinh, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ; góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giải phóng quê hương Bình Định vào ngày 31/3/1975.
Thực hiện Di chúc của Bác, sau ngày quê hương Bình Định toàn thắng, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo quân và dân tỉnh ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập Tổ quốc. Sau gần 40 năm cùng với cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo từ một tỉnh nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn; đến nay, Bình Định đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển; văn hoá, xã hội tiếp tục khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng nâng cao; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tặng Giấy khen cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ngành
Tổ chức Xây dựng Đảng tỉnh Bình Định năm 2023
3. Trải qua 94 năm hình thành và phát triển của Đảng bộ Bình Định, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Cấp ủy và các tổ chức đảng các cấp trong tỉnh luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng làm tốt công tác phát triển Đảng; đã kết nạp hàng triệu quần chúng ưu tú trong các tầng lớp dân cư vào Đảng, góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức đảng các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; triển khai xây dựng mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Năm 1930, Đảng bộ Bình Định chỉ có 40 đảng viên và 100 hội viên nông hội, đến nay Đảng bộ tỉnh đã phát triển thành 17 đảng bộ trực thuộc (8 đảng bộ huyện, 2 đảng bộ thị xã, 1 đảng bộ thành phố, 2 đảng bộ khối, 3 đảng bộ lực lượng vũ trang, 1 đảng bộ cơ sở được giao một số quyền cấp trên cơ sở); 830 tổ chức cơ sở đảng (308 đảng bộ cơ sở, 522 chi bộ cơ sở); 11 đảng bộ bộ phận và 3.201 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 75.121 đồng chí đảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo chức danh được quan tâm thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trọng tâm là tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng gắn với các phong trào thi đua yêu nước và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Từ những giá trị thực tiễn phong phú, sinh động của Cách mạng Việt Nam trong 94 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Lịch sử Đảng bộ Bình Định trong nhiều năm qua là lịch sử đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Nhìn lại 94 năm dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào về những thành tựu vĩ đại đã đạt được của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; chúng ta càng tự hào về "pho lịch sử bằng vàng" mà các thế hệ đã nối tiếp nhau xây đắp với sức mạnh vĩ đại đoàn kết dân tộc, quân với dân một ý chí trong chiến đấu và năng động, sáng tạo vì khát vọng đất nước, tỉnh nhà phát triển giàu mạnh.