Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt

Thứ ba - 23/07/2024 05:14
Ông là Ngọn lửa ấm áp, rực đỏ, là Ngôi sao sáng chói, sáng mãi, không bao giờ tắt! Cuộc đời và sự nghiệp của ông trọn vẹn như câu nói: “Ta có thể tự hào rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân” trong tác phẩm kinh điển của nhà văn Nga Ostrovsky “Thép đã tôi thế đấy”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vừa kiên định, vừa sáng tạo, rất xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vừa kiên định, vừa sáng tạo, rất xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Khi được biết thông tin rất đau buồn từ Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương về việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến đã từ trần, tôi ngồi lặng đi, buồn thương, tiếc nuối, kính trọng, xót xa. Hình ảnh và tình cảm của đồng chí Tổng Bí thư yêu kính; của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội nhân hậu, quyết đoán ngày chưa xa; của đồng chí đảng viên Nguyễn Phú Trọng giản dị, chân tình, gần gũi; của anh Trọng - một đồng môn lớp trước rất đáng ngưỡng mộ và thân thương của chúng tôi, những cựu sinh viên ở khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội một thời gian khó (nay là Đại học quốc gia Hà Nội) cứ hiện lên, tươi rói đến buốt nhói, buồn đau đến tái tê.
Và, tự nhiên, mấy câu thơ trong bài thơ "Nhớ" của nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác, lại gợi đến hình ảnh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đến rất nhanh trong tâm tưởng: "Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây…/…Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người".
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vừa kiên định, vừa sáng tạo, rất xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Trong số các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người có chủ đích rõ ràng khi chọn các ngành học mà đồng chí cho là cần thiết cho công việc. Trong bài "Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng", đồng chí viết: "Chuẩn bị kết thúc năm học lớp 10 (tức lớp 12 ngày nay), nhà trường yêu cầu ghi nguyện vọng sau này làm gì và xin thi vào trường đại học nào. Tôi đã không ngần ngại ghi nguyện vọng được nghiên cứu văn học dân gian hoặc làm phóng viên báo chí và nộp đơn xin thi vào khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội"[1]… "Tôi đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, rồi Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu…, những hồn thơ thấm đẫm chất dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà năm học cuối khóa tôi đã chọn đề tài "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình…" … "Với sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của Giáo sư Đinh Gia Khánh, tôi đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với điểm số tối ưu tuyệt đối duy nhất của khóa đó"[2].
Bước đi tiếp theo, không phải là sự lựa chọn, mà do tổ chức phân công, đồng chí về công tác ở Tạp chí Cộng sản, làm cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, mấy năm sau được chọn làm nghiên cứu sinh tại khoa Kinh tế-Chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) rồi được cử sang Liên Xô làm Thực tập sinh và bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô.
Đồng chí trải qua các cương vị Phó trưởng ban, Trưởng ban, rồi Ủy viên Ban Biên tập, được Ban Bí thư và tiếp đó là Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập (1990 - 1991), Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1991 - 1996). Từ tháng 1/1994 đến nay, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Từ tháng 12/1997 đến nay, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giao lần lượt phụ trách các công tác: Tư tưởng-Văn hóa và Khoa giáo của Đảng; Thường trực Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.
Từ tháng 5/2002 đến nay là Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV, trong đó, từ tháng 6/2006 đến tháng 7/2011 là Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII. Từ tháng 1/2011 đến nay đồng chí được giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng các khóa XI, XII, XIII; Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, nhiệm kỳ 2016-2021 (từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2021). Đồng chí được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ngày 18/7/2024, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của đất nước ta.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vừa kiên định, vừa sáng tạo, rất xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí thường nhắc các cộng sự của mình ghi nhớ lời dạy của V.I. Lê nin: "Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Chỉ đảng nào có được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì đảng đó mới làm tròn được vai trò là người chiến sĩ tiên phong". Đồng chí nhấn mạnh, phải chủ động nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phải gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; với xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế phát triển đất nước dựa chủ yếu vào nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy cao độ nhân tố con người. Con người là chủ thể tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, không rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Cho đến những ngày gần đây, khi sức khỏe giảm sút rõ rệt, thể lực yếu dần nhưng trí tuệ, tâm huyết, hoài bão của đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn vẹn nguyên, vẫn rực sáng. Đồng chí trao đổi, căn dặn các đồng chí lãnh đạo cấp cao: Để phục vụ và góp phần đạt được mục tiêu phát triển đất nước qua ba dấu mốc quan trọng 2025, 2030, 2045 thì mục tiêu phát triển lý luận của Việt Nam là gì?
Cho đến những ngày gần đây, khi sức khỏe giảm sút rõ rệt, thể lực yếu dần nhưng trí tuệ, tâm huyết, hoài bão của đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn vẹn nguyên, vẫn rực sáng.
Phải chăng, đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện một cách cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới của chúng ta; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nữa nền tảng tư tưởng của Đảng.
Và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Cần xác định và thống nhất mục tiêu phát triển lý luận như vậy để quyết tâm phấn đấu, lao động, sáng tạo. Chú ý nghiên cứu những vấn đề mới về lý luận của thế giới; các vấn đề mới do thực tiễn đặt ra; kinh nghiệm của các nước tiên tiến; của cuộc cách mạng về khoa học công nghệ,... Từng bước bổ sung, hoàn thiện lý luận, xây dựng một hệ thống lý luận của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: Xây dựng và bảo vệ đất nước, mở cửa hội nhập, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của các nước, có vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
 
tong bi thu nguyen phu trong 20240720003443 17215211430651597205502
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Nhà Quốc hội, ngày 24/11/2021.
Tầm cao văn hóa trong cả lý luận và thực tiễn, thể hiện giản dị mà sâu sắc trong mỗi suy nghĩ, việc làm
Tiếp nối thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021) và các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước năm 2021, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng có bài viết quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Sau khi đánh giá tổng quát về tình hình thế giới và trong nước, đề cập đến vấn đề văn hóa và con người, đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi".
Khi nói đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mĩ ngày càng cao. Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh. Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội".
Trên đây là những tư tưởng, lý luận gắn với thực tiễn sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, trong đó văn hóa được khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; con người giữ vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển.
tbt1
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến thăm cô Đặng Thị Phúc năm 2005
Còn trong thực tiễn, trong đời sống hằng ngày của bản thân và gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đồng chí cũng luôn nêu tấm gương học hỏi, rèn luyện, thực hành, đi trước, làm trước và luôn làm đúng. Cô giáo cao niên Đặng Thị Phúc vẫn nhớ mãi cậu học trò lớp 4 Nguyễn Phú Trọng năm nào: "Em ấy chỉ mặc mỗi bộ quần áo nâu, đi chân đất, không kể đông hay hè, vì nhà em nghèo khó".
Cô giáo Phúc kể tiếp: "Sau khi xa trường, xa thầy cô, em Nguyễn Phú Trọng vẫn sắp xếp thời gian về thăm trường cấp 2, cấp 3 Nguyễn Gia Thiều và các thầy cô, có người còn đứng lớp, có người đã nghỉ hưu. Nhớ một lần gần đây, dù đã giữ cương vị rất cao, em vẫn tìm về thăm gia đình tôi. Hôm đó, tôi đang chuẩn bị bữa cơm chiều ở một nhà thuê tạm nhỏ bé, do nhà tôi đang xây dựng, đường vào cũng quanh co lắm, vậy mà em ấy vẫn lặn lội tìm được".
tbt5
Bức thư tay của học trò Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ trước thềm xuân Kỷ Hợi 2019
Trước thềm xuân Kỷ Hợi 2019, học trò Nguyễn Phú Trọng gửi mấy dòng thư và món quà nhỏ tới cô giáo Phúc và gia đình "Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc ! Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019, em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình. Kính chúc Thầy Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới !". Tôi thực sự xúc động và tự hào về người học trò của mình, nên đã viết bài thơ "Người trò nhỏ năm xưa" để tặng em, để nhớ về những kỷ niệm quá đẹp, quá thân thương.
Sinh thời, ông Dương Đức Quảng (Giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí, Văn phòng Chính phủ) kể với chúng tôi là đồng môn khóa sau những câu chuyện giản dị và xúc động về người bạn Nguyễn Phú Trọng của lớp Ngữ Văn khóa 8, trường Đại học Tổng hợp thập niên sáu mươi thế kỷ trước: "Khi học cùng chúng tôi, anh Nguyễn Phú Trọng học chăm và giỏi, luận văn tốt nghiệp đạt xuất sắc, được kết nạp Đảng ngay trong trường và được các thầy cô muốn giữ lại làm cán bộ giảng dạy nhưng Tạp chí Học tập, tức Tạp chí Cộng sản bây giờ, chiêu mộ anh".
Ông Quảng kể thêm: "Khi đã giữ cương vị công tác rất cao, anh Trọng vẫn tham dự gần như đều đặn các cuộc gặp mặt cựu sinh viên Ngữ Văn khóa 8 với các thầy cô từng dạy dỗ. Có lần, anh nói chân thành: "Khi đã đến đây, xin được để mọi chức tước ở bên ngoài căn phòng này".
Một bạn đồng môn cùng lớp đại học khác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà báo Phan Văn Kính, quê Yên Thành, Nghệ An, hiện sống ở Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa kể cho tác giả bài viết này câu chuyện về người bạn thân thiết, quý mến của mình: "Khi đang học năm thứ ba đại học ở nơi sơ tán Đại Từ, Thái Nguyên, tôi đã xung phong vào mặt trận phía Nam làm phóng viên chiến trường. Khi biết tin, anh Nguyễn Phú Trọng rất xúc động, bùi ngùi. Mấy hôm đó, mấy anh em cùng lớp đi đâu cũng có nhau. Anh Trọng bảo: "anh Kính đi thì lớp vừa buồn vì phải chia xa, vừa tự hào vì có anh và vài ba bạn nữa được ra chiến trường, được viết những trang báo, trang văn nóng hổi tính thời sự".
Ngày ông Kính lên đường, người bạn học Nguyễn Phú Trọng đã đi bộ cùng ông hai cây số từ chỗ ký túc xá sơ tán lên tận bến xe để vào đơn vị huấn luyện. Khi chia tay bạn, Nguyễn Phú Trọng rơm rớm nước mắt, ôm chặt ông như chẳng muốn rời.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên là Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí "Diễn đàn văn nghệ Việt Nam" là bạn cùng lớp Ngữ Văn đại học nhớ lại: "Chúng tôi quý nhau, kính nhau không phải vì chức tước, học hàm, học vị mà bằng tấm lòng thủy chung như nhất. Lớp chúng tôi giữ nhịp họp lớp vài ba năm một lần. Anh Nguyễn Phú Trọng thường đến dự bằng xe máy lúc còn trẻ, sau này thì nhờ bảo vệ chở bằng xe máy. Mấy năm gần đây, sức khỏe anh giảm sút và cũng theo quy định bảo vệ, anh đến bằng xe ô tô, nhưng để xe ở ngoài xa, đi bộ vào. Anh thưa với các thầy, các cô: "Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn, các anh các chị. Mong chúng ta luôn giữ được tình cảm thầy trò, bè bạn như những ngày xa xưa, thời còn nhiều gian khổ, thiếu thốn".
Nhiều bạn bè của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng có chung nhận xét: Anh Nguyễn Phú Trọng cùng vợ và các con đều sống cuộc sống giản dị, chan hòa, chân thành với mọi người. Anh chị làm lễ cưới cho con gái, con trai khi anh đã ở cương vị lãnh đạo cấp cao, gia đình và họ hàng đôi bên bàn bạc chỉ làm hẹp, làm giản dị, tiết kiệm, tiệc trà, hoa quả, bánh ngọt, không cỗ bàn linh đình. Chỉ sau đám cưới của các con, anh chị mới gửi thiếp báo hỷ tới một số ít bạn bè, đồng chí, họ tộc.
Đầu năm 2018, khi đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói những lời gan ruột: "Suốt 50 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà có làm được một số việc và từng bước trưởng thành. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi làm được là vô cùng nhỏ bé so với sự giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đi trước; sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những nơi tôi từng sinh sống, học tập, công tác".
Tổng Bí thư luôn ghi nhớ, luôn nhắc nhở mọi người lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham nhũng là hành vi "ăn cắp của công làm của tư"; tham ô, tham nhũng là "giặc nội xâm", tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực.
 
tbt2
Tổng Bí thư luôn ghi nhớ, luôn nhắc nhở mọi người lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham nhũng là hành vi "ăn cắp của công làm của tư"; tham ô, tham nhũng là "giặc nội xâm", tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực
 

Tổng Bí thư luôn ghi nhớ, luôn nhắc nhở mọi người lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham nhũng là hành vi "ăn cắp của công làm của tư"; tham ô, tham nhũng là "giặc nội xâm", tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực
Lò lửa rực cháy thiêu sâu mọt tham nhũng
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 26/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế".
Tổng Bí thư luôn ghi nhớ, luôn nhắc nhở mọi người lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham nhũng là hành vi "ăn cắp của công làm của tư"; tham ô, tham nhũng là "giặc nội xâm", tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực[3].
Trong tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tham nhũng tiền bạc, tài sản thì có thể thu hồi được, nhưng "nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả"[4]. Vì lẽ đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tập trung đánh vào gốc rễ của nó, đó là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đây là cuộc chiến đấu quan trọng, to lớn, lâu dài, phải làm sao để trở thành xu thế không thể đảo ngược. Đảng cầm quyền, Nhà nước thực thi quyền lực luôn đứng trước nguy cơ lạm quyền, tha hóa, thoái hóa, biến chất, rất dễ mắc phải "khuyết tật bẩm sinh" đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư khẳng định: Đây là cuộc chiến đấu quan trọng, to lớn, lâu dài, phải làm sao để trở thành xu thế không thể đảo ngược. Đảng cầm quyền, Nhà nước thực thi quyền lực luôn đứng trước nguy cơ lạm quyền, tha hóa, thoái hóa, biến chất, rất dễ mắc phải "khuyết tật bẩm sinh" đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề hết sức quan trọng, cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, được nhiều chính khách và học giả quốc tế ghi nhận.
Còn nhớ một sự việc chưa xa, ngày 29/11/2017, khi tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình Thành phố Hà Nội để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành nói: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được triển khai bài bản, nghiêm túc, đạt được một số kết quả quan trọng nhưng còn nhiều việc phải làm. Chúng ta không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông… Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn làm sai, làm ẩu… Chúng ta phải đi từng bước vững chắc.
Tổng Bí thư thường nói với các đồng chí bên cạnh mình: Sinh thời, Bác Hồ rất nghiêm minh, kiên quyết khi xem xét và xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, sống xa hoa, lãng phí trong khi đất nước đang dấu tranh gian khổ, đồng bào và chiến sĩ đang chịu bao tổn thất, hy sinh. Việc xử lý nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, rất cao như vừa qua là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, nhưng không thể khác, phải làm kiên quyết, kiên trì vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật Nhà nước, đáp ứng lòng mong mỏi, niềm tin của nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự tồn vong của chế độ. Tổng Bí thư nhắc lại câu ca dân gian: "Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên cấp dưới chúng tôi hỗn hào".
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, "khi đọc bản kê khai tài sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy ông rất liêm khiết, trong sạch. Mức lương của ông không cao, tiền tiết kiệm và tài sản không có gì đáng kể. Ngoài căn nhà công vụ theo quy định của Đảng và Nhà nước, ông có hơn 300 m2 đất ở quê nhà do ông bà tổ tiên để lại".
Lúc sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: "Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là người cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là "công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân" như Hồ Chủ tịch từng khẳng định".
 
tbt3 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến công tác cơ sở. Ảnh: TTXVN

Ngọn lửa ấy, ngôi sao ấy sáng mãi, cháy mãi
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tâm đắc với những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu - nhà thơ mà ông đã chọn cho đề tài luận văn tốt nghiệp đại học của mình hơn 60 năm trước, khi Tố Hữu viết về Bác Hồ lúc Bác đi xa "Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn". Tổng Bí thư đã nói: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì sự nghiệp chung, đó mới là người cộng sản chân chính!".
Ông cũng hay nhắc nhớ về một câu lời bình của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong phim "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" – giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9, năm 1990: "Trên ngực áo này không một tấm huân chương. Và dưới làn áo mỏng này có một trái tim", sâu sắc lắm, thấm thía lắm !".
Thời còn là sinh viên lớp Ngữ Văn khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và những năm tháng làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ở Liên Xô, đồng chí Nguyễn Phú Trọng ghi nhớ mãi câu nói của nhân vật chính Pavel Korchagin trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nga Ostrovsky: "Ta có thể tự hào rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất xứng đáng là Người Cộng sản Chân chính, Người học trò rất xuất sắc, gương mẫu, trung thành, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo xuất sắc, gương mẫu lớp trước của Đảng ta, Nhân dân ta. Chúng tôi - những cán bộ, đảng viên, quần chúng, tất cả những người Việt Nam ở trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế xin vĩnh biệt Ông, tự hào về Ông, biết ơn Ông, học tập Ông !
Ông là Ngọn lửa ấm áp, đỏ rực, là Ngôi sao sáng chói, sáng mãi, không bao giờ tắt!
                                                                                                                                     PGS,TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ[5]

[1] Sách "Thời gian và nhân chứng" (Hồi ký của các nhà báo, Hà Minh Đức chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr 488.

[2] Sách đã dẫn 1, tr 448,449

[3] Sách "Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 15

[4] Sách đã dẫn2 (SDD2), tr. 16,

[5] Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên TGĐ Đài TNVN. Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.


 

Tác giả bài viết: https://baochinhphu.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập26
  • Hôm nay1,355
  • Tháng hiện tại87,254
  • Tổng lượt truy cập2,149,799
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây