Hình ảnh con trâu trong đời sống văn hóa Việt

Thứ sáu - 19/02/2021 08:25
Từ ngàn năm qua, con trâu là con vật rất gần gũi và thân thuộc, được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần người Việt. Bước vào thềm năm mới Tân Sửu 2021, xin lạm bàn đôi chút về hình ảnh con trâu trong dân gian trên một số lĩnh vực trong hoạt động tư duy của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung
Hình ảnh con trâu gắn bó với làng quê Việt Nam bao đời nay
Hình ảnh con trâu gắn bó với làng quê Việt Nam bao đời nay
Khi nói đến lịch pháp, Trung Quốc là nước đầu tiên biết làm ra lịch pháp trên cơ sở kết hợp thuyết âm dương, ngũ hành, thiên can, địa chi. Trong 12 địa chi (thập nhị chi), trâu mang pháp danh là Sửu, đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác là Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn. Mười hai con vật được đứng trong sách lịch pháp trên đây là đại diện cho các loài.
Về tính chất âm dương, 12 con vật được chia xếp thành hai cực âm và dương đứng đan xen nhau, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm. Trong khi kết hợp với thiên can, bao giờ những con vật mang tính chất âm cũng được kết hợp với yếu tố âm và những con vật mang tính chất dương cũng được kết hợp với yếu tố dương của thiên can. Những yếu tố âm của thiên can (còn gọi là thập can) là Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý. Những yếu tố còn lại (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm) là thuộc dương. Như vậy, Sửu trong địa chi (thập nhị chi) chỉ được kết hợp với: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý. Do đó, chỉ có những năm Sửu là: Ất Sửu, Đinh Sửu, Kỷ Sửu, Tân Sửu và Quý Sửu chứ không thể có những năm Sửu khác.
Người phương Đông đã tìm thấy và đặt tên cho bốn chòm sao, gồm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc, ứng với hành thủy, thuộc về mùa Đông. Theo quan niệm của người phương Đông thì sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng, rực rỡ. Nó thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt.
Từ những quan niệm về vị trí của con trâu trong lĩnh vực thiên văn, lịch pháp, dân gian còn tìm hiểu về người tuổi Sửu (con trâu) trong thuật xem tử vi. Đại thể, theo quan niệm dân gian thì người tuổi Sửu thường có những đặc điểm chung là: cần cù, chịu khó, ít ba hoa khoác lác, nhưng cởi mở, có tài hùng biện và có đức tin. Tuy bề ngoài có vẻ điềm tĩnh nhưng thực ra đôi khi cũng nổi nóng và cộc tính. Người tuổi Sửu ít quảng giao nhưng công việc thì giải quyết nhanh gọn. Thuở thiếu thời và tuổi trung niên có nhiều bĩ cực nhưng cuối đời sẽ gặp thời vận hanh thông, cuộc sống thanh thản.
Trong quan niệm tôn giáo, đối với đạo Phật, con trâu cũng là một trong những linh thú. Nhiều đình chùa ở nước ta đã chạm khắc và tạc tượng trâu. Ngành khảo cổ học đã tìm thấy ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng, sau đó là tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh), to bằng con nghé, có chiều dài 102 cm ở thế nằm và cao 88 cm, có thể được tạc từ thời Bắc thuộc. Đến thời nhà Lý, đạo Phật trở thành quốc giáo thì ở chùa Phật tích (Bắc Ninh), được xây dựng năm 1057, có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa, hình rất thực và sống động. Thời Lê Trung Hưng, trong trào lưu phát triển mạnh nghệ thuật làng xã với các đình chùa, miếu mạo thì con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh dựng năm 1647, tại lan can đá ở thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (Nam Định) dựng năm 1695 cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ.
Thời kỳ cuối thế kỷ 17, nhiều đình làng dựng lên vào thời gian này như đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) có cảnh con trâu kéo cày, đình Liên Hiệp (Hà Tây) lại chạm cảnh chọi trâu rất căng thẳng. Đến như tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu nghiêm trang là thế, nhưng cũng trang trí hình trâu trên diềm của tấm bia chạm năm 1653, đối diện với cảnh cầu hiền là cảnh cày tịch điền. Đây rõ ràng là biểu hiện của xã hội trọng nông mà con trâu là con vật số 1.
Con trâu còn được thể hiện trên các dòng tranh Tết, đặc biệt là dòng tranh Đông Hồ. Nó xuất hiện trên các tranh: Cờ lau tập trận, công việc nhà nông, nghỉ ngơi sau buổi cày... Phổ biến nhất là cặp tranh xuất hiện trước năm 1945 và đã quá quen thuộc đối với gia đình nông dân, nhưng ngày nay lại quá quen thuộc đối với người Việt Nam, đó là cặp tranh “Em bé chăn trâu thả diều” và “Em bé chăn trâu thổi sáo”.
muc dong 93342
Tranh Đông Hồ “Em bé chăn trâu thổi sáo”
Ở nhiều địa phương miền Bắc và miền Trung nước ta có tục ăn tết Trâu và lễ tiến Xuân Ngưu (dâng trâu mùa xuân) lấy tháng Chạp là tháng Sửu. Con trâu thuộc hành thổ (đất). Theo thuyết ngũ hành tương khắc thì đất ngăn được nước (thổ khắc thủy), chống được cái rét nên cần làm con trâu đất để tống khí lạnh đi, cầu cho được mùa, cây cối xanh tốt.
Tết Trâu được tổ chức sau Tết Nguyên đán. Người ta tắm trâu sạch sẽ, quét dọn chuồng tươm tất, chọn nhiều cỏ ngon và rơm tốt để thưởng trâu ngày Tết. Sau khi cúng “thần chuồng”, trâu được ăn cỗ, được nếm bánh chưng, bánh gai, xôi chè... Chọn ngày tốt dắt trâu đi dạo vài vòng để trâu “thưởng xuân”, đồng thời ướm vai cày cho trâu để lấy may mắn.
Trong lễ tế giao (tam sanh) gồm trâu - dê - lợn, con trâu đứng hàng đầu và phải chọn kỹ lưỡng, thuộc trâu non mới mọc sừng. Gắn với lễ hội là hàng loạt sinh hoạt văn hóa khác, hào hứng nhất là tục chọi trâu. Tục này rất độc đáo ở Việt Nam và chỉ phổ biến ở vùng đất tổ Phú Thọ và Đồ Sơn (Hải Phòng).
Con trâu còn xuất hiện trong kho tàng văn học dân gian với biết bao câu ca dao, đồng dao, tục ngữ, câu đố, nhiều truyện cổ tích và huyền thoại...Những câu ca dao thân thuộc: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”, “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”… được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng chứa nhiều ý nghĩa, đúc rút kinh nghiệm sống: “Con trâu là đầu cơ nghiệp; Ruộng sâu, trâu nái”...; “Mua trâu xem vó/ Lấy vợ xem nòi”...
Với nhà nông, con trâu là “đầu cơ nghiệp”, là người bạn thủy chung, gắn bó với con người từ hàng ngàn năm qua. Từ khi được thuần hóa, nhắc đến con trâu, người ta thường liên tưởng hình ảnh một con vật to khỏe, siêng năng, cần mẫn kéo cày trên cánh đồng giúp người nông dân gieo trồng bớt nhọc nhằn. Hình ảnh con trâu cũng giống như cây tre gắn bó với con đường làng, mảnh vườn, góc sân của mỗi gia đình, mỗi làng quê Việt Nam, góp phần thể hiện một nét văn hóa Việt.
 
 

Tác giả bài viết: KT(tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập24
  • Hôm nay1,219
  • Tháng hiện tại49,539
  • Tổng lượt truy cập1,892,457
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây