1. Đặc điểm nông sinh học chính của giống lúa BĐR57
Thời gian sinh trưởng: Vụ Đông Xuân từ 105 - 110 ngày, vụ Hè Thu từ 85 - 90 ngày.
Chiều cao cây từ 90 - 95 cm; Chiều dài bông từ 20 - 22 cm, trỗ thoát tốt, khả năng đẻ nhánh trung bình, cứng cây; Dạng hạt thon dài, độ đóng hạt trung bình. Khối lượng 1000 hạt 24 - 25gam;
Năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha. Thâm canh tốt có thể đạt >80 tạ/ha;
Gạo trắng, cơm mềm, vị đậm. Hàm lượng Amylose 19 - 20%;
Khả năng chịu lạnh, chịu nóng và chịu hạn tốt.
Nhiễm vừa với bệnh đạo ôn (điểm 5); nhiễm vừa bệnh bạc lá (điểm 5) và nhiễm vừa rầy nâu (điểm 5).
2. Khuyến cáo áp dụng cho vùng/địa phương
Giống lúa BĐR57 khảo nghiệm VCU tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ đạt năng suất từ 63,9 -71,7 tạ/ha; tăng tương ứng từ 8,0 - 13,3% so với giống đối chứng HT1. Tại vùng Tây Nguyên đạt năng suất từ 64,2 - 82,3 tạ/ha; tăng từ 8,5 - 11,9% so với giống HT1. Tại các địa điểm khảo nghiệm đại diện cho 2 vùng, giống đã thể hiện sự thích nghi với điều kiện canh tác ở địa phương, năng suất đạt ở mức cao và ổn định trong 3 vụ khảo nghiệm nên có thể đưa vào cơ cấu sản xuất 2 vụ lúa/năm ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
3. Tóm tắt quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa BĐR57
- Kỹ thuật làm đất
Tiến hành làm đất lần 2 trước khi gieo sạ từ 2 - 3 ngày, sau đó tiến hành bừa kỹ san phẳng mặt ruộng, phân thành băng rộng 1,8 – 2,0m và tạo rãnh thoát nước để thuận lợi tưới - tiêu nước và đi lại chăm sóc. Gieo sạ trong vụ Hè Thu nên tranh thủ cày ải, phơi đất trước gieo sạ từ 10 - 15 ngày.
- Lượng giống gieo sạ: Từ 100 - 120 kg/ha (sạ lan), từ 70 - 80 kg/ha (sạ hàng, sạ cụm).
- Lượng phân bón (tính cho 1 ha): Từ 300kg vôi bột + 8 - 10 tấn phân chuồng + 100 kg N + 80 kg P2O5 + 80 K2O.
* Bón lót: Toàn bộ lượng vôi trước khi cày lần 2; Phân chuồng sau khi rút cạn nước để bừa và phân lân trước khi trang bằng mặt ruộng để gieo sạ.
* Bón thúc:
+ Lần 1: Sau sạ từ 10-12 ngày (ĐX) và 7-8 ngày (HT) với lượng 30% urê
+ Lần 2: Sau sạ 23-25 ngày (ĐX) và 20-22 ngày (HT) với lượng 40% urê + 50% kali clorua
+ Lần 3: Bón 30% đạm urê + 50% kaliclorua còn lại khi lúa có đòng từ 0,5-1cm.
- Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh:
Để hạn chế cỏ dại cần làm kỹ đất, phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm vào thời gian sau sạ từ 1 - 2 ngày hoặc thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm khi cây cỏ từ 2 - 3 lá.
Giống lúa BĐR57 nhiễm nhẹ bệnh thối thân, thối gốc nên trong vụ hè thu cần theo dõi chặt đồng ruộng từ thời kỳ làm đòng đến chắc xanh. Nếu phát hiện có triệu chứng bệnh cần tháo cạn nước trong ruộng và kết hợp rải vôi bột từ 20 - 25kg vôi/1.000 m2. Trường hợp ruộng lúa bị bệnh nặng, có thể kết hợp phun vôi hoặc các loại thuốc đặc trị khác.
Các loại sâu bệnh thường gặp khác như: Bọ trĩ, rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, sâu phao, bọ xít, bệnh khô vằn, ...các đối tượng trên cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, chỉ sử dụng thuốc hóa học để phun khi mật độ sâu cao, bệnh hại nặng có thể làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.
- Tưới nước
Đất sau khi gieo sạ cần phải giữ đủ ẩm. Sau khi sạ khoảng 5 - 6 ngày cho nước vào ruộng, giữ mức nước khoảng 3 - 5 cm đến khi lúa được 32 - 35 ngày.
Khi lúa vào giai đoạn đẻ nhánh cần giữ mức nước ở khoảng 3 - 4 cm.
Khi lúa kết thúc đẻ nhánh rút cạn nước và phơi ruộng khoảng 6 - 7 ngày.
Khi lúa vào làm đòng cho nước vào ruộng và giữ nước ở mức 5 - 7cm.
Khi lúa chín được 1/2 bông cần phải rút cạn nước trong ruộng để thuận lợi cho việc thu hoạch.
- Thu hoạch
Khi số hạt/bông chín vàng trên 85% toàn ruộng thì tiến hành thu hoạch. Vì đến độ chín này sẽ đảm bảo được năng suất và chất lượng hạt giống.