CÔNG TRÌNH "GIẢI PHÁP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SẢN XUẤT LẠC (Arachis hypogaea L.) BỀN VỮNG VÀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở BÌNH ĐỊNH"

Thứ tư - 10/05/2023 15:06
Công trình Giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất lạc (Arachis hypogaea L.) bền vững và biến đổi khí hậu ở Bình Định đoạt giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2022
CÔNG TRÌNH "GIẢI PHÁP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SẢN XUẤT LẠC (Arachis hypogaea L.) BỀN VỮNG VÀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở BÌNH ĐỊNH"
I. GIỚI THIỆU
- Đơn vị đồng chủ trì:
1. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ
2. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định
- Đồng chủ nhiệm công trình:
1- TS. Hồ Huy Cường
2- BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Bình
- Cộng sự: ThS. Phạm Vũ Bảo, TS. Đỗ Thành Nhân, ThS. Trương Thị Thuận.
- Địa chỉ áp dụng: Khu vực sản xuất lạc tại tỉnh Bình Định và Cơ sở ép dầu Thành Mười (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
II. NỘI DUNG
1. Giới thiệu và tóm tắt nội dung công trình
Chọn tạo được giống lạc có khả năng chịu mặn, năng suất cao, kháng bệnh héo xanh và thích hợp với điều kiện sinh thái vùng ven biển tại Bình Định sẽ tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng cực đoan. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình quản lý dinh dưỡng và nước tưới có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển sản xuất lạc trên đất cát nói riêng và trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung. Ngoài ra, việc xây dựng mô hình sản xuất lạc theo hướng VietGAP kết hợp tổ chức mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất lạc bền vững.
Giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất lạc bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bình Định bao gồm: giống lạc LDH.09 có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh, phù hợp phân khúc lạc ăn tươi, điều kiện sinh thái ven biển, đất chuyên màu và đất lúa chuyển đổi, trong cùng điều kiện canh tác cho năng suất cao hơn 16,5% và hiệu quả kinh tế tăng 16 triệu đồng/ha/vụ so với giống lạc L14; áp dụng quy trình quản lý dinh dưỡng và nước tưới tổng hợp cho cây lạc trên đất cát cho năng suất lạc tăng 12,56%, lãi ròng tăng 72,85%, tỷ suất lãi tăng 121,4%, giảm số lần và lượng nước tưới, giảm lượng nước và dinh dưỡng thất thoát khỏi tầng hoạt động của bộ rễ lạc; áp dụng mô hình sản xuất lạc theo hướng VietGAP kết hợp xây dựng chuỗi liên kết nông dân và doanh nghiệp đã cho năng suất lạc đạt 46,0 - 47,3 tạ/ha, lợi nhuận đạt 55,73 - 60,38 triệu đồng/ha/vụ, giá bán lạc thương phẩm cao hơn 2.000 đồng/kg, dầu ép từ sản phẩm lạc đạt chuẩn VietGAP có giá trị cao hơn 10.000 - 15.000 đồng/lít.
2. Tính mới của công trình
- Giống lạc LDH.09 là giống mới, được tạo ra theo phương pháp chọn lọc phả hệ từ tổ hợp lai đơn ICG20 x 9205-H1. Giống lạc LDH.09 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống mới và cho sản xuất thử theo Quyết định số 358/QĐ-TT-CLT ngày 06/10/20/2017 trên phạm vi cả nước; Cục Trồng trọt chấp nhận tự công bố lưu hành giống LDH.09 theo Thông báo số 364/TB-TT-CTT ngày 16/4/2021.
- Quy trình quản lý dinh dưỡng và nước tưới tổng hợp cho cây lạc trên đất cát đã dùng Minipan (chảo đo bốc thoát hơi nước) để xác định thời điểm và lượng nước tưới cho cây lạc thay cho việc người dân xác định bằng cảm tính; sử dụng phương pháp tưới bằng béc phun mưa cố định thay cho tưới bằng vòi hoặc ống lủng để giảm chi phí về công lao động, năng lượng (nhiên liệu tưới nước), lượng nước thất thoát trong quá trình tưới nước; bổ sung 30 kg S/ha so với giải pháp cũ ở địa phương.
- Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lạc thương phẩm để phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ lạc giữa doanh nghiệp Thành Mười - Nông dân vùng dự án tại xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định được chứng nhận VietGAP theo TCVN 11892-1:2017 số: No.:2020-0007/VietGAP cho 05 ha tại xã Bình Thuận. Cơ sở sản xuất Thành Mười đã xây dựng nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Dầu đậu phộng Thành Mười.
3. Khả năng ứng dụng
- Giống lạc LDH.09 đã được tự công bố lưu hành, năng suất và hiệu quả kinh tế đạt cao hơn so với giống lạc L14. Mặt khác, giống lạc LDH.09 rất phù hợp với phân khúc sản xuất lạc ăn tươi nên có khả năng mở rộng diện tích trên chân đất cát biển, đất chuyên màu và đất lúa chuyển đổi.
            - Quy trình quản lý dinh dưỡng và nước tưới tổng hợp cho cây lạc trên đất cát được Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định công nhận tại công số 1053/SNN-TrTrBVTV ngày 29/3/2017. Do đó, quy trình có tính khả thi cao để áp dụng cho vùng sản xuất lạc tại huyện Phù Cát và Phù Mỹ, đặc biệt trên phần diện tích đất cát khoảng 3,8 nghìn ha. Ngoài ra, các địa phương khác thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ có điều kiện sinh thái tương tự có thể áp dụng.
- Mô hình sản xuất lạc VietGAP kết hợp chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lạc thương phẩm để phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ lạc giữa doanh nghiệp Thành Mười - Nông dân tại xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định được chứng nhận VietGAP theo TCVN 11892-1:2017 số: No.:2020-0007/VietGAP cho 05 ha tại xã Bình Thuận. Đồng thời, cơ sở sản xuất Thanh Mười đã xây dựng nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Dầu đậu phộng Thành Mười. Do vậy, việc mở rộng diện tích mô hình sản xuất lạc VietGAP để đáp ứng đủ nguyên liệu đảm bảo chất lượng phục vụ cơ sở sản xuất Thành Mười là hoàn toàn khả thi và mang lại hiệu quả cao cho người dân. Đồng thời, với nhãn hiệu Dầu phộng Thành Mười đã được đăng ký bảo bộ thì việc phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường để nâng cao lợi thế cạnh tranh và doanh thu cho Doanh nghiệp là hướng đi bền vững.
4. Hiệu quả kỹ thuật - kinh tế - xã hội
4.1. Hiệu quả kỹ thuật
- Giống lạc LDH.09 có năng suất bình quân trên 35 tạ/ha (cao hơn giống lạc L14 là 16,5%), là giống chịu mặn, khối lượng quả lớn, hạt lớn (160,2 - 168,7 gam/100 quả và 66,4 - 68,5 gam/100 hạt) nên đáp ứng đúng tiêu chuẩn phân khúc thị trường lạc ăn tươi.
- Khi áp dụng quy trình Quản lý dinh dưỡng và nước tưới tổng hợp cho cây lạc trên đất cát tỉnh Bình Định sẽ cho: số lần tưới nước/vụ giảm 6 - 8 lần (tương đương 940 - 1.700 m3 nước/ha/vụ); lượng nước tưới thất thoát giảm 700,6 m3/ha/vụ; lượng dinh dưỡng bị rửa trôi qua tầng hoạt động của bộ rễ cây lạc giảm 2,82 - 2,97 kg N/ha/vụ, 16,24 - 16,48 kg K2O/ha/vụ và 8,34 - 8,57 kg S/ha/vụ; hiệu suất sử dụng nước tưới tăng 79,7% (đạt 1,47 kg lạc quả/m3 nước tưới); năng suất lạc tăng 12,56%, lãi ròng tăng 72,85% (23,43 triệu đồng/ha/vụ) và tỷ suất lãi tăng 121,4%.
- Mô hình sản xuất lạc VietGAP kết hợp xây dựng chuỗi liên kết nông dân và doanh nghiệp đã cho năng suất lạc đạt 46,0 - 47,3 tạ/ha và cao hơn so với ngoài mô hình 4,0 tạ/ha.
4.2. Hiệu quả kinh tế
- Sử dụng giống lạc LDH.09 trong canh tác sẽ cho lợi nhuận thuần tăng 16 triệu đồng/ha/vụ, tỷ suất lãi cao hơn 0,28 và giá thành sản phẩm giảm 1.175 đồng/kg so với giống lạc L14. Ngoài ra, sản xuất giống lạc LDH.09 trên đất lúa chuyển đổi cũng cho lợi nhuần thuần tăng 46,8 triệu đồng/ha/vụ (gấp 5,4 lần so với trồng lúa).
- Trong bối cảnh sản xuất lạc tại tỉnh Bình Định, khoảng 60% diện tích trồng lạc tại huyện Phù Cát và Phù Mỹ áp dụng quy trình thì tổng diện tích áp dụng quy trình Quản lý dinh dưỡng và nước tưới tổng hợp cho cây lạc trên đất cát sẽ là 3,8 nghìn ha. Khi đó, lượng nước tưới sẽ giảm 3,57 - 6,46 triệu m3; lượng dinh dưỡng rửa trôi xuống tầng nước ngầm giảm 10,7 - 11,3 tấn N (tương đương 23,26 - 24,56 tấn phân urê), 61,6 - 62,6 tấn P2O5 (385,0 - 391,25 tấn phân lân super), 31,7 - 32,6 tấn K2O (52,8 - 54,33 tấn phân kali clorua); sản lượng lạc tăng 1,5 nghìn tấn, tiền lãi tăng 89,0 tỷ đồng; và đặc biệt chi phí tiền điện sẽ giảm 1,9 tỷ đồng, công lao động giảm tương đương với 51,1 tỷ đồng.
- Mô hình sản xuất lạc VietGAP kết hợp xây dựng chuỗi liên kết nông dân và doanh nghiệp đã cho lợi nhuận đạt 55,73 - 60,38 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn ngoài mô hình 9,94 - 17,2 triệu đồng, giá bán lạc thương phẩm cao hơn 2.000 đồng/kg, dầu ép từ sản phẩm lạc đạt chuẩn VietGAP có giá trị cao hơn 10.000 - 15.000 đồng/lít.
4.3. Hiệu quả xã hội
- Việc ứng dụng giống lạc mới LDH.09 cùng với quy trình canh tác tổng hợp vào thực tiễn sản xuất lạc ở tỉnh Bình Định, đặc biệt là trên đất lúa kém hiệu quả ở vùng đất nhiễm mặn đã nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng đất, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
- Thông qua các hoạt động triển khai nhân rộng mô hình Quản lý dinh dưỡng và nước tưới tổng hợp cho cây lạc trên đất cát đã giúp các hộ dân tiếp cận và áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tưới nước tiến tiến vào thực tế sản xuất của nông hộ để từng bước làm giàu ngay trên diện tích đất của nông hộ, góp phần vào công tác an sinh xã hội tại chỗ cho địa phương và đặc biệt là các địa phương khu vực ven biển.
- Việc xây dựng chuỗi liên kết nông dân - doanh nghiệp hiệu quả đôi bên cùng có lợi đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về phương thức việc sản xuất nông sản theo liên kết đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của DN/HTX, hướng đến hình thành vùng sản xuất tập trung. Thông qua việc chuyển giao kỹ thuật thâm canh lạc theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu theo chuỗi liên kết cho cộng đồng vùng dự án, trong đó chú trọng phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập44
  • Hôm nay2,979
  • Tháng hiện tại96,680
  • Tổng lượt truy cập2,018,022
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây