Tượng đài Chiến thắng Núi Bà – Biểu tượng hào hùng của Bình Định

Thứ hai - 31/03/2025 05:41
Núi Bà nằm ở phía Đông Nam huyện Phù Cát, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km về phía Bắc, với độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Đây là dãy núi cao và lớn nhất trong vùng đồng bằng Bình Định ở khu Đông. Quần thể núi Bà gồm khoảng 66 đỉnh cao thấp khác nhau, với những khối đá khổng lồ mang nhiều hình thù độc đáo, cùng hệ thống rừng rậm, suối chảy và các sườn núi uốn lượn, gấp khúc. Địa hình hiểm trở của nơi đây không chỉ tạo nên cảnh quan kỳ vĩ mà còn trở thành vùng căn cứ cách mạng bí mật, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử đấu tranh của tỉnh Bình Định.
Tượng đài Chiến thắng Núi Bà, tọa lạc tại thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát
Tượng đài Chiến thắng Núi Bà, tọa lạc tại thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát
Trong kháng chiến chống Mỹ, núi Bà giữ một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nhất là đối với địa bàn khu Đông Bình Định. Nơi đây từng là căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, Thị ủy Quy Nhơn và Huyện ủy các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo kháng chiến, tổ chức nhiều lớp đào tạo, huấn luyện lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở cách mạng. Với địa thế hiểm trở, núi Bà trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, không chỉ có ý nghĩa chiến lược đối với khu Đông mà còn đối với toàn tỉnh Bình Định.
Vị trí của núi Bà thuận lợi cho cả giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện cho việc vận chuyển lực lượng, lương thực và vũ khí. Về mặt quân sự, núi Bà vừa là một vị trí phòng ngự chiến lược vững chắc, vừa là bàn đạp tiến công khi thời cơ đến. Chính vì vậy, ngay từ sớm, nơi đây đã được chọn làm căn cứ địa cách mạng của khu Đông tỉnh Bình Định. Từ căn cứ này, quân và dân ta đã tổ chức nhiều cuộc tiến công, nổi dậy quan trọng như chiến dịch "Đồng khởi khu Đông" năm 1964, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, và đặc biệt là cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định.
Có thể nói, căn cứ địa cách mạng núi Bà như một người mẹ hiền, che chở và nuôi giấu lực lượng cách mạng suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ. Nơi đây ghi dấu tinh thần chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bình Định, gắn liền với những địa danh lịch sử như khu 10, Trạm xá Khu Đông, đồi Búp Sen, Vĩnh Hội, Hố Nhảy, hang Độn... Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chiến trường khu Đông Bình Định phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn, trở thành nỗi ám ảnh đối với bao thế hệ người dân sinh sống quanh chân núi Bà và các vùng phụ cận.
Đến mùa xuân năm 1975, núi Bà một lần nữa chứng kiến những giờ phút lịch sử hào hùng. Tại khu vực Sơn Rái, toàn bộ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định, thị xã Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn đã làm lễ tuyên thệ xuất quân, sẵn sàng cho trận đánh quyết định. Với khí thế sục sôi ấy, quân và dân Bình Định đã tiến công thần tốc, giải phóng thị xã Quy Nhơn vào ngày 31/3/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh. Chiến thắng này đã góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chính vì vậy, khu căn cứ Núi Bà là nơi khắc ghi những năm tháng gian khổ, tinh thần chiến đấu kiên cường và những chiến công hào hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Bình Định trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Với ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, ngày 25/01/1994, Khu căn cứ Núi Bà được xếp hạng là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp Quốc gia, như một sự ghi nhận xứng đáng về một địa danh vẻ vang trong kháng chiến chống Mỹ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Định. Khu căn cứ Núi Bà gồm tổng cộng 22 điểm di tích, tạo thành một quần thể gắn liền với sự nghiệp cách mạng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh nhà. Thắng cảnh Núi Bà không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn được tô thắm bằng máu xương của biết bao người con trung hiếu, trở thành biểu tượng của niềm tự hào và kiêu hãnh của nhân dân Bình Định.
Nhằm ghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc tại căn cứ Núi Bà, đồng thời tôn vinh chiến công vẻ vang của quân và dân Bình Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2010, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Định đã quyết định xây dựng công trình Tượng đài Chiến thắng Núi Bà. Công trình được đặt tại vị trí trung tâm Khu di tích cách mạng Núi Bà, dưới chân núi, mặt hướng về phía Đông Nam, thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Đến năm 2011, tượng đài chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Tượng đài Chiến thắng Núi Bà được thiết kế gồm hai phần chính. Phần bệ tượng có hình khối chữ nhật, cao 6,0m, kết cấu bằng bê tông cốt thép toàn khối, bên ngoài ốp đá granite tự nhiên dày 4cm. Trên bệ tượng, dòng chữ “Chiến thắng Núi Bà” gồm 18 chữ bằng đồng, mỗi chữ cao 70cm, được đặt trang trọng. Phần tượng đài (mỹ thuật) là nhóm tượng gồm 5 chiến sĩ giải phóng quân với hình ảnh người lính cầm chắc tay súng, thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Tượng có chiều cao 7,0m, kết hợp với phần phụ trợ (chóp mũi vút lên) cao 5,0m, được chế tác bằng bê tông cốt thép và phủ kim loại đồng, tạo nên vẻ uy nghi, hùng dũng của công trình mang ý nghĩa lịch sử và cách mạng sâu sắc.
Phía sau tượng đài là đền thờ liệt sĩ, nơi tưởng niệm những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Khu vực xung quanh được lát đá granite tự nhiên, tạo nên không gian rộng rãi, thuận tiện cho việc tổ chức các nghi lễ tưởng niệm. Hệ thống bậc cấp dẫn lên tượng đài được thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, góp phần làm tăng thêm vẻ trang nghiêm và tôn kính của công trình.
Từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng, Tượng đài Chiến thắng Núi Bà đã trở thành một công trình có ý nghĩa to lớn, không chỉ là nơi tri ân những người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Dù chiến tranh đã lùi xa, quê hương Bình Định ngày nay đang không ngừng đổi mới và phát triển, nhưng căn cứ Núi Bà vẫn mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tượng đài Chiến thắng Núi Bà đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mảnh đất Bình Định kiên trung.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Viết Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,227
  • Tháng hiện tại8,010
  • Tổng lượt truy cập2,533,104
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây