Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, đánh giá cao công tác chuẩn bị và đăng cai tổ chức Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV của Hội Nữ trí thức thành phố Huế. Bà cho rằng chương trình hội nghị được xây dựng phong phú, đa dạng và bám sát chủ đề "Đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe vì sự phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên".
GS.TS Lê Thị Hợp nhấn mạnh, hội nghị lần này tiếp tục là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học nữ chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp sáng kiến và đề xuất những giải pháp thiết thực, nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Tài, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế, nhấn mạnh rằng đội ngũ trí thức đã và đang trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh quốc gia trong chiến lược phát triển và hội nhập. Đồng thời khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ trí thức nói riêng và phụ nữ nói chung trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khẳng định rằng Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV là sự tiếp nối các hội thảo trước đó, nhưng diễn ra trong một bối cảnh mới, khi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Bà nhấn mạnh, các nội dung được chia sẻ tại Hội nghị sẽ là nguồn tư liệu quý giá, phục vụ cho nghiên cứu và xây dựng các giải pháp thực tiễn. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật ở những lĩnh vực thiết yếu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Thay mặt Hội Nữ trí thức Việt Nam, PGS.TS Trương Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội, trân trọng tiếp thu và ghi nhận những ý kiến chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bà cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành trước sự quan tâm, đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đối với Hội Nữ trí thức và Hội nghị lần này. PGS.TS Trương Thị Hiền cho biết, chủ đề của Hội nghị “Đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe vì sự phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên” không chỉ phản ánh sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy khoa học – công nghệ, mà còn làm nổi bật vai trò đặc trưng của đội ngũ nữ trí thức trong việc tham gia hoạch định và triển khai các chính sách, giải pháp đột phá ở những lĩnh vực cấp thiết như bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương còn nhiều thách thức.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV, đã có 46 báo cáo được trình bày, tập trung vào hai chuyên đề chính: “Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên” và “Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu: Thực trạng và giải pháp”. Các báo cáo phản ánh đa dạng lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm cải thiện sức khỏe phụ nữ, trẻ em và bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Trong đó, Chi hội Nữ trí thức tỉnh Bình Định tham gia với ba báo cáo chuyên đề, tập trung vào các vấn đề được Chính phủ và xã hội quan tâm hiện nay. Nổi bật là báo cáo của TTND, Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định, cùng cộng sự, với đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống, chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc chè dây (Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn) Planch) theo tiêu chuẩn GACP-WHO; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định”. Đây là một chương trình mục tiêu nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết trong nghiên cứu, nuôi trồng và chế biến dược liệu. Quá trình sản xuất được thực hiện theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO). Nhờ tuân thủ quy trình này, sản phẩm trong chuỗi có đầu ra ổn định và bền vững, từng bước khắc phục những hạn chế vốn tồn tại lâu nay của ngành nông nghiệp truyền thống.
Bên cạnh đó, hai chuyên đề khác của Chi hội Nữ trí thức Bình Định cũng thu hút sự quan tâm: “Tác động của El Nino đến khí hậu và sản xuất ở Bình Định” và “Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với bảo vệ môi trường tại vùng Duyên hải miền Trung”. Các báo cáo này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện sớm tác động của hiện tượng El Nino nhằm chủ động các biện pháp thích ứng, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Đồng thời, việc thu hút nguồn vốn FDI đi đôi với bảo vệ môi trường được đánh giá là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế bền vững cho khu vực.

DS. CKI Võ Thị Thu Hiền (Bidiphar) báo cáo chuyên đề
Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV quy tụ gần 200 đại biểu đến từ các Hội Nữ trí thức trên cả nước, là dịp để các nhà khoa học nữ chia sẻ kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Thông qua các chuyên đề tập trung vào chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bảo vệ môi trường và ứng dụng khoa học công nghệ, hội nghị đã làm nổi bật vai trò tiên phong của nữ trí thức trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội hiện nay. Đồng thời, sự kiện cũng khẳng định đóng góp thiết thực của đội ngũ nữ trí thức vào quá trình chuyển đổi số và phát triển khoa học – công nghệ của đất nước.
Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm