KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG AN LÃO (7/12/1964 - 7/12/2024): VANG MÃI BÀI CA CHIẾN THẮNG !

Thứ sáu - 06/12/2024 14:38
Chiến thắng An Lão ngày 07/12/1964 không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn là minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường của quân và dân ta. Sau 60 năm, những bài học lịch sử hiện vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn sức mạnh cho công cuộc xây dựng và phát triển Bình Định hôm nay.
Một góc Chi khu quân sự An Lão, năm 1964
Một góc Chi khu quân sự An Lão, năm 1964
1. Từ những năm 1960 - 1963, cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Khu uỷ khu V, Tỉnh uỷ Bình Định và của Huyện uỷ An Lão, phong trào đấu tranh chính trị, chiến tranh du kích của quân và dân An Lão ngày càng phát triển mạnh mẽ, chống lại kế hoạch dồn dân, lập ấp, bắt lính của địch. Đầu năm 1960, nhân dân các xã An Bửu, An Bình (nay là An Dũng), An Phú (nay là An Vinh) tập hợp trên 1.500 người đấu tranh suốt 3 ngày với địch không chịu dồn dân, chống bắt lính…Quân và dân 3 xã: An Dân (nay là xã An Trung), An Lạc, An Ninh (nay là xã An Hưng) tham gia chống càn làm một tiểu đoàn địch thiệt hại nặng; kế hoạch “Chiến tranh Đặc biệt” và “Chiến dịch Bình Định nông thôn” của Mỹ- Ngụy lâm vào thất bại, chỉ trong 2 năm 1961-1962, bộ máy ngụy quyền quận An Lão phải 3 lần thay đổi quận trưởng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Trung ương, Khu ủy khu 5, đầu tháng 2.1964, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu V quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng An Lão. Khoảng 1 giờ 5 phút ngày 7/12/1964, Tiểu đoàn đặc công 409 phối hợp các lực lượng nổ súng tấn công cứ điểm Núi Một, mở đầu chiến dịch An Lão. Với hai mũi giáp công, sau 15 phút, toàn bộ quân địch ở đây bị tiêu diệt và bị bắt; sau đó, quân ta đồng loạt tấn công và các cứ điểm khác. Bị đánh bất ngờ, chỉ sau khoảng 1 giờ, lực lượng địch ở ba chốt điểm, 8 “ấp chiến lược” đều bị đánh sập. Quân ta nhanh chóng vây quận lỵ An Lão, truy bắt tề điệp, bố trí lực lượng sẵn sàng đánh quân tiếp viện bằng máy bay liên tục ném bom xuống cứ điểm Núi Một, đồng thời dùng trực thăng định đổ quân chiếm lại cứ điểm này, tuy nhiên bị lực lượng của ta đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải rút quân, âm mưu cứu viện bằng đường không của địch không thực hiện được. Chỉ trong 02 ngày (7 - 8.12.1964), Chiến dịch giải phóng huyện An Lão thắng lợi. Tiếp những ngày sau, địch mở thêm một số đợt càn quét, nhưng đều bị quân ta chặn đánh, tiêu diệt. Bị bao vây, quân địch ở quận lỵ An Lão rơi vào tuyệt vọng. Ngày 23/12/1964, toàn bộ lực lượng địch ở An Lão rút chạy xuống Mỹ Thành (Ân Tín, Hoài Ân), huyện An Lão được hoàn toàn giải phóng. Kết thúc chiến dịch, đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 700 tên địch, làm tan rã 12 trung đội dân vệ, 1 trung đội biệt kích, 1 trung đội pháo cối, truy bắt 125 tề điệp, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy và phá hỏng 5 xe M113; làm chủ Chi khu An Lão, giải phóng hơn 11 nghìn dân.
2. Là huyện được giải phóng đầu tiên trên địa bàn Quân khu 5, An Lão đã trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh và Quân khu. Qua hơn 10 kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân và dân An Lão đã đương đầu với biết bao trận càn ác liệt, rải thảm bom đạn, chất độc, xúc tác, gom dân của Mỹ-ngụy hòng biến An Lão trở thành “vùng trắng”. Vượt qua mọi gian khổ, đồng bào các dân tộc thiếu số của huyện miền núi An Lão đã anh dũng, kiên cường “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết tâm bám đất, giữ làng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù; lập nên những kỳ tích anh hùng, xứng đáng là hậu phương vững chắc của chiến trường Quân khu 5; góp phần giải phóng tỉnh Bình Định và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào 30.4.1975. Với những thành tích đạt được qua 2 cuộc kháng chiến, năm 1988, Đảng bộ và Nhân dân huyện An Lão vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, với truyền thống cách mạng kiên cường, với ý chí và quyết tâm không chịu khuất phục trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Lão đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương. Từ một địa bàn ác liệt trong chiến tranh 60 năm trước, đến nay diện mạo của huyện miền núi An Lão đã có những đổi thay tích cực, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt; thực hiện tốt các chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội; giáo dục, đào tạo, y tế được quan tâm với nhiều kết quả; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện ngày càng được củng cố, kiện toàn; vị thế của huyện miền núi An Lão ngày càng được khẳng định.
3. Chiến thắng An Lão là chiến thắng đầu tiên của miền Trung Trung bộ, là thời điểm mở đầu cho việc đánh bại các kế hoạch và chiến lược chiến tranh của địch; đặc biệt là chiến lược phòng ngự cứ điểm, kết hợp với hệ thống ấp chiến lược, “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam (1962 -1964). Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5 xuất hiện phương pháp tác chiến mới: Đó là sự kết hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích; kết hợp giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận với đấu tranh vũ trang. Chiến thắng An Lão với quy mô cấp trung đoàn đã đánh dấu bước trưởng thành mới của bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương. Lần đầu tiên ở Liên khu 5, bằng tiến công và nổi dậy, ta giải phóng một huyện, tiêu diệt một chi khu quận lỵ, phá vỡ một khu vực phòng thủ của địch ở tuyến giáp ranh phía Bắc tỉnh. Chiến thắng An Lão khẳng định đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh Bình Định và cả vùng rộng lớn Liên khu 5 được giải phóng sớm nhất trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiến thắng An Lão là chiến thắng của tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa 3 dân tộc anh em Kinh, H’re và Bana. Chiến thắng An Lão đã gắn liền với sự ra đời và truyền thống vẻ vang của nhiền đơn vị chủ lực của quân đội ta, đặc biệt là Trung đoàn 2 An Lão anh hùng. Nó đã đánh dấu bước ngoặt trưởng thành trong cuộc đấu tranh của quân và dân huyện An Lão, đã vượt qua bao gian khổ, khó khăn, hy sinh tổn thất để tô điểm, làm chói ngời thêm trang sử vẻ vang, hào hùng của của quê hương Bình Định. 60 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm vẫn vẹn nguyên giá trị, đó là bài học về đánh giá, dự báo đúng tình hình; về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; về vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường.
Chiến thắng An Lão là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là tấm gương sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng, về tinh thần tiến công liên tục, ý chí sắt đá, lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ quân khu V và các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định, huyện An Lão; khẳng định sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết quân dân, tạo ra niềm tin, là tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Lão nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, viết tiếp trang sử hào hùng và quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển, xây dựng Bình Định phát triển nhanh, bền vững.
anh 2 cac cuu chien binh nam xua ben tuong dai chien thang an lao 4
Các cựu chiến binh năm xưa bên Tượng đài Chiến thắng An Lão

Tác giả bài viết: Nguyễn Huỳnh Huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập93
  • Hôm nay2,125
  • Tháng hiện tại88,024
  • Tổng lượt truy cập2,150,569
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây