Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Đại danh y thế giới

Thứ sáu - 20/12/2024 16:08
Năm 2024, nước ta vô cùng tự hào kỷ niệm trọng thể 300 năm ngày sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh y lỗi lạc trong lịch sử y học dân tộc, ông để lại kho tàng y học vô giá, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của y học nước nhà dù trải qua bao thế kỷ vẫn vẹn nguyên giá trị đích thực và tính ứng dụng sâu sắc.
Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác
Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác

Sáng ngời y đức cứu dân

Sinh ra trong một cự tộc nổi tiếng, có nhiều người đỗ đạt về khoa bảng và làm quan to trong triều đình, Lê Hữu Trác sớm được theo cha (Tiến sĩ - Ngự sử Lê Hữu Mưu) học tập ở kinh kỳ và đã đậu Tam trường. Trải qua 15 năm binh nghiệp lận đận, thân thể bị bệnh đi chữa trị suốt vài năm tốn kém rồi 30 tuổi ông quyết định chọn y học để cứu mình và cứu người: "Sá chi vinh nhục việc đời/ Đem thân đạo nghĩa vào nơi lâm tuyền". Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng và dành thời gian nghiên cứu Đông y: "Tôi bỏ Nho học thuốc trên 20 năm. Nằm gai nếm mật, đóng cửa đọc sách, bắt đầu bằng bộ Hoàng Đế Nội Kinh. Ngày đêm nghiên cứu, mắt xem miệng đọc, đi thì mang theo, gối thì suy nghĩ, tự hỏi tự trả lời. Sách thuốc của đời xưa, không bộ nào là không xem đến. Sách thuốc càng ra nhiều, người đọc như mông mênh qua bể tìm bến". Và "Đọc sách xưa biết được ý nghĩa đã là khó, biết được ý ngoài lời càng khó hơn. Học một suy ra đến muôn, khó mà lường được".

Theo ông, nhân cách của người thầy thuốc chân chính phải có đủ 8 đức tính: Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (quan tâm đến người khác - sáng suốt, đức độ - rộng lượng - thành thật - khiêm tốn - chăm chỉ) và cũng chỉ ra 8 tội cần tránh của lương y: Lười - Keo - Tham - Dối - Dốt - Ác - Hẹp hòi - Thất đức.

Ông từng đi bộ hơn ba mươi dặm để chữa bệnh cho một bệnh nhân ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Có lần trong đêm khuya sương gió lạnh lùng, ông đã vượt qua núi Thiên Nhẫn để cấp cứu cho một bệnh nhân ở Nam Đàn, Nghệ An. Khi chữa một ca bệnh đậu mùa rất nặng cho một em bé con nhà thuyền chài nghèo khổ bên bờ một con sông heo hút, ông không lấy tiền thuốc, tiền công mà còn cứu trợ gia đình bệnh nhân gạo, củi, dầu đèn…

"Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công".

"Chữa bệnh phải toàn diện. Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hay những người mồ côi góa bụa hiếm hoi lại càng nên chăm sóc đặc biệt, vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn những người nghèo khó thì không đủ tiền đón thầy giỏi, vậy nên ta để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời… Những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại tùy sức mình mà chu cấp cho họ nữa, vì có thuốc mà không có ăn thì vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ sống toàn diện, thì mới đúng là nhân thuật".

Ông khám bệnh rất kỹ, sau khi chẩn đoán toàn diện có kết luận chính xác rồi mới kê đơn. Khi kê đơn, ông ghi rõ chi tiết và chỉ dẫn cách chế thuốc, sắc thuốc, cách uống, liều lượng rất tỉ mỉ.

Xuất phát từ thực tế để tìm căn nguyên của bệnh, ông cho rằng, thời tiết khác, phong thổ khác, thời đại khác, thể trạng khác thì cách chữa bệnh cũng khác: "Nói đến vận khí thì phải tùy cơ ứng biến, tức là trước phải theo khí hậu từng năm, nếu năm ấy mưa nhiều thì bệnh phần nhiều do thấp, phải dùng loại thuốc cay, đắng, ấm" (Vận khí bí điển).

Về đạo đức của người thầy thuốc, ông cho rằng: "Đã là thầy thuốc thì nên nghĩ đến việc giúp người, không nên vắng nhà lâu để tìm vui thú riêng như đi chơi ngắm cảnh, mang rượu lên núi uống chơi, vì nhỡ có bệnh cấp cứu, người ta tìm thấy không gặp kịp, hại đến tính mạng con người".

"Phàm học thuốc phải luôn luôn trau dồi nghiệp vụ: Khi có chút thời giờ nhàn rỗi, nên luôn nghiên cứu sách thuốc xưa nay, luôn luôn phát huy biến hóa thâu nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt, thì tự nhiên ứng được vào việc làm mà không phạm sai lầm".

"Nếu cùng một lúc có nhiều người mời đi thăm bệnh, thì phải căn cứ vào bệnh cấp đi trước, bệnh không cấp đi sau chứ không nên vì người bệnh giàu hay nghèo mà đến trước đến sau, như lúc có thuốc cũng căn cứ vào tật bệnh chứ không nên căn cứ vào tiền ít mà cho thuốc tốt xấu".

Giữ gìn phẩm cách trong sáng của người thầy thuốc ở mọi nơi mọi lúc là điều rất nên làm: "Khi thăm người bệnh phụ nữ hoặc ni cô, gái góa phải có người khác bên cạnh... để ngăn ngừa sự ngờ vực. Dù đến hạng người buôn son, bán phấn cũng phải giữ cho lòng người ngay thẳng, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt, chớt nhả mà mang tiếng bất chính và chuốc lấy tà dâm".

Ngày 12 tháng Giêng năm 1781, Chúa Trịnh Sâm mời ông ra kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, trọng tài ông muốn giữ lại và ban cho tước vị, bổng lộc nhưng hơn năm sau ông vẫn khước từ, xin về rừng núi Hương Sơn để "cứu dân đen con đỏ".

Cả cuộc đời Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sống thanh bạch, không hám lợi danh, tiền bạc, tất cả vì sinh mệnh nhân loại.

Để lại những di sản y học quý báu cho nhân loại

Vượt lên những thử thách đương thời một khi đã chọn nghề thuốc làm lẽ sống của đời mình, ông dồn hết tâm huyết, trí tuệ cho y học. Chúng ta thấy được ở ông tinh thần không giấu dốt, dám mạnh dạn trình bày những trường hợp bệnh không khỏi, người bệnh đã chết, để người sau rút kinh nghiệm, đó là một tấm gương hiếm có về y học: "Tôi không tự thẹn với trình độ thấp kém trong việc cứu người cho nên ngoài những "Dương án" lại chép thêm một tập kể lại những lời khó nói ra được, gọi là "Âm án". Mong những bậc trí thức có chí làm thuốc sau này, khi thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo: Chỉ chữa được bệnh mà không chữa được mệnh. Thì đó mới là cái may cho đạo y".

Qua kinh nghiệm trị bệnh, ghi chép chu đáo hồ sơ bệnh nhân, Lê Hữu Trác đã đúc rút những phương thức trị bệnh riêng và làm tài liệu hướng dẫn các môn sinh sao cho việc ứng dụng tri - hành phải hợp nhất, y lý phải giản đơn - rõ ràng, dược liệu phải chính xác và công hiệu.

Vừa chữa bệnh, ông còn mở trường đào tạo thầy thuốc, người quanh vùng và các nơi đều tìm đến học. Ông còn tổ chức ra Hội y nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên hệ, trao đổi học hỏi nhau: "Nếu không mở một lối đi thì lấy gì mà làm thềm cho người đời sau". Ông còn dày công biên soạn sách: "Tôi thấy y lý bao la, sách vở chồng chất, chia môn xếp loại tản mạn vô cùng. Những sách do những bậc hiền triết tiền bối luận về bệnh, về ý nghĩa của đơn thuốc, về tính vị bài thuốc có nhiều chỗ chưa nói đến nơi, đến chốn, tất phải thâu tóm hàng trăm cuốn, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc".

Bộ "Y tông tâm lĩnh" (gồm 28 tập, 66 quyển) bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh… Thế giới đã đánh giá cao là "Bách khoa thư" y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại, có giá trị sâu sắc, bền vững về nhiều mặt. Nó thực sự là cột mốc đánh dấu bước tiến mới, mở đường cho sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam.

Hiện bộ "Y tông tâm lĩnh" của ông đã được giới thiệu, tìm hiểu và nghiên cứu ở khá nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ... Tầm ảnh hưởng sâu rộng mang tầm vóc quốc tế của đại danh y Lê Hữu Trác truyền cảm hứng cho nhân loại.

Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam. Di sản của ông để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ ngành Y tế Việt Nam kế thừa, sử dụng, nhằm góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cuộc đời của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người đã dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời noi theo./.
Nguồn: http://danvan.vn/

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập69
  • Hôm nay2,053
  • Tháng hiện tại87,952
  • Tổng lượt truy cập2,150,497
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây