Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2022)

Thứ hai - 28/03/2022 14:23
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ra trong gia đình nho học tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; là một trong những đảng viên cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, người học trò mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, ông có nhiều công lao to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần củng cố, phát triển Đảng qua các thời kỳ cách mạng.
Bác Hồ và đồng chí Lê Văn Lương (người đội mũ, thứ 2 phải sang) trong buổi họp Thường vụ Trung ương Đảng ngày 25/7/1950. Ảnh: TTXVN
Bác Hồ và đồng chí Lê Văn Lương (người đội mũ, thứ 2 phải sang) trong buổi họp Thường vụ Trung ương Đảng ngày 25/7/1950. Ảnh: TTXVN
Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng
1. Tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, dân tộc, 15 tuổi, khi đang học trường Bưởi, ông sớm giác ngộ cách mạng và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, 19 tuổi, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, kết án tử hình. Sau đó, do sức ép phong trào đấu tranh yêu nước và tiến bộ trên thế giới, ông được giảm án xuống chung thân, tháng 1/1934, ông bị đày đi Côn Đảo; tại đây, ông cùng các đồng chí của mình biến nhà tù thành trường học và rèn luyện khí tiết của người cộng sản, ông cùng chi ủy nhà tù lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh cải thiện đời sống, tự học tập lý luận, tổng kết nhiều kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù. Bằng cách dành trọn sức lực, trí tuệ biên soạn tài liệu, tuyên truyền, giáo dục các bạn tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, qua đó cùng đảng bộ nhà tù đào tạo được nhiều cán bộ, đảng viên có trình độ lý luận, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong đấu tranh gian khổ và đã trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám lịch sử và những thắng lợi vĩ đại của Đảng và dân tộc ta.
2. Với phẩm chất đạo đức và tài năng của mình, ông được Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách: Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ năm 1945, Bí thư Văn Phòng Thường vụ Trung ương Đảng năm 1947; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 1948 - 1954 và từ năm 1973 – 1976; Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương từ năm 1949 – 1956; Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 1957 - 1959, Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 1976 - 1986. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, khóa IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong gần 70 năm liên tục phấn đấu, hy sinh cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, hoạt động của ông in dấu trên mọi miền đất nước. Qua nhiều thời kỳ với nhiều cương vị khác nhau, ông luôn tỏ rõ là một người cộng sản kiên cường, dũng cảm với kẻ thù; một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng và đức độ, trung thực, ngay thẳng, dám nhận trách nhiệm trước sai lầm, không vì lợi ích cá nhân; là người nhân hậu, sống có tình có nghĩa với đồng chí, đồng bào.
3. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã nêu cao tấm gương trong sáng: với kẻ thù - hiên ngang, bất khuất; với công việc - tận tụy, trung thành, liêm chính, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết và trước hết; với đời sống của dân - chăm lo thiết thực cụ thể; với đồng chí - khiêm nhường, chu đáo, gần gũi thân tình; đối với bản thân - một gương sáng về tự phê bình, một nếp sống trong sáng, giản dị và khoan dung. Khi được phân công phụ trách công tác tổ chức của Trung ương Đảng, đồng chí đã có nhiều cống hiến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Với cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong suốt 10 năm từ khi đất nước thống nhất đến năm 1986, ông đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống của nhân dân thành phố Hà Nội và đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực công tác, nhất là công tác tổ chức của Đảng.
4. Cũng trong 70 năm hoạt động cách mạng, với gần 15 năm bị thực dân giam cầm, bị tra tấn dã man, tàn bạo, bị đầy đọa khắc nghiệt, ông luôn giữ vững khí tiết người cộng sản; thể hiện tấm gương mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Ông là một cán bộ có ý thức tổ chức kỷ luật cao, sống trung thực, giản dị, hòa nhã với mọi người, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng chí, của Nhân dân. Với những hoạt động và cống hiến của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Cuộc đời và sự nghiệp ông đã để lại cho chúng ta hôm nay nhiều hình ảnh đẹp để noi theo, bài học quý để chúng ta học tập, đó là hình ảnh một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, trung thực, một người lãnh đạo, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huỳnh Huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập39
  • Hôm nay1,735
  • Tháng hiện tại87,634
  • Tổng lượt truy cập2,150,179
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây