Huỳnh Đăng Thơ – Người con Bình Định vinh dự được làm việc bên Bác Hồ

Thứ ba - 13/05/2025 15:05
Huỳnh Đăng Thơ (1889–1982) là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu trong thời kỳ tiền khởi nghĩa trên quê hương Bình Định. Ông sinh ra tại làng Đại An, tổng Mỹ Đức, phủ An Nhơn — nay thuộc xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn. Khi trưởng thành, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt đi lính và làm quản ngục tại Nhà lao Kon Tum với chức vụ cai đội, thường được gọi là "đội Thơ".
Chân dung đồng chí Huỳnh Đăng Thơ
Chân dung đồng chí Huỳnh Đăng Thơ
        Chính tại nơi đây, ông đã có cơ hội gặp gỡ một tù nhân chính trị đặc biệt — nhà cách mạng Ngô Đức Đệ. Cuộc gặp gỡ ấy đã trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Ngô Đức Đệ là người đã truyền cảm hứng và dẫn dắt ông đến với lý tưởng cách mạng, giúp ông giác ngộ con đường chân lý mới. Từ đó, Huỳnh Đăng Thơ trở thành một đảng viên Đảng Cộng sản, một chí sĩ cách mạng kiên cường, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân và phong kiến. Ngô Đức Đệ là một đảng viên chủ chốt của tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng. Cuối năm 1927, ông được điều động vào Quy Nhơn giữ chức Bí thư Đảng bộ Tân Việt liên tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và Kon Tum. Năm 1929, trong một cuộc họp bí mật nhằm thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tại Đức Thọ (Hà Tĩnh), ông bị thực dân Pháp bắt giữ. Sau đó, ông bị kết án 3 năm tù và giam tại Nhà lao Vinh (Nghệ An). Tuy nhiên, bản án bị tăng nặng, và đến tháng 5/1930, ông bị đày lên Nhà lao Kon Tum. Tại đây, ông là chính trị phạm duy nhất bị biệt giam trong một xà lim riêng, nằm sát vách với phòng giấy của Huỳnh Đăng Thơ (lúc ấy giữ chức cai đội, thường gọi là "đội Thơ"). Chính nhờ vị trí đặc biệt này, ông Đệ có điều kiện thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện với Huỳnh Đăng Thơ. Thông qua những cuộc trao đổi đầy lý tưởng và niềm tin cách mạng, Ngô Đức Đệ đã tuyên truyền, thuyết phục và cảm hóa đội Thơ đi theo con đường cách mạng vô sản. Sau một thời gian thử thách, ngày 10/9/1930, Ngô Đức Đệ đã chính thức kết nạp Huỳnh Đăng Thơ vào Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay trong lòng Nhà lao Kon Tum. Từ đó, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ không ngừng rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh cách mạng, trở thành một đảng viên trung kiên, được đồng chí, đồng đội tin tưởng giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng. Chức "đội" lúc này chỉ còn là một vỏ bọc để che mắt bọn thực dân, tay sai. Dưới lớp vỏ ấy, đồng chí Thơ đã âm thầm phối hợp cùng đồng chí Ngô Đức Đệ tích cực tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp thêm các cán bộ như Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam, mở rộng lực lượng cách mạng ngay trong lòng ngục tù đế quốc.
Ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản trong binh lính Nhà lao Kon Tum chính thức được thành lập với 4 đảng viên, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo chuyển biến lớn trong phong trào cách mạng tại Kon Tum thời điểm đó. Đến tháng 11/1930, Chi bộ phát triển thêm 10 đảng viên mới, gồm đội, cai và binh lính. Trong đó, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, thay đồng chí Ngô Đức Đệ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Thơ, Chi bộ binh lính Nhà lao Kon Tum hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước mở rộng ảnh hưởng trong hàng ngũ binh lính và tù nhân chính trị. Tuy nhiên, đến tháng 3/1931, do một số đảng viên của Chi bộ Đảng tại thị xã Kon Tum bị bắt và khai báo, tổ chức Chi bộ binh lính Nhà lao Kon Tum bị lộ. Các đồng chí Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ lần lượt rơi vào tay địch và bị tra tấn dã man.
Trong vai trò Bí thư Chi bộ, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất, tuyệt đối trung thành với Đảng. Dù bị tra tấn tàn bạo, ông nhất quyết không khuất phục, không khai báo bất kỳ thông tin nào liên quan đến tổ chức. Sự kiện này được đồng chí Ngô Đức Đệ ghi lại trong hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” với dòng cảm phục sâu sắc: “Trong khi bị địch bắt, đồng chí Thơ đã nêu cao dũng khí cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu khai thác của địch bằng một cuộc tuyệt thực 21 ngày ròng rã, làm tròn nhiệm vụ dập tắt các đầu mối, bảo toàn số đảng viên còn lại trong Chi bộ.” Mặc dù không thu được chứng cứ cụ thể, nhưng thực dân Pháp vẫn kết án Huỳnh Đăng Thơ 3 năm tù với tội danh "tình nghi là Cộng sản" và đày ông qua Nhà lao Ban Mê Thuột. Tại đây, ông tiếp tục nhận được sự dìu dắt và giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng từ đồng chí Phan Đăng Lưu, một đảng viên Cộng sản ưu tú. Cuối năm 1934, ông được mãn hạn tù, trở về quê với chế độ quản thúc nghiêm ngặt của địch.
          Khi trở về quê nhà tại xã Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Định; đồng chí Huỳnh Đăng Thơ đã nhanh chóng tìm cách móc nối với tổ chức Đảng ở La Hai (Phú Yên) và bắt đầu tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cho nhiều thanh niên tiến bộ trong vùng. Trong số đó có hai người em ruột của ông là Huỳnh Đăng Chi và Huỳnh Đăng Bảng -  những hạt giống đỏ đầu tiên tiếp nối lý tưởng cách mạng trong gia đình.
           Ngày 20/10/1936, tại núi Hòn Chùa, thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ, dưới sự chủ trì của đồng chí Huỳnh Đăng Thơ, Chi bộ Đảng đầu tiên ở An Nhơn được thành lập, mang tên Chi bộ Hồng Lĩnh. Lúc mới thành lập, chi bộ gồm 7 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Mân làm Bí thư và đồng chí Nguyễn Thành Mẫn làm Phó Bí thư. Chỉ trong vòng hai năm, đến năm 1938, Chi bộ Hồng Lĩnh đã phát triển lên hơn 30 đảng viên, trở thành hạt nhân nòng cốt cho phong trào cách mạng tại địa phương. Một năm sau ngày thành lập, Chi bộ được Xứ ủy Trung Kỳ chính thức công nhận và giao nhiệm vụ trọng yếu: khôi phục và xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Bình Định. Từ những hạt giống đỏ được nhân mầm, đã thắp lên ngọn lửa cách mạng, lan tỏa ra khắp các địa phương như: An Nhơn, Tây Sơn và Phù Cát. Tuy nhiên, đến năm 1939, tình hình chuyển biến phức tạp khi thực dân Pháp suy yếu trong Thế chiến thứ hai, tạo điều kiện cho phát xít Nhật tiến vào Đông Dương. Dưới ách thống trị kép "một cổ hai tròng", nhân dân Việt Nam phải đối mặt với sự đàn áp khốc liệt khi Pháp – Nhật bắt tay nhau khủng bố phong trào cách mạng. Tại Bình Định, các Chi bộ Đảng bị tổn thất nặng nề, nhiều đảng viên Chi bộ Hồng Lĩnh bị địch bắt. Để bảo toàn lực lượng, một số người phải chuyển vùng hoạt động. Trước yêu cầu mới, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ đã chuyển ra Hoài Ân xây dựng lực lượng và lãnh đạo cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.  
        Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), đến ngày 15/3/1945, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ được gặp lại đồng chí Ngô Đức Đệ và thành lập Ban Vận động Việt Minh đầu tiên ở huyện Hoài Ân. Đây cũng chính là Ban vận động Việt Minh đầu tiên tại tỉnh Bình Định. Đồng chí Huỳnh Đăng Thơ được phân công phụ trách chính ở huyện Hoài Ân. Sau khởi nghĩa thắng lợi, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Hoài Ân. Đến năm 1946, đồng chí là Huyện ủy viên, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Hoài Ân. Năm 1950, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh Bình Định kiêm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Hoài Ân.
          Năm 1955, chấp hành việc thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến và tập kết, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ đã cùng đoàn dân chính đảng tỉnh Bình Định xuống tàu tập kết ra miền Bắc. Đây là bước chuyển quan trọng trong cuộc đời cách mạng của ông, thể hiện tinh thần tuyệt đối chấp hành chủ trương của Đảng, sẵn sàng rời xa quê hương vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Sau khi tập kết ra Bắc, đồng chí được bố trí công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch, với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: giữ con dấu và chữ ký khắc mộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt những năm tháng công tác tại đây, ông luôn thể hiện phẩm chất cách mạng mẫu mực — trung thành, cẩn trọng, tận tụy với nhiệm vụ được giao, và đặc biệt được Bác Hồ tin tưởng, quý mến.
        Một kỷ niệm sâu sắc về tình cảm giữa Bác Hồ và đồng chí Huỳnh Đăng Thơ vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Vào khoảng cuối năm 1955, trong một ngày đông giá rét ở miền Bắc, Bác biết đồng chí Thơ là người miền Trung, chưa quen với cái lạnh nơi đây, nên đã tặng ông một chiếc áo khoác bằng nỉ của chính Bác từng mặc trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pắc Bó (tháng 2/1951). Món quà tuy giản dị nhưng thấm đẫm tình cảm của vị lãnh tụ dành cho người đồng chí thân cận. Chiếc áo ấy đã được đồng chí Huỳnh Đăng Thơ trân trọng gìn giữ như một báu vật thiêng liêng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), khi trở về quê hương Bình Định, ông vẫn mang theo chiếc áo như mang theo cả ký ức và tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ. Không lâu sau đó, ông giao lại chiếc áo kỷ vật cho Bảo tàng tỉnh Bình Định, để thế hệ sau trân trọng giá trị lịch sử, nhân văn. Hiện nay, chiếc áo ấm kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng chí Huỳnh Đăng Thơ đang được trưng bày trang trọng tại phòng chuyên đề “Nhân dân Bình Định với Bác Hồ” trong Bảo tàng tỉnh Bình Định. Đây không chỉ là một hiện vật cách mạng quý giá, mà còn là biểu tượng thiêng liêng cho tình cảm giữa người cha già dân tộc và một người con ưu tú của quê hương Bình Định
a9c18c1e534ae614bf5b
Kỷ vật chiếc áo ấm bằng nỉ Bác Hồ tặng đồng chí Huỳnh Đăng Thơ 
          Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý như: Huân chương chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhì... Những phần thưởng cao quý ấy chính là sự tri ân trước một cuộc đời cách mạng mẫu mực, đầy nhiệt huyết, hy sinh và trung thành. Đồng thời cũng như một sự nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi khắc ghi, học tập và noi theo.                                       

Tác giả bài viết: NGUYỄN VIẾT TUẤN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập8
  • Hôm nay750
  • Tháng hiện tại14,430
  • Tổng lượt truy cập2,888,290
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây