HIỄU BIẾT CƠ BẢN VỀ PHÂN BÓN LÁ VÀ CÁCH SỬ DỤNG HIỆU QUẢ

Thứ sáu - 24/09/2021 08:10
Phân bón lá là các hợp chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước rồi phun lên lá để cây hấp thu, kích thích ra lá, ra hoa nhanh hơn và khỏe hơn. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phân bón lá như: HVP, HUMIX, HQ 201, BIOTED, KOMIX…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
1. Các dạng phân bón lá
Có thể chia thành các nhóm theo: Dạng, thành phần dinh dưỡng và cơ chế liên kết các nguyên tố dinh dưỡng.
- Theo dạng: Dạng rắn và dạng lỏng
- Theo thành phần dinh dưỡng: Chỉ có các yếu tố dinh dưỡng vô cơ riêng lẻ hoặc phối hợp (đa lượng, trung lượng và vi lượng) có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng (kích thích, ứng chế) và có thuốc bảo vệ thực vật.
- Theo cơ chế liên kết các nguyên tố dinh dưỡng: dạng hữu cơ, dạng vô cơ trong đó có xelat và dạng hữu cơ – khoáng.
2. Phân bón lá cung cấp những chất dinh dưỡng sau cho cây trồng
- Dinh dưỡng đa lượng: Đạm (N), Lân (P), Kali (K).
- Dinh dưỡng trung lượng: Canxi (Ca), Lưu huỳnh (S), Magie (Mg).
- Dinh dưỡng vi lượng: Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Mangan (Mn), Bo (B), Molypden (Mo), Clo (Cl),...
- Phân bón lá có tác dụng kích thích sinh trưởng, tăng khả năng đâm chồi, đẻ nhánh, ra hoa, đậu quả, tăng năng suất chất lượng nông sản, kéo dài thời gian bảo quản.
3. Cách sử dụng phân bón lá hiệu quả
- Khi mua cần phải đọc kỹ tác dụng và hướng dẫn sử dụng in trên bao bì, tránh sử dụng sai loại phân, phun không đúng liều lượng, không đúng chủng loại cây trồng (sử dụng theo phương pháp 4 đúng).
- Trước khi phun cần hoà tan thật kỹ, lắc đều và phun ướt đẫm lên lá để phân có điều kiện tiếp xúc với diện tích lá càng nhiều càng tốt.
- Cẩn thận khi pha chung với các hoá chất khác. Đối với thuốc trừ sâu phân bón lá có thể pha chung, nhưng phải tiến hành phun ngay sau khi pha. Không được pha chung với thuốc trừ cỏ và thuốc trừ bệnh, vì các phản ứng hoá học sẽ làm mất hiệu lực của cả hai.
- Phân bón lá có thể phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần giúp giảm được lượng phân bón gốc. Có thể hòa phân bón lá để phun lên lá hoặc tưới vào gốc (thường áp dụng với thời kỳ cây con).
- Với cây hai lá mầm như cà chua, cam, quýt,... nên phun tập trung mặt dưới lá. Với cây một lá mầm như lúa, bắp thì phun đều cả hai mặt lá. Khi phun thì cũng cần đủ lượng nước để dung dịch phun tiếp xúc đều tán lá.
- Chọn thời điểm phun phù hợp, không phun khi trời nắng to và khi trời sắp mưa vì có thể gây ra cháy lá, giảm hiệu lực của phân. Tốt nhất là phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
- Khi nhiệt độ quá cao, đất bị khô hạn nặng không nên sử dụng phân bón lá vì dễ gây rụng lá.
- Không sử dụng phân bón lá lúc cây đang ra hoa, lúc trời nắng vì sẽ làm rụng hoa trái và làm giảm hiệu lực phân.
- Không nên nhầm lẫn phân bón lá với chất kích thích sinh trưởng cây trồng vì mỗi loại có tác dụng khác nhau. Trong chất kích thích không có chất dinh dưỡng. Nếu muốn vừa kích thích vừa cung cấp dinh dưỡng thì dùng loại phân bón lá có chất kích thích hoặc pha chung phân bón lá với chất kích thích (Nguyễn Đăng Nghĩa và ctv., 2005).
- Phân bón lá không thể thay thế được phân bón gốc. Bón phân vào đất vẫn là biện pháp bón phân chủ yếu và chỉ nên phun phân bón lá ở những thời điểm cần thiết.

Tác giả bài viết: Quang Thạch – Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 14 đánh giá

Xếp hạng: 2.8 - 14 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Đang truy cập27
  • Hôm nay1,317
  • Tháng hiện tại87,216
  • Tổng lượt truy cập2,149,761
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây